Loan báo của quốc vương Ả Rập Saudi là một trong số hàng loạt các cải cách mới nhất, dù vẫn khiêm tốn so với hầu hết các nước, nhưng vẫn mang tính cấp tiến trong nước và đã từ lâu bị các thành viên cấp cao ở Ả Rập Saudi phản đối.
Những lời hứa của quốc vương gồm có quyền của phụ nữ được tham gia vào các vòng bầu cử cấp địa phương kế tiếp, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2015, và việc bổ nhiệm họ vào hội đồng tư vấn Shura phần lớn chỉ mang tính biểu tượng. Phụ nữ đã không được phép tham gia vào các cuộc bầu cử địa phương trong ngày thứ năm, 29/9.
Trong số những người hoan nghênh quyết định trao quyền này là cô Samar Fatany, một nhà bình luận của tờ Arab News, một nhật báo ở Jeddah.
Cô Fatany nói: “Đây là một hành động rất, rất tích cực. Loan báo này đem lại cho chúng tôi hy vọng. Điều đó thực sự khuyến khích chúng tôi hành động nhiều hơn để phụ nữ có thể khẳng định chính mình và để tham gia vào quá trình đưa ra quyết định.”
Sáng kiến này được đưa ra giữa lúc các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới Ả Rập đang chật vật tìm cách đáp ứng các yêu sách của người dân, hoặc sẽ có nguy cơ chịu chung số phận như các nhà cựu lãnh đạo Tunisia, Ai Cập và Libya. Cũng trong năm nay, Quốc vương Abdullah đã loan báo một chương trình trị giá 130 tỷ đôla để tăng lương, xây dựng nhà cửa và tài trợ cho các hoạt động khác.
Tuy nhiên, ông Basmah Omair, giám đốc Trung tâm al Sayeda Khadija bin Khawlid tại Phòng thương mại Jaddah, nói rằng sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng hành động mới nhất này chỉ là kết quả của Mùa Xuân Ả Rập.
Ông Omair nói: "Đã có nhiều sự thay đổi. Trong những năm gần đây, quí vị đã thấy phụ nữ đã nắm giữ những vị trí lãnh đạo như thứ trưởng bộ giáo dục. Chúng tôi có phó thị trưởng Jeddah. Vì vậy đó không phải là điều mà bây giờ mới diễn ra, tuy nhiên có thể giới truyền thông hiện bây giờ mới chú ý tới và đó là lý do tại sao họ chỉ mới nghĩ tới những sự kiện gần đây trong năm 2011."
Nhà bình luận Fatany cho rằng những tiến bộ gần đây là nhờ có quốc vương, được xem như một nhà cải cách kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2005, và những phụ nữ đã nắm bắt được nhiều cơ hội và đã trở thành những người tiêu biểu. Bà tin rằng thách thức lớn nhất để phụ nữ có được nhiều quyền hơn là xã hội Ả Rập Saudi, nơi giới tăng lữ hà khắc của nước này càng làm cho người dân sợ sự thay đổi.
Ông Fatany nói tiếp: "Xã hội Ả Rập Saudi đã bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới và kết quả là đại đa số dân chúng ngại thay đổi. Họ sợ thay đổi, họ nghĩ rằng điều đó sẽ xói mòn các giá trị và phong tục của họ. Văn hóa của sự sợ hãi những điều mới mẻ, sợ bị quá tây hóa, sợ rằng giá trị của chúng tôi sẽ bị thỏa hiệp, đã được truyền bá vào tâm trí của người dân bởi những thành phần cứng rắn và cực đoan trong xã hội chúng tôi.”
Việc phản đối sự thay đổi gần đây đã bị thách thức khi một số phụ nữ phản đối lệnh cấm họ lái xe. Kể từ tháng 6, phụ nữ trên khắp Ả Rập Saudi đã bắt đầu lái xe, dẫn tới một số vụ bắt giữ và chia rẽ ý kiến về việc bước tiếp theo sẽ là gì.
Ông Omair thuộc Phòng Thương mại Jeddah nói rằng lái xe là một vấn đề, nhưng không phải là vấn đề duy nhất – ông cho rằng tốt hơn là nên ưu tiên vào việc cải thiện phương tiện giao thông công cộng để giúp người dân đi lại dễ dàng tới nơi làm việc.
Ông Omair nói: "Vấn đề phụ nữ lái xe có thể chỉ cần vài năm nữa, để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, để chuẩn bị cho phụ nữ, mở các trung tâm dậy phụ nữ lái xe, ban hành qui định, tuyển cảnh sát nữ. Có cả một quá trình cho việc đó. Vì vậy tôi nghĩ rằng điều đó sẽ sớm xảy ra, nhưng tôi lạc quan hơn và trông đợi vào hệ thống giao thông công cộng thậm chí còn nhiều hơn.”
Tuy nhiên, thậm chí cả khi có một hệ thống giao thông công cộng tốt, nhiều phụ nữ Ả Rập Saudi cũng vẫn sẽ chẳng có việc làm để đi làm.
Mặc dù phụ nữ hiện chiếm đa số trong số các sinh viên đại học, họ chỉ chiếm chưa đến 15% lực lượng lao động – một trong những mức thấp nhất trên thế giới. Sự phân biệt giới nghiêm khắc dựa trên việc diễn giải luật Hồi giáo đã loại bỏ phụ nữ khỏi nhiều công việc, kể cả lĩnh vực bán lẻ nơi họ có thể giáp mặt đàn ông.
Phụ nữ cũng phải được những người họ hàng là nam giới đi cùng trong nhiều trường hợp, điều này càng làm giảm sự tự do đi lại của họ.
Tuy nhiên các số liệu thống kê về giáo dục có thể là một dấu hiệu thay đổi nữa trước mắt. Cô Samar Fatany của báo Arab News nói:
Ông Fatany nói: "Cuộc đối thoại quốc gia đã bắt đầu, tranh luận những vấn đề bị cấm kỵ trong quá khứ, như chương trình học bổng, việc gửi nhiều sinh viên ra nước ngoài để tiếp xúc với các nền văn hóa khác và trở thành một phần của ngôi làng toàn cầu, và kết quả là các thành viên ưu tú có giáo dục, các trí thức hay người thiểu số có tư tưởng tiến bộ trong xã hội đã có vai trò to lớn hơn nhằm đưa tới những sự thay đổi và cho phép giới trẻ chúng tôi được trở thành động cơ của một tương lai tốt đẹp hơn.”
Sự thay đổi đó sẽ diễn ra nhanh chóng đến mức độ nào và theo hình thức nào vẫn là điều chưa được rõ, bắt đầu với việc liệu khi phụ nữ Ả Rập Saudi đi bầu cử vào năm 2015 họ có tự lái xe hay không.
Phụ nữ Ả Rập Saudi đang ca ngợi lời hứa của Quốc vương Abdullah rằng họ sẽ được trao nhiều quyền chính trị hơn, với hy vọng đây là một bước nữa tiến tới sự bình đẳng trong một vương quốc vô cùng bảo thủ này. Thông tín viên đài VOA Elizabeth Arrott tường trình từ văn phòng Trung Đông ở Cairo rằng các nhà hoạt động vẫn tiếp tục thúc đẩy cho các quyền tự do như quyền cho phép phụ nữ lái xe ôtô hay ra nước ngoài mà không cần có sự cho phép của một người họ hàng là nam giới.