Hai tổ chức sinh viên tổ chức những cuộc biểu tình tại Hong Kong đã công bố một thư ngỏ gởi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kêu gọi cứu xét cải cách chính trị đối với thành phố này.
Thư ngỏ xuất hiện ngày thứ Bảy trên báo South China Morning Post nói phải qui lỗi cho Trưởng quan Hành chánh Lương Chấn Anh đã gây nên những cuộc biểu tình chống chính phủ trên các đường phố Hong Kong, một lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc, trong hai tuần qua.
Các sinh viên kêu gọi chủ tịch Tập Cận Bình cho phép các cử tri Hong Kong bầu Trưởng quan Hành chánh của họ, nói rằng ông Lương đồng minh của Bắc Kinh và chính quyền của ông này đã nhiều lần làm ngơ trước ý chí của người dân.
Hôm thứ Sáu, con số những người biểu tình lại tăng lên, sau khi nhà cầm quyền huỷ bỏ những cuộc thảo luận dự trù với các nhà lãnh đạo biểu tình. Tin tức cho biết con số những người biểu tình từ hàng trăm người lúc đầu tuần đã tăng lên hàng ngàn người.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại cáo buộc Hoa Kỳ đứng đằng sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã làm tê liệt một phần Hong Kong.
Nhân dân Nhật báo do nhà nước điều hành trong một bài xã luận đang trên trang nhất số xuất bản ngày thứ Bảy nói các giới chức chính phủ Mỹ, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông đang tích cực xúi dục một “cuộc cách mạng màu” tại lãnh thổ bán tự trị này của Trung Quốc.
Bài xã luận nói Hoa Kỳ ra vẻ bênh vực dân chủ và nhân quyền, nhưng thực chất là “bảo vệ cho lợi ích của Mỹ và làm suy yếu các chính phủ mà Mỹ xem là không chịu phục tùng.”
Đây được xem là lên án trực tiếp nhất của Bắc Kinh về sự dính líu của Mỹ trong phong trào biểu tình đòi hỏi phải để cho người dân Hồng Kông tự chọn lãnh đạo của họ trong cuộc bầu cử năm 2017.
Hoa Kỳ muốn thấy phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông, nhưng chưa lên tiếng trực tiếp ủng hộ phong trào bất tuân dân sự vốn đang tạo đà lớn mạnh ở Hồng Kông.
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng ông tin tưởng có thể bảo đảm về sự “ổn định xã hội” của Hồng Kông và Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” trên lãnh thổ bán tự trị này.
Trong cuộc họp với Thủ tướng đức Angela Merkel ở Berlin, ông Lý nói rằng sự ổn định lâu bền của Hồng Kông phải được bảo đảm cho người dân Hồng Kông và cho Hoa lục.
Chiều tối thứ Năm, nhà cầm quyền đã bãi bỏ cuộc nói chuyện với với các thủ lãnh biểu tình, và nói rằng các cuộc đối thoại được dự kiến vào ngày thứ Sáu không thể thực hiện được vì các cuộc biểu tình mà họ xem là bất hợp pháp vẫn tiếp diễn.
Chính quyền thân Bắc Kinh đã tức giận bởi những đe dọa của các thủ lãnh sinh viên sẽ gia tăng các cuộc biểu tình nếu đòi hỏi cải cách bầu cử của họ không được đáp ứng.
Những người biểu tình đòi Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh từ chức, và Bắc Kinh phải rút lại quyết định duyệt xét ứng cử viên của lãnh thổ này trong cuộc bầu cử năm 2017.
Khoảng cách thế hệ
Những cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên lãnh đạo tại Hong Kong nêu bật sự cách biệt giữa các thế hệ tại lãnh thổ Trung Quốc này với các bậc cha mẹ phần lớn thích ổn định hơn là dân chủ. Tuy nhiên giới trẻ lý tưởng và năng động cho biết trong khi thế hệ lớn tuổi lo lắng về hiện tại thì những người trẻ tranh đấu cho tương lai Hong Kong.
Những người biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong phần lớn là sinh viên bãi khoá để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh về việc chọn các ứng cử viên cho cuộc bầu cử trực tiếp giới lãnh đạo lãnh thổ này vào năm 2017.
Dù có những người ủng hộ lớn tuổi trong hai tuần lễ biểu tình chiếm một phần của trung tâm thành phố, những nhà lãnh đạo đều rất trẻ.
Nhiều người biểu tình như cô Clara Thang nói họ không thể thảo luận phong trào với cha mẹ vì cha mẹ họ không đồng ý việc tham dự của họ.
Cô nói: “Do đó điều chúng tôi cần là chúng tôi cần sự truyền đạt, chúng tôi cần thảo luận giữa mọi người, giữa các ý kiến, giữa những phe phái khác biệt. Tuy nhiên sau đó nếu họ không thực sự thảo luận như giữa chính quyền và đại diện sinh viên hiện nay. Nếu chính quyền không muốn thảo luận, như cha tôi không muốn thảo luận, và họ chỉ muốn đẩy mạnh mọi việc như đẩy mạnh sự tin tưởng của họ, thì làm sao có thể có được sự truyền đạt thực sự. Chuyện này không thể xảy ra được.”
Căng thẳng giữa các thế hệ có thể nhận thấy được trong sự khác biệt về tuổi tác trong số những người chống lại việc chiếm cứ các đường phố Hong Kong.
Một phụ nữ trung niên, không muốn cho biết tên tuổi, đối đầu với các sinh viên sau khi bà xé bỏ các bích chương biểu tình gần kề một trạm xe điện ngầm.
Bà nói: “Tôi không thích họ. Có thế thôi. Không có dân chủ ở đây. Hiện nay họ là những ông chủ.”
Tuy nhiên một số người thuộc tầng lớp lao động lớn tuổi ủng hộ những cuộc biểu tình, đòi cải cách hiến pháp, và Trưởng quan Hành chánh được Bắc Kinh chấp thuận phải từ chức.
Một người đàn ông cho biết tên là Joe, cùng tham dự biểu tình với cô con gái nhỏ. Ông nói: “Đây là một hình thức giáo dục dân sự cho giới trẻ biết là có thể thế hệ chúng tôi không thể tranh đấu cho dân chủ nhưng hy vọng là ở những người này.”
Các người tình nguyện dựng lên một trung tâm giáo dục cho những sinh viên biểu tình, một số người cắm trại tại đây trong nhiều ngày. Họ sẽ sớm có những kỳ thi và cha mẹ họ lo ngại kết quả yếu kém có thể ảnh hưởng đến tương lai của họ.
Tuy nhiên những người trẻ tập họp tại đây nói tương lai tự do của Hong Kong đang gặp nguy cơ và họ chấp nhận hy sinh.