Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, 4 người chết: Nguyên nhân là đồi sầu riêng ở phía trên?

Lở đất làm chết 4 người ở đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, hôm 30/7; bên trên điểm sạt lở có một đồi sầu riêng.

Sau khi xảy ra vụ sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, làm 3 viên cảnh sát giao thông và 1 người dân thiệt mạng, đang có những nghi vấn của báo giới và dư luận Việt Nam về sự liên quan của một đồi sầu riêng nằm ngay phía trên nơi sạt lở.

Báo chí Việt Nam cho biết một vùng đất rộng ước tính hàng trăm mét vuông với khối lượng hàng trăm tấn đất đá đã đổ xuống một đoạn của đèo Bảo Lộc vào chiều ngày 30/7, vùi lấp một trạm cảnh sát giao thông và làm chết 4 người. Sau gần 1 ngày, vào trưa 31/7, các nhân viên tìm kiếm cứu nạn đã đưa thi thể của tất cả các nạn nhân ra ngoài.

Địa điểm xảy ra sự việc nghiêm trọng kể trên thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, giáp ranh với xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc.

Theo các cơ quan báo chí trong nước, bao gồm cả Lao Động, Dân Trí, Tuổi Trẻ, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh…, điều đáng chú ý là ngay phía trên nơi sạt lở là “một đồi sầu riêng, không có cây rừng bao phủ”.

Các bản tin của Lao Động và Dân Trí dẫn lời ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Đạ M’ri, cho hay vào chiều 31/7 rằng vườn sầu riêng nêu trên thuộc sở hữu của bà Đặng Thị Lộc, cư trú trong cùng thị trấn.

Vị chủ tịch thị trấn nói với Lao Động và Dân Trí rằng bà Lộc đã sinh sống tại khu vực này mấy chục năm nay, bắt đầu canh tác ở ngọn đồi nói trên từ trước năm 1985 đến nay, và trồng cà phê, mít, bơ, còn sầu riêng “bà mới trồng lại tại đây”.

Nói thêm về hiện trạng đất tại vùng đồi trồng sầu riêng của bà Lộc, Chủ tịch Chinh cho biết rằng vào năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định đưa diện tích đất này ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp. Một bài báo của Tuổi Trẻ cũng nói rằng khu đồi sầu riêng là đất ngoài lâm nghiệp.

Theo Dân Trí, khu đất trồng sầu riêng rộng khoảng 1 hectare với tuổi đời cây khoảng từ 3 đến 4 năm tuổi, bao quanh vùng trồng sầu riêng là rừng tự nhiên. Trong khi đó, quan sát của báo Lao Động cho thấy “xung quanh khu vực sạt lở không còn các lớp thảm thực vật dày đặc như các khoảnh rừng liền kề ở khu vực đèo này”.

Theo quan sát của VOA, nhiều người dân Việt Nam - bao gồm cả các Facebooker có nhiều ảnh hưởng như các ông Võ Xuân Sơn, Nguyễn Ngọc Vinh, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Đình Bổn, Đỗ Cao Cường… - đặt câu hỏi vì sao lại có thể cho phép chặt cây rừng và trồng sầu riêng ở một nơi trọng yếu như vậy.

Họ cho rằng phá rừng làm vườn đã dẫn đến một kết cục bi thảm nhưng đó là một tương lai được báo trước.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Facebooker có nhiều bình luận về thời cuộc với số người theo dõi lên đến gần 100.000, nói với VOA rằng ông có nhà ở Đà Lạt và thường đến đó nghỉ ngơi nên ông đã nhiều lần đi qua nơi vừa xảy ra vụ sạt lở.

Những khi qua đó, ông đều thắc mắc tại sao ở một nơi đáng ra phải là rừng phòng hộ lại có việc “chặt trụi cây rừng để trồng cây công nghiệp, cây ăn trái” như vậy.

“Có lẽ đây không phải là nơi duy nhất ở đèo Bảo Lộc có những khoảng rừng bị chặt trụi, để trồng cây công nghiệp hay cây ăn trái”, ông nói với VOA và nêu ra chất vấn “Sẽ còn bao nhiêu vụ sạt lở khác nữa? Sẽ còn bao nhiêu người phải bỏ mạng trong những vụ sạt lở như thế này nữa?”

Trên trang cá nhân mang tên “Vinh Râu” có hơn 22.000 người theo dõi, cựu nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh thể hiện sự bất bình về điều mà ông cho rằng “chính quyền địa phương đã làm ngơ cho dân phá rừng để trồng sầu riêng”.

Ông viết rằng “vì mất rừng nên đoạn đường đèo trọng yếu này bị sạt lở khi mưa gió làm chết 3 cảnh sát giao thông và 1 người dân”.

Trong quan điểm của ông Vinh, chính quyền địa phương cũng như kiểm lâm là “thủ phạm gián tiếp gây ra những cái chết vô tội này” và họ “cần phải bị quy trách nhiệm và trừng trị để răn đe những kẻ cầm quyền không cai quản tốt địa bàn mình phụ trách”.

“Có thế, kỷ cương phép nước mới được lập lại”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Tuổi Trẻ, khi được hỏi liệu có phải khu trồng sầu riêng là nguyên nhân chính gây vụ sạt lở chết người, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng “không có cơ sở”. Báo Tuổi Trẻ không cho biết tên và chức vụ cụ thể của vị lãnh đạo.

“Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực”, Tuổi Trẻ trích dẫn lại lời của vị lãnh đạo.

Một phó thủ tướng Việt Nam, ông Trần Lưu Quang, đã đến hiện trường vụ sạt lở, báo chí trong nước cho biết hôm 31/7. Ông Quang chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng mời các chuyên gia địa chất xác định nguyên nhân vụ sạt lở, đồng thời, đánh giá địa chất toàn bộ tuyến đèo Bảo Lộc và các tuyến đèo quanh tỉnh Lâm Đồng để có giải pháp lâu dài.

"Đây là bài học không chỉ riêng cho Lâm Đồng mà cho cả nước", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói, được báo chí dẫn lại.