Có rất ít người có ảnh hưởng tại Nam Phi không thuộc đảng Nghị Hội Quốc Gia châu Phi ANC, và ngay cả một số người thuộc đảng này, đều không hài lòng với dự luật về bí mật quốc gia mới được quốc hội thông qua với 229 phiếu thuận và 107 phiếu chống hôm thứ Ba.
Ông Raymond Louw, một cựu tổng biên tạp dày kinh nghiệm chống phân biệt chủng tộc và là người tranh đấu cho quyền tự do báo chí, từng được Viện Báo Chí Quốc Tế tuyên bố là "người hùng" vào tháng Tám, nói rằng dự luật này là một sự phản bội đối với lời cam kết với quyền tự do báo chí mà đảng ANC từng đưa ra. Ông nói: "Chủ ý của luật này là để ngăn chặn báo chí phanh phui những vụ hối lộ, những lề lối sai trái và cung cách cai trị tồi tệ và không hữu hiệu. Đây là một sự phản bội đối với lời cam kết tôn trọng quyền tự do báo chí cũng như cam kết của hiến pháp đối với quyền này."
Luật này cấm tiết lộ những tài liệu mật cho dù là những thông tin đó có lợi cho công ích. Bất cứ ai liên can đến việc công bố các thông tin như thế sẽ có thể bị lãnh án tù đến 25 năm.
Ông Steven Friedman, giám đốc của Trung Tâm Dân Chủ thuộc đại học Johannesburg, lo ngại là dự luật này được đưa ra vì thế lực của cơ quan an ninh trong chính quyền của tổng thống Jacob Zuma ngày càng tăng.
Ông cho biết: "Chuyện mà quý vị thấy hôm nay là một tiến trình rất dài trong đó những người trong ngành tình báo và an ninh phải tranh đấu với nhiều nhóm quyền lợi chính trị, và hiện giờ phe tình báo và an ninh đã thắng thế. Điều này phù hợp với mô thức chung của chính quyền Zuma, trong đó ông ta đã bổ nhiệm những người hết sức thân cận với ông ta vào những chức vụ an ninh và cho họ được hưởng mọi sự dễ dãi như họ muốn."
Những người chỉ trích đạo luật này đã khoác lên người bộ quần áo màu đen, tổ chức biểu tình ngoài đường phố gần trụ sở của đảng ANC. Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia của Nam Phi mở cuộc vận động trên trang Tweeter với câu hỏi xem quốc gia có muốn tiếp tục cuộc biểu tình "Ngày thứ Ba đen" mỗi tuần lễ cho đến khi nào dự luật này bị thu hồi hay không. Câu lạc bộ báo chí cho biết 99% người trả lời nói là họ ủng hộ ý kiến này.
Nhưng không phải chỉ có các ký giả mới phẫn nộ.
Ra mắt cuốn sách mới hôm thứ Tư nhan đề 'The African National Congress and the Regeneration of Political Power,' tác giả, đồng thời là một giáo sư về khoa chính trị, bà Susan Booysen thuộc đại học Witwatersrand nói các cuộc biểu tình chống dự luật cấm tiết lộ bí mật quốc gia rất khác thường vì nó đã phản ánh ý kiến chung của rất nhiều thành phần dân chúng. Bà nói: "thứ Ba vừa qua là một ngày hệ trọng không thể tưởng tượng được. Chúng ta chưa từng thấy sự đoàn kết như thế này trước đó, từ xã hội dân sự, các chính đảng đối lập, những tiếng nói bất đồng thuộc cánh tả đều cùng nhau lên tiếng. Chúng ta chưa từng thấy hành động đoàn kết như thế này. Hành động đoàn kết tạo một ấn tượng trong tâm trí người dân, khiến họ cẩn thận theo dõi khi đảng đương quyền ANC nói ra điều gì. Theo tôi, đây là một đóng góp chung vào văn hóa chính trị, vì thế nó là một ngày trọng đại trong chính trường Nam Phi."
Tổng giám mục Desmond Tutu của Nam Phi từng được trao giải Nobel hòa bình gọi dự luật này là mang tính "sỉ nhục."
Ân Xá Quốc Tế cũng lên án dự luật là sai trái một cách tai hại và bất hợp hiến. Tổ chức có trụ sở ở London nói rằng: "luật sẽ hạn chế nghiêm trọng quyền cơ bản của các ký giả và là một đe dọa cho việc phanh phui tham nhũng."
Chuyên gia Friedman nói các chính trị gia của đảng ANC biện minh cho luật cấm tiết lộ bí mật quốc gia bằng cách cho là Nam Phi đang gặp nguy cơ bị gián điệp xâm nhập. Ông nói: "Cả chủ tịch ủy ban quốc hội và bộ trưởng chính phủ cùng với một số ủng hộ viên của họ tiếp tục nói với chúng tôi rằng chúng ta đang bị gián điệp nước ngoài tràn ngập, đe dọa đến an ninh của chúng ta. Chẳng có bằng chứng gì hỗ trợ cho chuyện này. Chúng ta không có kẻ thù nào cả. Nếu như có một đe dọa nào đó cho sự ổn định, thì nó phát xuất tự bên trong chứ không phải bên ngoài, và rõ ràng chúng ta có vần đề là các dịch vụ tình báo đã có liên hệ tới các tranh cãi chính trị. Đây là chuyện bênh vực những người trong ngành tình báo khỏi bị công chúng hạch hỏi."
Đồng thời chuyên gia Friedman nói là luật cấm tiết lộ bí mật nhà nước thực sự không cấm các ký giả tường thuật về tham nhũng và nêu lên rằng truyền thông đã diễn giải luật này một cách cẩu thả.
Trước khi dự luật được ban hành, nó còn phải được Hội đồng Các Tỉnh của Quốc Gia chấp thuận. Đảng ANC chiếm một đa số lớn trong Hội đồng này.
Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia và những thành phần chống đối khác đang bày tỏ quyết tâm đưa vấn đề này lên tận cơ quan tư pháp cao nhất nước, đó là Tòa Bảo Hiến.
Những người hoạt động tranh đấu của Nam Phi đang bày tỏ quyết tâm bênh vực quyền tự do báo chí sau khi quốc hội thông qua một dự luật về bí mật quốc gia hôm thứ Ba, dự luật bị những người chống đối coi là sẽ ngăn chặn truyền thông đưa ra trước công luận những vụ tham nhũng. Theo thông tín viên Peta Thornycroft từ Johannesburg từng trình, dự luật, do đảng Nghị Hội Quốc Gia châu Phi ANC đề xuất, đã làm dấy lên những phản đối từ tất cả mọi tầng lớp xã hội cũng như các ý kiến chính trị.