Nhà cầm quyền Nam Triều Tiên không muốn lập lại những gì đã xảy ra trong hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào tháng 6 năm nay tại Toronto. Ở đó, người biểu tình đã đập phá cửa sổ các cửa hàng và đốt xe cảnh sát. Hàng trăm người bị bắt vì gây ra bạo loạn.
Đối với hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tuần tới, Seoul đã cấm các cuộc biểu tình gần và chung quanh nơi tổ chức hội nghị và sẽ điều động 20,000 cảnh sát tuần tiễu khu vực này. Chính phủ cũng từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho một số các nhà hoạt động nước ngoài chống toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, một nhóm có thế lực đại diện cho 80 tổ chức của Triều Tiên chống lại chính sách kinh tế của nhóm G20 nói sẽ tổ chức biểu tình những ngày trước hội nghị cũng như trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Trong một cuộc họp báo tại Seoul vào ngày thứ Sáu, đại diện của nhóm này nói rằng những biện pháp an ninh của Nam Triều Tiên là phi dân chủ và đe dọa quyền tự do ngôn luận.
Ông Kim Young-hoon, chủ tịch của Liên hiệp Công đoàn Thương mại Triều Tiên, tuyên bố qua một thông dịch viên là vì có sự đàn áp về an ninh của Seoul, ông không thể đảm bảo là các cuộc biểu tình sẽ không trở thành bạo động.
Ông Kim nói: “Nếu quyền của công nhân và người dân bình thường như tự do tụ tập, tự do bày tỏ ý kiến, được đảm bảo và nếu đảm bảo được rằng tiếng nói của chúng tôi được truyền đi cho công chúng, đó là giải pháp duy nhất phòng ngừa được bất cứ loại bạo động nào xảy ra.”
Những cuộc biểu tình có liên quan đến những công đoàn thương mại của Triều Tiên trong quá khứ đã trở thành bạo động cũng như là những cuộc biểu tình chống tự do mậu dịch tại Nam Triều Tiên.
Cảnh sát chống bạo động Nam Triều Tiên bị chỉ trích là đã dùng vòi rồng bắn vào người biểu tình trong quá khứ.
Ông Kim nói là nếu chiến thuật này được sử dụng trong suốt thời gian hội nghị thượng đỉnh G20, chính phủ phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra.
Ông Kim nói tiếp: “Sử dụng vũ lực quá đáng để đàn áp các cuộc biểu tình và tập họp, để đàn áp các quyền của chúng tôi sẽ gây nên hay khiêu khích làm cho những cuộc biểu tình trở nên bạo động, đó là điều không ai muốn cả.”
Những người chỉ trích Khối G20 nói những chính sách các nhà lãnh đạo đã chấp thuận về mậu dịch và kế hoạch kinh tế làm hại đến các công nhân và những người nghèo. Tại Nam Triều Tiên, nhiều nhà lãnh đạo công đoàn lo ngại là tự do mậu dịch nhiều hơn hay một đồng tiền mạnh hơn sẽ làm cho công nhân mất việc. Nông dân Nam Triều Tiên nói cho phép nhập cảng thêm lương thực sẽ làm cho họ phá sản.
Các tổ chức dân sự và lao động sẽ biểu tình chống khối G20 vào ngày Chủ Nhật và một cuộc biểu tình khác sẽ được tổ chức vào ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh 11 tháng 11.
Chính phủ Nam Triều Tiên đang thắt chặt an ninh trước hội nghị thượng đỉnh G20 của các nền kinh tế hàng đầu thế giới diễn ra tại nước này tuần tới. Tuy nhiên các thành viên của những tổ chức dân sự và lao động Nam Triều Tiên nói là những biện pháp an ninh không thể nào ngăn chặn họ biểu tình chống lại điều họ gọi là những chính sách kinh tế không công bằng của nhóm G20. Các tổ chức này cũng nói là không thể nào bảo đảm những cuộc biểu tình sẽ ôn hòa. Thông Tín Viên Jason Strother tường trình thêm chi tiết từ Seoul.