Cơ quan chống ma túy của Liên Hiệp Quốc hôm nay nói vùng đất để trồng cây thuốc phiện ở đông nam châu Á gia tăng ước chừng 16%, vào lúc nông gia ở Miến Điện và Lào tìm cách kiếm thêm nhiều tiền nhờ giá cao.
Cơ quan còn gọi tắt là UNODC này nói rằng Miến Điện, nước sản xuất đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Afghanistan, chiếm phần lớn số tăng về trồng trọt và nắm 96% số thuốc phiện trong khu vực.
Miến Điện sản xuất khoảng 610 tấn trong năm nay, tức là khoảng 10% lượng thuốc phiện trên toàn cầu, trong khi Lào sản xuất 25 tấn.
Tổng sản lượng ở đông nam châu Á có trị giá khoảng 319 triệu đôla, trong đó có khoảng 275 triệu được sản xuất tại Miến Điện. Để so sánh, UNODC cho biết sản lượng thuốc phiện của Afghanistan trong năm nay trị giá 1,4 tỷ đôla.
Đại diện UNODC ở châu Á Thái Bình Dương, ông Gary Lewis, phát biểu vào lúc công bố bản phúc trình thường niên của cơ quan này về thuốc phiện.
Ông nói với Câu lạc bộ Ký giả nước ngoài ở Thái Lan rằng phần lớn số thuộc phiện là ở bang Shan miền bắc Miến Điện, còn gọi là Myanmar.
Ông Lewis nói: “Theo các con số ước tính của chúng tôi, nguyên do thúc đẩy sự gia tăng trồng cây thẩu là tình hình bất an về thực phẩm, sự nghèo khó, cuộc xung đột hoành hành ở khu vực đó của Myanmar, và giá cao mà những người muốn trồng loại hoa mầu này có thể có được.”
UNODC nói giá thuốc phiện ở Miến Điện tăng vọt kể từ năm 2010 từ 300 đôla 1 kilo lên tới 450 đôla một kilo, vì giá trị chỉ tệ Miến Điện là đồng kyat sụt giảm và nhu cầu của các nước láng giềng.
Giá thuốc phiện ở Lào và Thái Lan còn cao hơn, tức là 1600 đôla và 1400 đôla một kilo.
Ông Jason Eligh là giám đốc UNODC tại Miến Điện. Ông nói nông gia nghèo trồng loại hoa mầu này hay làm công nhân trong các trại trồng cây thẩu có thể kiếm tiền cao gấp nhiều lần so với thu nhập trung bình của các công nhân nông nghiệp khác.
Ông nói: “Vì thế, ta có thể thấy rằng đó là một chọn lựa kinh tế hợp lý cho những người đứng trước nguy cơ đối với gia đình và tham gia vào việc trồng cây thẩu hoặc là qua việc trồng loại hoa mầu này, hoặc qua việc phụ giúp trong công tác làm lao động trồng và thu hoạch các loại hoa mầu này.”
Trong khuôn khổ các chương trình xóa bỏ và thay thế hoa mầu, các nước chính sản xuất thuốc phiện ở Đông nam châu Á là Miến Điện, Lào và Thái Lan đã chứng kiến sự sụt giảm khoảng 83% trong việc trồng trọt từ năm 1998 đến năm 2006.
Nhưng sau đó thì sản lượng lại tăng dần ở Miến Điện và Lào.
Thái Lan là quốc gia duy nhất trong vùng đã tìm cách giữ sản lượng thuốc phiện ở mức thấp hơn, với kích thước các cánh đồng cây thẩu sụt giảm trong năm nay khoảng 1/4 và sản lượng sụt xuốg khoảng 3 tấn.
UNODC ca ngợi các nỗ lực của Thái Lan nhằm giải quyết vấn đề, trong đó có các chương trình thay thế hoa mầu.
Cơ quan chống ma túy nói cần có thêm sự tài trợ của quốc tế tại Miến Điện và Lào để giới thiệu các loại hoa mầu thay thế và các chương trình phát triển hiện còn thiếu sót một cách đáng tiếc.
Văn phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc nói rằng việc trồng cây thuốc phiện gia tăng đáng kể trong năm nay ở Miến Điện và Lào – là các nguồn cung cấp loại ma túy này đứng hàng thứ hai và thứ ba trên thế giới. Cơ quan Liên Hiệp Quốc này nói giá thuốc phiện tăng vọt khích lệ các nông gia trồng thêm cây thẩu và cần phải có các phương án khác để ngăn chặn tình trạng này ở đông nam châu Á.