Tổ chức Y tế Thế giới WHO báo cáo mỗi năm có hơn 800 ngàn người tự vẫn chết. Công bố bản phúc trình cầu đầu tiên về phòng chống tự vẫn, WHO nói số người chết vì tự vẫn cao hơn số người chết vì các cuộc xung đột, chiến tranh và thiên tai gộp lại. Từ nơi công bố bản phúc trình ở Geneve, thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật cho đài VOA.
Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo cứ mỗi 40 giây lại có một người ở nơi nào đó trên thế giới tự vẫn. Bất kể con số thống kê cao một cách đáng kinh ngạc này, WHO nói chỉ có một số ít các quốc gia có các chính sách nhằm phòng chống tự tử.
Giám đốc WHO về Sức khoẻ Tâm thần và Lạm dụng Ma tuý Shekhar Saxena nói còn có nhiều thứ mà các cộng đồng có thể làm để cung cấp sự hỗ trợ cho những người dễ bị thương tổn. Ông nói tự tử là hậu quả cuối cùng cho những người cảm thấy bị cô lập, trầm cảm và vô vọng. Ông nói xã hội có thể làm nhiều hơn để cung cấp sự hỗ trợ dành cho họ vào một thời khắc hết sức đau khổ:
“Những người cuối cùng đi đến chỗ tự vẫn, gần như trong mọi trường hợp, đã đi tìm sự giúp đỡ của ai đó. Có thể là một người bạn, có thể là một người thân, có thể là một hệ thống chăm sóc xã hội. Có thể là một tổ chức tôn giáo và rất nhiều khi yêu cầu xin giúp đỡ này đã không được đáp lại một cách tích cực. Vì thế các cộng đồng, các gia đình có trách nhiệm phải sẵn sàng cung cấp hình thức hỗ trợ mà người ta cần đến.”
Tổ chức Y tế Thế giới gọi tự tử là một vấn đề sức khoẻ toàn cầu. Tổ chức này nói một quan niệm sai lầm chung là tự tử là một hiện tượng Tây phương và của một nước đã phát triển. Trên thực tế, tổ chức này nói khoảng 75 phần trăm các vụ tự tử xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
WHO viện dẫn các phương pháp tự tử thông thường nhất trên toàn cầu là dùng thuốc độc trừ sâu bọ, treo cổ và súng ống. Các dữ liệu của một số quốc gia Âu châu, Hoa Kỳ và những nước phát triển cho thấy việc hạn chế các phương tiện vừa kể có thể giúp ngăn chặn mọi người chết vì tự vẫn.
Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc nhận thấy tỷ lệ tự vẫn trên toàn cầu cao nhất nơi những người từ 70 tuổi trở lên. Tuy nhiên, bác sĩ Saxena nói người trẻ cũng có nguy cơ rất cao. Ông nêu ra điểm tự vẫn là nguyên do hàng thứ nhì gây ra cái chết trong những người từ 15 đến 29 tuổi:
“Nói chung trên toàn thế giới, nam giới tự vẫn nhiều hơn nữ giới. Mặc dầu ở các nước giàu hơn, ở các nước phát triển hơn, tỷ lệ nam giới tự vẫn nhiều hơn so với nữ giới. Ở các nước đang phát triển thì bớt chênh lệch hơn. Điều đó, đương nhiên có nghĩa là số nam giới vẫn cao hơn, nhưng dứt khoát không nhiều bằng so với các nước đã phát triển.”
WHO nói các tỷ lệ cao nhất về tự vẫn là ở Trung và Đông Âu và một số nước Á châu. Tổ chức này nói tỷ lệ tự vẫn ở châu Phi dường như nghiêng về phần thấp. Nhưng tổ chức cảnh báo rằng các số liệu từ khu vực đó rất hiếm hoi và không đáng tin cậy lắm.
Các giới chức y tế đồng ý rằng số người nổi tiếng tự vẫn có thể gây ra một thái độ bắt chước. Nhà khoa học thuộc Phân bộ Sức khoẻ Tâm thần và Lạm dụng Dược chất của WHO, bà Alexandra Fleischmann nói với đài VOA rằng có một sự liên hệ giữa cách thức tường thuật các vụ tự vẫn nơi các cơ quan truyền thông và các hành động thực hiện sau đó. Bà nói:
“Vì thế, sự kiện này làm nổi bật và nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong các vụ tự vẫn. Không nên thi vị hoá hay thổi phồng các vụ tự vận trên các phương tiện truyền thông bởi vì tiếp theo có thể là những vụ bắt chước.”
Trong các đề nghị, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi chấm dứt việc tội phạm hoá âm mưu tự sát. Tổ chức này nói hiện có 25 quốc gia trên thế giới - ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á – nơi cả tự tử lẫn âm mưu tự tử bị coi là các hành vi tội phạm. Tổ chức này nói ngay cả những người vô tình dùng thuốc quá liều có thể bị bỏ tù thay vì được đưa vào một cơ sở y tế có thể giúp họ chữa lành.