Scandal ‘Phạm Bá Hiền’ – ‘cả hệ thống chính trị’ đã... ‘vào cuộc’

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Nhờ tờ Tiền Phong “vào cuộc” nên công chúng mới biết thêm, việc gia đình ông Hiền tổ chức liên hoan rầm rộ không chỉ một buổi mà là... “Mở tiệc nhiều ngày để chúc mừng và mời bà con lối xóm đến dự, không nhận tiền của ai cả..."

Giới lãnh đạo đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ ở Việt Nam thường tuyên bố... “cả hệ thống chính trị vào cuộc” để nhấn mạnh quyết tâm và khẳng định nỗ lực nhằm thực hiện điều gì đó. “Cả hệ thống chính trị vào cuộc” ra đời khi “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” được hứa hẹn là sẽ... “đồng bộ, quyết liệt”, dứt khoát “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai” và sau đó, “cả hệ thống chính trị” tiếp tục xông “vào nhiều chỗ, nhiều chuyện khác...

Không may là dẫu “cả hệ thống chính trị vào cuộc” nhưng sau khi đã xông “vào” nhiều chỗ, nhiều chuyện, thiên hạ vẫn chưa thấy “cả hệ thống chính trị” tìm được đường... “ra” cho chỗ nào, chuyện nào, đặc biệt là đường... “ra” cho “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” - chuyện trước nay vẫn được khẳng định là thuộc loại quan trọng nhất, hao tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, giấy mực và cả... nước bọt nhất! Lần này đối với chuyện... “Phạm Bá Hiền” cũng vậy. Có vài dấu hiệu cho thấy “cả hệ thống chính trị” đã... “vào cuộc” và nếu chịu khó xem cách... “vào”, sẽ có thể đoán được lối... “ra”...

***

Scandal “Phạm Bá Hiền” bùng lên hồi hạ tuần tháng trước và kéo dài sang thượng tuần tháng này sau khi người sử dụng mạng xã hội chuyền cho nhau xem hình ảnh bữa tiệc mừng ông đại tá Tư lệnh Binh đoàn 16 được vinh thăng Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam tại “lâu đài” của gia đình ông. Bên cạnh những thắc mắc và bình phẩm về chuyện tiền từ đâu ra để ông đại tá Tư lệnh Binh đoàn 16 và gia đình có thể dư giả tới mức muốn phô bày cuộc sống xa hoa của ông và gia đình như vậy (1), những người hiểu rõ ông tân thiếu tướng này còn giới thiệu với thiên hạ nhiều chuyện khác...

Chẳng hạn chuyện gia đình đại tá Tư lệnh Binh đoàn 16 có thể thâu tóm đất nông nghiệp, xây dựng một “lâu đài” mà chẳng cần ai cho phép. Khi một tờ báo cử phóng viên đến điều tra theo tố cáo từ độc giả, công chúng có cơ hội nghe thêm từ các viên chức địa phương rằng họ bất động vì: “Đã đủ cơ sở làm được ngôi nhà hàng trăm tỉ như thế thì biết tiềm lực tầm cỡ như thế nào rồi. Không lập biên bản đình chỉ khi biết việc sai phạm là vì không ai dám ký vào biên bản sai phạm đó”. Cũng theo các viên chức địa phương, ông đại tá vốn là người tha phương cầu thực, chuyên buôn vải ở Sài Gòn, do doanh nghiệp của ông sáp nhập vào Bộ Quốc phòng, ông trở thành sĩ quan QĐND (2).

Thiên hạ còn kể thêm, cách nay đâu chừng 20 năm, Phạm Bá Hiền từng là cái tên nổi như cồn vì chuyên móc nối với các thương nhân nước ngoài, giả mạo giấy tờ buôn lậu vải, trốn thuế. Nhờ sắm được cái ô... “quân đội làm kinh tế”, doanh nghiệp do doanh nhân Phạm Bá Hiền điều hành được các cơ quan hữu trách và báo giới xếp vào loại “làm ăn liều lĩnh nhất”. Chỉ trong vòng một năm từ tháng 7/2001 đến tháng 7/2002, doanh nghiệp của ông bị Hải quan TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính... chín lần, khi hàng hóa bị niêm phong để điều tra thì tổ chức tẩu tán tang vật (3).

Hồi đó, chuyện vừa kể được xem là trường hợp điển hình về việc thuê mướn danh nghĩa quân đội nhằm thực hiện các hành vi “gian lận thương mại” (tổng trị giá hàng hóa sai phạm được ước tính sơ bộ là 560.000 Mỹ kim) và do áp lực dư luận, Cơ quan Điều tra hình sự của Quân khu Thủ đô loan báo khởi tố vụ án “trốn thuế” xảy ra tại Chi nhánh 3 của Công ty Thăng Long (đơn vị quân đội được Bộ Quốc phòng thành lập để “làm kinh tế” và là nơi lập ra Chi nhánh 3 - làm “ô” cho ông Phạm Bá Hiền mướn), khởi tố ông Hiền (người điều hành Chi nhánh 3) (4).

Chưa rõ vì sao sau khi bị khởi tố, bị can Phạm Bá Hiền lại trở thành sĩ quan QĐND, “đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, quản lý, trong quá trình công tác được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của chính phủ, Bộ Quốc phòng và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc cùng nhiều phần thưởng cao quý của đảng, nhà nước” (5), được phong đại tá, được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó rồi Tư lệnh Binh đoàn 16, sau đó tiếp tục được Bộ Quốc phòng đề nghị chính phủ giới thiệu cho Chủ tịch Nhà nước xem xét trao cấp bậc Thiếu tướng cho ông Hiền.

***

Trận bão dư luận trên mạng xã hội đã cuốn một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức “vào cuộc”. Cơ quan truyền thông bị cuốn đi đầu tiên và xa nhất là tờ Tiền Phong. Nhờ vậy, công chúng biết thêm rằng lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của tỉnh là... “bạn bè” ông Hiền, cho nên vẫn hoan hỉ chúc mừng, khẳng định ông Hiền là... “niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh, mong ông “tiếp tục theo dõi, dành nhiều tình cảm và luôn đồng hành cùng quê hương Hà Tĩnh, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng địa phương(6).

Nhờ tờ Tiền Phong “vào cuộc” nên công chúng mới biết thêm, việc gia đình ông Hiền tổ chức liên hoan rầm rộ không chỉ một buổi mà là... Mở tiệc nhiều ngày để chúc mừng và mời bà con lối xóm đến dự, không nhận tiền của ai cả. Các mâm cỗ cũng rất thịnh soạn, được họ thuê nấu ở nơi khác về. Căn nhà xây dựng hơn năm năm qua song rất ít người vào bên trong, chỉ hôm mở tiệc mời cả làng thì mới được vào và chiêm ngưỡng”. Cũng nhờ tờ Tiền Phong vào cuộc mà thiên hạ mới biết việc gia đình ông Hiền tự tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép đã từng bị báo giới phơi bày vào năm 2018 đã được hợp thức hóa vào năm sau – 2019 [7].

Quyết định “vào cuộc” của một số cơ quan truyền thông chính thức còn giúp công chúng biết rằng, nhận thức của lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Hà Tĩnh khác xa công chúng, không những không thấy trường hợp Phạm Bá Hiền là khác thường cần phải làm gì đó để chứng tỏ “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” thực sự “đồng bộ, quyết liệt”, mà còn hoan hỉ đến tận tư gia của ông Hiền để chia vui và thông qua báo giới để nhắn với công chúng rằng scandal “Phạm Bá Hiền” chỉ làm họ cảm thấy... “rất buồn vì việc của cá nhân lại ảnh hưởng đến tỉnh, sự việc bị đẩy lên quá mức”.

Có thể nhận định, bình phẩm của công chúng trên mạng xã hội là một loại gợi ý nên tờ Tiền Phong phỏng vấn một Kiến trúc sư tên là Phạm Thanh Tùng đang đảm nhận vai trò Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam về “lâu đài” của ông Phạm Bá Hiền. Theo ông Tùng thì thời gian vừa qua, không chỉ tại các thành phố mà ở nhiều vùng thuộc nông thôn đã xuất hiện rất nhiều công trình kiến trúc cầu kỳ, to lớn, đắt tiền được gọi là lâu đài, biệt phủ. Ông Tùng cho rằng: Đó là lối kiến trúc giả cổ, bắt chước kiến trúc của châu Âu thế kỷ XVII, XVIII, xa lạ, không phù hợp với thời đại, bởi thời đại nào phải kiến trúc đó. Theo ông Tùng: Đó không phải bản sắc. Việc xây dựng công trình với lối kiến trúc này chỉ thể hiện sở thích của người có tiền nhưng đó không phải là xu thế của kiến trúc và đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nó mang lại cảm giác xa lạ, không hài hòa với cảnh quan, thậm chí xa lạ cả với lối sống của người dân trong khu vực. Giờ, giới kiến trúc phê phán cái đó. Vùng nông thôn cần những ngôi nhà giản dị nhưng bền vững, chan hòa với thiên nhiên, với cộng đồng. Nó thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt Nam sống tình nghĩa, sống có làng xóm, chứ không phải là cách biệt (8).

Chưa muốn ngừng ở đó, tờ Tiền Phong tiếp tục đi xa hơn. Trên Internet người ta tìm thấy... “vết tích” nỗ lực của tờ Tiền Phong - một bài viết có tựa là “Biệt phủ của cụ bà 80 tuổi, nơi tổ chức bữa tiệc vinh quy bái tổ của con trai”. Sở dĩ gọi là... “vết tích” vì bài này chỉ còn... link. Nếu click vào link này (9), công chúng sẽ được đọc bài... “Sông Đà cạn trơ đáy nhìn từ trên cao”! Đó chính là bằng chứng cho thấy... “cả hệ thống chính trị” đã... “vào cuộc”. Thay vì vào cuộc để xem xét trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự của tất cả các viên chức từ địa phương đến trung ương để trả lời cho đồng đội, đồng chí, đồng bào vì sao hoạn lộ của một người như ông Phạm Bá Hiền lại hanh thông tới mức không thể tưởng tượng được như thế (?), vì sao ông Phạm Bá Hiền giàu có bất thường như thế (?), vì sao đất đai - lâu đài của gia đình ông Phạm Bá Hiền lại được hợp thức hóa (?), dựa vào những ai mà ông Phạm Bá Hiền trở nên hãnh tiễn, bất chấp “cả hệ thống chính trị” đang... “ra sức” chứng tỏ sự “đồng bộ và quyết liệt” trong “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” để... “chỉnh đốn” (?),... thì ‘cả hệ thống chính trị’ đã... ‘vào cuộc’ để tiếp tục dẫn dắt công chúng tới.... “Sông Đà cạn trơ đáy nhìn từ trên cao”!

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/quocquan.tran.7906932/posts/pfbid031YHcMuAWV7SUhDFZuj9syGMiJzCHt9NxehsTNzemb3nsJ2E5YMticyZMBbGbW6rql

(2) https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/cu-ba-78-tuoi-thinh-thoang-ra-cho-ban-rau-xay-biet-thu-khung-52840.html

(3) https://vnexpress.net/gian-lan-thuong-mai-o-thang-long-da-xay-ra-nhieu-lan-2056419.html

(4) https://vnexpress.net/khoi-to-vu-tron-thue-tai-cong-ty-thang-long-2022845.html

(5) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chi-dinh-bi-thu-dang-uy-co-quan-trung-uong-thang-quan-ham-thieu-tuong-tu-lenh-binh-doan-119230512195111198.htm

(6) https://baohatinh.vn/luc-luong-vu-trang/lanh-dao-ha-tinh-chuc-mung-thieu-tuong-pham-ba-hien/249444.htm

(7) https://tienphong.vn/toa-nha-va-bua-tiec-mung-thieu-tuong-pham-ba-hien-post1541311.tpo

(8) https://tienphong.vn/kts-pham-thanh-tung-cong-trinh-lau-dai-biet-phu-khong-co-gia-tri-ve-kien-truc-post1541481.tpo

(9) https://tienphong.vn/biet-phu-cua-cu-ba-80-tuoi-noi-to-chuc-bua-tiec-vinh-quy-bai-to-cua-con-trai-post1540891.tpo