Sau Mỹ, tàu Nhật tới Biển Đông ‘thách thức’ Trung Quốc

Tàu chở trực thăng Kaga.

Nhật Bản sẽ triển khai một tàu chở trực thăng loại lớn tới Biển Đông và Ấn Độ Dương năm thứ hai liên tiếp nhằm tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển chiến lược này.

“Đây là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy một vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, một trong hai nguồn nắm thông tin về kế hoạch tuần tra kéo dài hai tháng nói với Reuters.

Với chiều dài gần 250 mét, tàu Kaga có thể chở đồng thời nhiều máy bay trực thăng.

Trong chuyến hải hành bắt đầu vào tháng Chín, nhiều khả năng sẽ vấp phải chỉ trích của Bắc Kinh, tàu này sẽ cập cảng tại một số quốc gia Đông Nam Á trong đó có Indonesia, hay Ấn Độ và Sri Lanka ở Nam Á.

Chưa rõ tàu có ghé thăm Việt Nam hay không. Reuters dẫn các nguồn tin ẩn danh nói rằng một tàu khác sẽ hộ tống Kaga và các tàu này có thể tham gia các cuộc diễn tập chung với tàu chiến của các nước khác ở khu vực.

Năm ngoái, Nhật đã đưa một tàu tương tự là Izumo tới Biển Đông và Ấn Độ Dương, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích rằng Tokyo “khuấy động bất ổn ở Biển Đông”.

Hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt hiện diện ở Biển Đông hôm 10/4.

Trước Nhật, Mỹ từng thực hiện tuần tra cả trên không và trên biển ở Biển Đông để đảm bảo quyền tự do hàng hải. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối điều này.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Anh tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông để “thách thức” sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Tuyên bố của hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, lặp lại tuyên bố trước đó của quan chức Mỹ, theo tờ South China Morning Post.

Bà Florence Parly, người đứng đầu lực lượng vũ trang Pháp, cho biết rằng một nhóm chuyên trách về hàng hải của Pháp cùng với tàu và trực thăng Anh sẽ thăm Singapore vào tuần tới rồi tiến vào “một số khu vực nhất định” thuộc Biển Đông.

Không đề cập cụ thể Trung Quốc, bà Parly gợi ý rằng các tàu chiến sẽ vượt qua “vùng lãnh hải” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.