Ấn Độ du ký: Sông Hằng, sông thiêng

Hình: Tước Nguyễn

Tước Nguyễn


Thường thì khi nhắc đến Ấn Độ, bà con nghĩ ngay đến ngôi đền tình yêu Taj Mahal, hay nói đến Ai Cập thì hiện ra hình ảnh Kim Tự Tháp… Cá nhân tôi nghĩ hơi khác: Ấn Độ có sông Hằng, Ai Cập có sông Nile, Lào có sông Mekong, Áo có sông Danube… Có thể vì ước nguyện của tôi là được bập bềnh trên những dòng sông nổi tiếng trên thế giới (chỉ còn sông Amazon, nhưng chắc… thua).

Hình: Tước Nguyễn

Sông quan trọng với tôi là vì nó mang đến sự sống vật chất và tâm linh.

Sông Hằng đoạn chảy qua Varanasi (hồi nhỏ ta thường nghe là Ba Na Lại) được xem là một trong những nơi linh thiêng nhất của Ấn Độ Giáo – Xưa thật xưa, Đức Phật đã từng ghé lại đây (trên đường đi giảng bài kinh đầu tiên gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân), hơi gần một chút thì có văn hào Mark Twain (với tác phẩm Huckleberry Finn giống giống Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài), và gần đây nhất là … tôi. Điểm đặc biệt là sinh hoạt người dân tại Varanasi không thay đổi suốt hơn 4,000 năm lịch sử (sống thì sáng đi tắm sông, chết thì tro được rải xuống ngay nơi đó).

Hình: Tước Nguyễn

Khi đi dọc theo bờ sông Hằng, người ta thường thấy chữ GHAT đi sau một tên gì đó, chẳng hạn Prayag Ghat, Munshi Ghat… Ghat: nơi có những bậc tam cấp dẩn xuống mé nước, tạm dịch là “Bến Sông”. Còn cái tên phía trước thì thuộc một gia đình hoàng tộc hay thương gia giàu có (gọi nôm na là Bến Ông Hai, Bến Bà Tám…) Ghat nổi tiếng nhất khu này là Manikarnika Ghat (Bến Thiêu Xác, sẽ nói dưới đây).

Hình: Tước Nguyễn

Trên đường xuống bến sông phải cẩn thận nhìn xuống đất vì ánh sáng cứ lờ mờ lúc tỏ lúc lu. Dân địa phương lục đục thức dậy, người thì quét rác đánh răng, người thì đi kiếm ly trà sữa đầu ngày. Ghe cộ thì sẵn sàng dưới bến cho du khách ngắm bình minh. Thôi, bây giờ chúng ta chuẩn bị đi thăm mấy cái bến sông trên bờ trước khi nhúng mình xuống nước.

Hình: Tước Nguyễn

Đến Varanasi là phải leo lên ghe đón bình minh mới phải đạo. Thời điểm lên ghe thường khoảng 5 giờ sáng. Ghe lớn nhỏ tùy theo lượng khách (từ 2 người dến hơn 20 người), chỉ có ghe gỗ chèo tay. Sáng sớm, không gian khá tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng tụng kinh rì rầm của một nhóm Phật tử ghe kế bên cùng với tiếng lụp cụp của mái chèo chạm vào thân ghe. Ngoài ra, bà con còn thả hoa đăng dưới sông (thêm một nguồn ô nhiễm) hay mua cá để phóng sinh từ các ghe dân địa phương.

Hình: Tước Nguyễn

Trên bờ dọc theo các bến sông (ghat), người dân bắt đầu nghi thức tắm sáng và cầu nguyện. Bến sông nằm phía Tây, vì vậy khi cầu nguyện họ hướng về phía Đông để chiêm ngưỡng mặt Trời. Thôi thì đủ hết già trẻ bé lớn, xanh đỏ tím vàng… nhấp nhô dưới làn nước con sông thiêng. Người thì gội đầu, kẻ thì đánh răng, ông này cầu nguyện, bà kia thay đồ… Và cứ như vậy suốt hơn 4,000 năm.

Hình: Tước Nguyễn

Bà con hỏi tôi có xuống tắm và uống thử nước sông không. Kể sơ sơ nghe chơi rồi mới quyết định nghen: Kế bên chỗ tắm là Manikarnika Ghat (Bến Thiêu Xác), một trong hai lò thiêu xác lớn nhất Varanasi (dân số gần một triệu), và khi thiêu xong thì tro xương được nhẹ nhàng tống xuống nước. Kế đó là xác thú vật trôi lềnh bềnh. Ngoài ra, tất cả chất thải của Varanasi đều đi thẳng một lèo xuống đây. Cuối cùng là các chất rắn công nghệ từ các nhà máy cũng tìm đường nhập vào dòng sông thiêng này.

Hình: Tước Nguyễn

Cảm giác của tôi với sông Hằng (cũng như các sông nổi tiếng khác mà tôi có dịp ghé thăm) là thỏa mãn sở thích cá nhân chứ không có sự xúc động sâu đậm như khi đứng trước sông Tiền, sông Hậu nhìn lục bình trôi theo con nước.

Hình: Tước Nguyễn

Ghe đi gần Manikarnika Ghat (Bến Thiêu Xác), ông tour guide Ấn nhắc là không nên chụp hình, nhưng tôi ỉ ôi cho biết là sẽ chụp nhanh và kín đáo vì không còn cơ hội lần hai. Sở dĩ tôi quyết chụp là vì biết nếu vào lò thiêu cho nhóm thiêu xác tiền thì chụp cũng được thôi chứ không phải kiêng cử vì lý do tôn giáo nào cả.

Hình: Tước Nguyễn

Manikarnika Ghat (Bến Thiêu Xác) là một trong hai lò thiêu của thành phố Varanasi và hoạt động 24/24 (những lò khác thường làm việc vào lúc bình minh hay hoàng hôn). Ghe đến gần thì thoang thoảng có mùi khen khét hơi khó chịu và khó tả. Nhìn lên bờ thì như đang lạc vào một thế giới khác, màu sắc âm u tối tăm với những con người đen đúa.

Hình: Tước Nguyễn

Ai lo việc thiêu xác? Xã hội Ấn chia bốn giai cấp chính, là Brahmins (Bà La Môn: tu sĩ, trí thức) – Kshatriyas (Sát Đế Ly: vua chúa) – Vaishyas (Vệ Xa : thương gia) – Shudras (Thu Đà La : lao động). Lọt ra ngoài bốn giai cấp trên là nhóm Dalits (cùng khổ), nhóm này chuyên làm những việc mà bốn giai cấp trên không đụng tay vào (đổ phân, múc cống…). Chưa hết, Dalits còn chia làm nhiều giai cấp nữa là giai cấp thấp nhất gọi là Dom, và Dom lo việc thiêu xác tại Manikarnika Ghat này. Hiện nay nhóm Dom độc quyền lo việc hỏa táng tại Manikarnika Ghat và chi phí trung bình là 5 đô/xác chết (và có cả màn trả giá). Trung bình họ thiêu từ 20 đến 50 xác/ngày, tùy mùa.

Hình: Tước Nguyễn

Có những hạng người không cần hay không được hỏa táng như tu sĩ, đàn bà có thai, trẻ em đưới 2 tuổi… Thêm vào đó là những người quá nghèo không mua được củi thì chỉ quấn khăn rồi tuồn xuống sông là xong việc. Muốn thiêu xác ra tro thì phải có nhiều củi (người giàu), nếu ít tiền ít củi (người nghèo) thì thiêu lem nhem cũng xong. Quan trọng là xác hay xương hay tro đều được trở về với dòng sông thiêng.

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn

Hình: Tước Nguyễn