Nga tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan đến Greenland, sau khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump loan báo không loại trừ các biện pháp quân sự hoặc kinh tế để giành quyền kiểm soát lãnh thổ này từ Đan Mạch.
“Chúng tôi đang theo dõi tiến triển khá kịch tính này nhưng cho đến nay, tạ ơn Chúa, mọi việc còn ở mức độ tuyên bố,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 9/1.
“Khu vực Bắc Cực là một khu vực có lợi ích quốc gia và chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi có mặt tại khu vực Bắc Cực và sẽ tiếp tục hiện diện ở đó,” ông Peskov nhấn mạnh.
Vùng lãnh thổ rộng lớn của Greenland — phần lớn nằm trên vòng Bắc Cực — chính thức là một phần của Vương quốc Đan Mạch từ năm 1953, mặc dù đảo này có chính phủ riêng.
An ninh quốc gia
Đáp câu hỏi tại một cuộc họp báo ở Florida hôm 7/1, ông Trump nói Hoa Kỳ cần Greenland vì mục đích an ninh và ông từ chối loại trừ việc sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc quân sự để đạt được mục tiêu đó.
“Thực ra, người ta không biết Đan Mạch có quyền hợp pháp gì với Greenland hay không. Nhưng nếu có, họ nên từ bỏ đi vì chúng ta cần nó cho an ninh quốc gia. Đó là vì thế giới tự do. Tôi đang nói về việc bảo vệ thế giới tự do,” ông Trump nói.
“Chúng ta thấy tàu Trung Quốc khắp nơi. Chúng ta thấy tàu Nga khắp nơi. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra,” ông nói thêm.
Giống như phần lớn khu vực Bắc Cực, Greenland đang ấm lên nhanh chóng. Điều này đang thay đổi địa chính trị của khu vực, theo nhà phân tích Liana Fix từ Hội đồng Đối ngoại.
“Bắc Cực ngày càng trở thành một khu vực cạnh tranh và đối đầu giữa các cường quốc. Và Hoa Kỳ lo ngại rằng họ đang thua trong cuộc chơi này,” bà Fix nói.
“Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn rất nhiều, không chỉ để giao thương hàng hóa mà còn để khai thác khoáng sản quan trọng, đặc biệt là các khoáng sản đất hiếm,” theo bà Fix. “Và nơi này cũng ngày càng trở thành một khu vực quân sự hóa,” bà nói thêm, lưu ý rằng Nga đang hợp tác với lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong khu vực.
Không bán
Đan Mạch đã nói rõ không bán Greenland. Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen bác ý kiến cho rằng những bình luận của ông Trump đề ra một cuộc khủng hoảng đối ngoại cho chính phủ của ông.
“Tôi thấy một tổng thống sắp vào Tòa Bạch Ốc, gia tăng chú ý vào khu vực Bắc Cực, và tôi có thể hiểu tại sao ông ấy lại có sự chú ý đó. Chúng tôi cũng có sự quan tâm đó từ phía Đan Mạch, và chúng tôi cũng có điều đó trong NATO,” Ngoại trưởng Rasmussen tuyên bố hôm 8/1.
Đan Mạch đối mặt với một tình huống khó xử, theo nhà phân tích Fix.
“Rất rõ ràng đối với Đan Mạch rằng việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, cả trong các khoản đầu tư vào Greenland và hợp tác quân sự, thực sự sẽ có lợi cho tất cả mọi người,” bà Fix nói với VOA.
Nhiều lãnh đạo châu Âu đã bác bỏ những bình luận của ông Trump, mặc dù phần lớn không chỉ trích trực tiếp.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng các giá trị cơ bản của phương Tây đang bị đe dọa.
“Nguyên tắc không xâm phạm biên giới áp dụng cho mọi quốc gia, bất kể nó ở phía Đông hay phía Tây của chúng ta,” ông nói.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot thẳng thắn hơn. “Liên hiệp châu Âu không thể để bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dù là quốc gia nào — và tôi xin nói bắt đầu từ Nga — xác định biên giới chủ quyền của mình,” ông tuyên bố hôm 8/1.
Nền độc lập của Greenland
Trong khi đó, chính phủ Greenland đang thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập hoàn toàn cho Greenland và cho rằng chỉ người dân Greenland mới có quyền quyết định tương lai của Greenland.
“Greenland đang bước vào một kỷ nguyên mới và một năm mới, trong đó Greenland đã trở thành trung tâm của sự chú ý trên toàn cầu. Người dân Greenland là một dân tộc, bất kể họ sống ở đâu. Và như những con người trong thời đại chúng ta đang sống, chúng ta phải đoàn kết để sẵn sàng cho một tương lai mới mà đất nước chúng ta đang trên đường hướng đến,” Thủ tướng Mute Egede tuyên bố hôm 9/1.