Các khoa học gia tiên đoán Siêu lục địa Tương Lai ‘AmAsia’ tại Bắc Cực

Các khoa học gia tiên đoán Siêu lục địa Tương Lai ‘AmAsia’ tại Bắc Cực

Các nhà khoa học tin rằng trong khoảng thời gian 250 triệu năm nữa, tất cả các lục địa trên trái đất sẽ từ từ trôi giạt lại gần với nhau để tạo thành một “siêu đại lục” duy nhất.

Hiện nay, một toán chuyên gia địa chất Hoa Kỳ đã tiên đoán một viễn cảnh hoàn toàn mới trong đó “siêu đại lục” kế tiếp mà họ gọi là AmASia, sẽ nằm gần Bắc Cực.

Các nhà địa chất đề cập tới “siêu đại lục” này là pangaea (pan-JEE-uh), có nghĩa là “toàn đất.” Trước kia có một Siêu đại lục tồn tại 300 triệu năm trước đây, và các khoa học gia nói rằng những siêu đại lục tương tự có thể đã được thành lập ít nhất ba hay bốn lần trong lịch sử.

Các nhà khảo cứu tại Trường Đại Học Yale nói rằng những phát hiện mới của họ cho thấy các đại lục mà chúng ta có hiện nay sẽ từ từ trôi giạt về hướng bắc, sẽ va chạm với nhau trên đường đi, tạo thành siêu đại lục AmAsia có trung tâm ở trên địa điểm hiện nay là Bắc Băng Dương.

Ngược lại, các lý thuyết tiêu chuẩn tiên đoán siêu đại lục kế tiếp sẽ ở một nơi xa hơn về phiá nam trên Đại Tây Dương – gần Châu Phi hiện nay, khoảng cùng một địa điểm gần Xích đạo nơi siêu đại lục trước đây tọa lạc.

Một lý thuyết thay thế khác đặt trung tâm của siêu đại lục tương lai bao phủ Thái Bình Dương hiện nay ở phía bên kia của địa cầu. Nhưng không có lý thuyết nào tiên đoán một siêu đại lục tương lai ở Bắc Cực.

Các nhà địa chất của trường đại học Yale nói họ đi tới lý thuyết về siêu đại lục mới AmAsia sau một cuộc phân tích lâu dài về từ trường của các đá thời cổ đại; công trình này đã cung cấp cho họ một phương cách để sắp xếp các đại lục về cả vĩ tuyến lẫn kinh tuyến.

Mặc dầu không xác định cụ thể thời gian, các nhà khảo cứu nói rằng những tính toán của họ cho thấy rằng siêu đại lục kế tiếp sẽ không bắt đầu hình thành trong khoảng thời gian ít nhất 50 triệu năm nữa.

Siêu đại lục trước đã tan vỡ 200 triệu năm trước đây để tạo thành bảy đại lục hiện nay – Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Âu, Châu Á, Châu Úc và vùng Nam Cực.