Sách giáo khoa mới của nhóm Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên đã gây ra trận bão lớn trên mạng xã hội khiến cả thủ tướng lẫn phó thủ tướng phải yêu cầu kiểm tra và xử lý nếu có sai phạm. Theo tin mới nhất trên báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhóm tác giả chỉnh sửa và bổ sung một số nội dung trong sách. Đây được cho là lần đầu tiên tư nhân đứng đằng sau bộ sách giáo khoa ngàn tỷ cho ngành giáo dục.
Nhân trận bão mạng mà trong đó có cả tin giả được tung ra để nhắm vào bộ sách mới, tôi nghĩ lại và thấy dù đã có ba cháu học phổ thông cơ sở ở Anh mà tôi chưa một lần nhìn thấy bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Các trường tiểu học ở Anh chủ trương học ở trường là đủ, về nhà chỉ cần đọc thêm chừng 15-30 nữa nếu được. Họ cũng không bắt buộc phải đọc gì nên các bậc phụ huynh có thể tuỳ thích chọn sách cho con cái mình đọc hoặc đọc cho con nghe. Nếu không trường cũng không bắt.
Cả ba cháu nhà tôi trong cặp thường chỉ có độc cuốn sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình, cùng lắm cộng thêm một quyển sách mượn miễn phí từ trường. Đó thường là sách do các tác giả khác nhau viết và do nhà trường tự chọn mua về cho các cháu từ ngân sách được chính quyền địa phương cấp. Các bậc phụ huynh không bao giờ bị buộc phải đóng bất cứ một đồng nào để mua sách vở hay xây dựng trường. Thỉnh thoảng muốn có tiền mua thêm iPad hay các thiết bị khác, trường lại có thư kêu gọi các phụ huynh đóng góp và đây là khoản hoàn toàn tự nguyện. Năm ngoái tôi đóng có 25 bảng mà đã được coi là khoản đóng góp tương đối và cháu nhà tôi, khi đó học lớp ba, nhận được thư từ lãnh đạo trường ghi nhận khoản đó.
Cũng phải giải thích thêm ngoài thuế thu nhập, người dân Anh còn phải đóng thêm thuế cho hội đồng địa phương để họ chi trả cho các dịch vụ công trong đó có giáo dục. Đây là lý do mà con nhà giàu hay nhà nghèo đều được hưởng giáo dục hoàn toàn miễn phí cho tới khi các cháu tới 18 tuổi. Sách vở từ mẫu giáo tới hết lớp 13 cũng được nhà trường trang bị chứ không phải mua.
Trở lại với vấn đề dạy đánh vần, tôi còn nhớ năm lớp ba con trai tôi mang về một xấp giấy in cả các từ có nghĩa và những từ chẳng có nghĩa gì mà chỉ để thử khả năng đọc của cháu. Trước đó cô hiệu trưởng có giải thích sẽ chẳng thể nào dạy các cháu toàn bộ các từ trong từ điển mà trường dạy các nguyên tắc đánh vần và phát âm để các cháu có thể áp dụng cho bất kỳ từ mới nào gặp phải. Tiếng Anh nhiều khi viết một đằng nhưng đọc một kiểu. Chẳng hạn từ ‘shape’ là hình dạng thì chữ e tuy có viết nhưng lại không đọc. Nguyên tắc trường dạy các cháu là khi a và e bị một phụ âm chen vào giữa thì e là âm câm khi đứng cuối từ. Từ nguyên tắc này học sinh có thể đọc các chữ tương tự như ‘tape’, ‘cape’, ‘made’ hay ‘fade’. Tôi không nhớ chính xác những từ vô nghĩa nào được đưa vào bài kiểm tra nhưng thực sự lúc đó tôi không hề thắc mắc gì vì đã được giải thích trường muốn các em hiểu nguyên tắc nói chung và tôi đoán là họ đưa ra những trường hợp mà các em ít hay chưa từng gặp phải để dễ kiểm tra sự hiểu biết của các em hơn.
Như vậy ngoài những sự cứng nhắc trong ép vần, dùng những câu chuyện mà đối với người lớn là ngô nghê cũng như trích dẫn không đúng các tác phẩm nước ngoài, các nhà làm sách ở Việt Nam đã không tập trung giải thích cho các bậc phụ huynh hiểu phương pháp sư phạm của mình. Đã thế họ lại không đảm bảo chương trình có thể chỉ học trên lớp là xong khiến các bậc phụ huynh đã bận biết bao việc khác lại phải kèm con học theo sách mà chính họ còn chưa biết được soạn kiểu gì. Dù có thể thuế thu nhập và thuế địa phương ở Việt Nam chưa chắc cao như ở Anh, nhưng việc phụ huynh phải bỏ ra gần cả triệu đồng để mua sách càng làm họ ca thán thêm. Chuyện chương trình học ở Việt Nam quá nặng khiến học sinh phải học ngoài giờ nhiều là điều vừa lạc hậu và vừa phi lý. Một chương trình giáo dục bình đẳng phải là chương trình học sinh chỉ cần học trên lớp đã là đủ. Vì đòi trẻ phải học thêm đồng nghĩa với chuyện cha mẹ sẽ phải trả thêm tiền, điều mà con nhà nghèo sẽ gặp bất lợi.
Một điều nữa đáng nói trong giáo dục ở Việt Nam là sự thiếu tôn trọng học sinh. Thay vì trẻ nhỏ là trung tâm của việc học thì người ta lại coi thầy cô hay thậm chí sách giáo khoa là trung tâm. Trẻ cần học cách học cho đúng, cách giao tiếp với bạn bè và thầy cô, học thái độ đúng mực với mọi người và với cuộc sống. Tôi từng nghe chuyện trẻ ở Việt Nam mà chê đồ ăn ở trường là có thể bị tát. Các video quay bảo mẫu đánh trẻ buộc phải ăn đã xuất hiện nhiều lần trong các năm trước đây. Vấn đề của giáo dục Việt Nam là vấn đề chung của xã hội. Người đáng ra phải là trung tâm thì lại bị đặt ra rìa. Trong khi đó con trai tôi khi mới tám tuổi đã nhắc “bố không nên so sánh con với Ashwin”, một bạn học cùng lớp. Lý do là ở trường cháu được dạy mỗi người phát triển theo một cách khác nhau và mọi người phải tôn trọng điều đó.
Cháu nhà tôi hay mải chơi iPad trong khi Ashwin lại giỏi nhất lớp về toán và tôi có ý muốn cháu chơi ít đi và chịu khó học hơn. Nhưng rõ ràng cách tôi làm đã không đúng cách. Hoặc có lần cháu bị người lớn ngắt lời, cháu cũng bực mình và nói là người lớn không nên làm như thế mà không xin lỗi trước. Tôi nghĩ sự tự tin và thái độ đúng mực trong cuộc sống của học sinh mới là điều quan trọng. Đây là điều tôi tin giáo dục Việt Nam chưa làm được và nó đòi hỏi nhiều thứ hơn là sách giáo khoa, điều mà tôi cho là nếu không có cũng chưa hẳn là vấn đề vào thời điểm hiện nay.