Cơ quan không gian NASA Hoa Kỳ đã xác nhận việc khám phá 26 hành tinh lạ trong 11 Thái Dương Hệ dựa trên những quan sát của viễn vọng kính không gian Kepler.
NASA nói khám phá của Kepler tăng gần gấp đôi con số các hành tinh ở bên ngoài thái dương hệ của Trái Đất và gần gấp ba con số các sao được biết tới là có ít nhất một hành tinh xoay quanh quỹ đạo.
Mặc dầu những khám phá phong phú như vậy, không có cái nào có vẻ như giống Trái Đất, mục đích chính của phi vụ Kepler. Tất cả các quỹ đạo của 26 hành tinh này đều rất gần với các sao mẹ của chúng, có nghĩa là có thể quá nóng để dung chấp đời sống như đã biết.
Các nhà thiên văn có thể nhìn thấy một hành tinh khi quỹ đạo của nó đi ngang qua trước mặt hay di chuyển quanh sao chính, và gây ra hiện tượng làm mờ đi một cách rõ ràng ánh sáng đều đặn của nó.
Các nhà khoa học thuộc chương trình này nói sự đo lường thêm những khác biệt quỹ đạo trong 11 thái dương hệ này xác nhận sự hiện diện của nhiều hành tinh với những mặt trời lạ vây quanh bởi từ hai tới năm hành tinh mỗi thái dương hệ.
Hành tinh nhỏ nhất lớn hơn Trái đất một chút trong khi hành tinh lớn nhất to hơn Sao Mộc, là hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ. Các hành tinh này hoàn tất một quỹ đạo chung quanh sao mẹ từ 6 ngày tới 143 ngày một lần.
Nghiên cứu về hệ thống lạ này sẽ giúp các nhà thiên văn hiểu nhiều hơn về sự thành lập các hành tinh.