Nếu học sinh không là trung tâm của giáo dục!

Sách giáo khoa mới của nhóm Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên đã gây ra trận bão lớn trên mạng xã hội.

Trần An-Bee


Cách đây hai tháng, trước ngày khai giảng năm học ở Việt Nam, các trang mạng giáo dục xôn xao về việc năm nay ngành giáo dục ở Việt Nam bước sang một trang sử mới. Các trường được tự chọn một trong năm bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo Dục cho xuất bản để sử dụng trong giảng dạy. Sự “tự do” để được chọn lựa có lẽ đã cho những người làm công tác giáo dục cái cảm giác được nới lỏng sự kềm toả của luật lệ và sự chỉ định. Thế nhưng, chưa đầy hai tháng sau ngày khai giảng, cả nước lại xôn xao và phẫn nộ vì nội dung của bộ sách tiếng Việt dành cho lớp 1 do Nhóm Cánh Diều biên soạn mang đầy lỗi trong cả nội dung giáo dục và hình thức trình bày. Đây là một trong năm bộ sách được cho phép chọn lựa giảng dạy trong năm nay.

Các tranh luận, tranh cãi về vấn đề này đã trở nên quá nhiều đến nỗi đã khiến người quan tâm có phần ngán ngẩm. Tuy nhiên, trước tất cả các vấn nạn xoay quanh bộ sách này, không thấy bao nhiêu nhà giáo - những người trực tiếp làm công tác giáo dục, những người sử dụng bộ sách ấy để giảng dạy hàng ngày - lên tiếng để phân tích, bàn luận hay trình bày về những bất cập và sai xót nghiêm trọng của bộ sách.

Điều đáng buồn là tất cả chúng ta đều biết lý do vì sao lại có chuyện cải cách hàng năm ấy. Chúng ta cũng biết lý do tại sao đại đa số giáo viên, trí thức, các học giả không lên tiếng về vấn đề này. Đồng thời chúng ta cũng có thể gọi tên và quy trách nhiệm cho những người liên quan hoặc nhóm liên đới đã là nguyên cớ cho tất cả vấn đề sai xót trong ngành giáo dục. Các sai xót này không chỉ trong một vấn đề riêng lẻ của sách giáo khoa, mà còn là rất nhiều những vấn đề nghiêm trọng khác của giáo dục trong suốt 45 năm qua. Nguyên nhân thì đã biết. Vậy còn giải pháp thì sao?

Không thể một sớm một chiều để có thể thay đổi hay chỉnh đốn sai xót. Nhưng cũng không thể lì đì, lạch đạch mãi với một cỗ máy giáo dục đã quá lỗi thời mặc dù đã qua rồi thời khói lửa chiến tranh và đói nghèo. Đối với vấn đề biên soạn và phổ biến sách giáo khoa, nếu từ khâu biên soạn cho đến khâu chuẩn bị có một lộ trình nghiên cứu và lên kế hoạch cẩn thận thì chúng ta đã không tốn giấy mực để tranh luận về những sai xót vừa qua. Sự cẩn trọng trong các khâu chuẩn bị trước khi bộ sách ra đời sẽ cho thấy sự chuyên nghiệp đầy tính sư phạm cần phải có và đáng lẽ phải có của nó. Giai đoạn chuẩn bị này đòi hỏi các nhà biên soạn phải đặt mình vào vị trí của các giáo viên để hiểu rõ mục tiêu giáo dục ở từng giai đoạn, với từng lứa tuổi. Hơn nữa, họ cũng cần hiểu rõ kiến thức, tâm lý và phương pháp sư phạm để có cái nhìn trung thực, khách quan và khoa học để mang lại hiệu quả hơn trong việc họ làm.

Ở mức độ cơ bản nhất, nhà biên soạn sách giáo khoa trong vai trò/vị trí của giáo viên cần hiểu rằng có bốn khái niệm mà người làm công tác giáo dục sẽ phải cân nhắc trong quá trình soạn giảng của mình, đó là nội dung (content), quá trình (process), kết quả (products), và môi trường học tập (learning environment).

Khi nói về nội dung của việc soạn giảng, giáo viên cần biết học sinh sẽ học điều gì và giáo viên sẽ giúp học sinh tiếp cận nội dung giáo dục đó ra sao. Nội dung học tập này thường đã được tóm tắt và sắp xếp hợp lý và khoa học theo từng giai đoạn học tập và lứa tuổi của học sinh. Các nội dung chính này thường được ghi lại trong bộ khung sườn chương trình giáo dục (curriculum) của Bộ/Sở Giáo Dục tỉnh thành hoặc quốc gia. Nội dung chi tiết của từng bài sau đó sẽ được biên soạn theo chủ đề hoặc lồng ghép vào các chủ đề, đề tài giảng dạy tích hợp hoặc riêng lẻ.

Khi nói về bộ sách giáo khoa tiếng Việt Lớp 1 của Nhóm Cánh Diều, quả thực, xét về nội dung, không biết nó có được xem xét kỹ càng dựa theo tiêu chí của chương trình giáo dục của Bộ hay chưa. Nếu đã có tham khảo hướng dẫn từ Bộ Giáo Dục, tại sao lại có những lỗi nghiêm trọng về nội dung đến vậy? Lỗi này do nhóm biên soạn hay do chính chương trình giáo dục của Bộ có vấn đề? Hoặc nếu không phải do các tiêu chí của chương trình giáo dục, vậy thì khi xét duyệt để bộ sách được chọn ứng dụng giảng dạy, tiêu chí nào đã được thay thế để cho ra đời một bộ sách như thế? Phải nói thêm rằng, ở Việt Nam, các trường thường chỉ sử dụng một bộ sách giáo khoa để giảng dạy trong suốt năm chứ không có nhiều sách, tài liệu thay thế. Vì vậy, bộ sách nào được chọn lựa thì xem như là kim chỉ nam dẫn lối đưa đường về những nội dung giảng dạy. Với một kim chỉ nam lệch lạc thì việc đặt niềm tin tuyệt đối vào đó sẽ đem lại hậu quả tai hại như thế nào trước tương lai của thế hệ học trò tiếp nhận nó?!

Tiếp đến, bàn về quá trình của giáo dục, chính là bàn về việc giáo viên xác định các bước mình sẽ giúp học sinh tiếp cận với nội dung giáo dục như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất. Giáo viên cũng đồng thời thấy được một cách khái quát học sinh của mình sẽ từng bước có kinh nghiệm hay trải nghiệm những nội dung, kỹ năng này ra sao. Tiến trình này đòi buộc giáo viên phải cân nhắc đến phương pháp mà họ sử dụng sẽ giúp cung cấp, củng cố, làm giàu thêm kiến thức và kinh nghiệm của học sinh sao cho hợp lý.

Quay trở lại những tranh cãi về bộ sách đã đề cập ở trên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên của bộ sách này cho rằng vì học sinh lớp 1 chưa học các chữ khó nên buộc người soạn sách phải chọn từ dễ đánh vần, hoặc chọn từ có âm tiết các em đã học để sắp xếp câu chữ sao cho phù hợp. Vì những khó khăn như ông nói trên, Nhóm Cánh Diều đã cho ra đời một bộ sách giáo khoa dành cho Lớp 1 mà ngôn ngữ trong đó lủng củng về câu từ, khó hiểu về ngữ nghĩa đối với cả người lớn và thực sự xa lạ với truyền thống văn hoá Việt Nam. Xét về phương diện quá trình dạy và học, cách mà giáo sư giải thích về quá trình nhận thức, tiếp thu kiến thức của các em xem ra chỉ có thể tuân theo một công thức nhất định, kiểu như nếu trẻ chỉ mới học âm a, thì chỉ có thể dạy những tiếng/chữ có âm a, không dạy các chữ kép, ghép, hay nhiều âm tiết với ngữ nghĩa phong phú.

Ở Úc, khi dạy học sinh lớp mẫu giáo, lớp 1, 2 chẳng hạn, dù các em chỉ mới trọ trẹ bảng chữ cái, nhưng sách các em học, truyện các em đọc là vô số kể. Những con chữ các em viết /đọc đều có những chữ, từ mà các em sử dụng trong cuộc sống hàng ngày hoặc mở rộng đến rất nhiều lãnh vực khác nhau. Không vì các em mới học bảng chữ cái mà giáo viên, phụ huynh chỉ cho các em nói, viết các chữ cái mà thôi. Các em đều được khuyến khích đọc sách ở đủ thể loại, viết xuống tất cả những suy nghĩ, câu văn nào đến trong đầu của các em. Các bộ sách được phân loại theo trình độ, tuy nhiên, nếu em nào có khả năng và muốn khám phá những sách ở trình độ cao hơn thì cũng được tự do khám phá, tìm hiểu. Các em được khuyến khích cứ viết xuống cả câu, hay cứ “đoán” đọc cả quyển sách, chữ nào không biết thì được giáo viên, người lớn đọc giúp, hay hướng dẫn để nhận diện. Cứ viết xuống hết ý tưởng của các em, chữ nào sai giáo viên sẽ hỏi để trò đọc lại câu, chữ đó và sẽ giúp sửa lỗi chính tả đó ngay trên chữ mà em ấy đã viết xuống. Tiến trình này là một tiến trình tiệm tiến. Chậm nhưng sâu và rất ý nghĩa. Nó không tước đi quyền được biết, được diễn đạt, được tự do khám phá của người học. Có lẽ vì vậy mà ngay từ mẫu giáo các em đã có thể tập làm nhà thơ, nhà văn, có tác phẩm ra đời và rất yêu thích việc đọc cũng như khám phá những từ ngữ mới.

Kết quả mà việc học tập đem lại đòi hỏi phải có quá trình. Kết quả này được hiểu rộng hơn là việc chỉ tạo ra một hay nhiều “sản phẩm” (products) là các bài tập được hoàn thành, hay các kỳ kiểm tra, thi cử được tổ chức và chấm điểm với những con số 10 tròn trĩnh. Mục tiêu hay sản phẩm mà giáo dục hướng đến là muốn tạo ra một kết quả cụ thể về mặt nhận thức, kỹ năng, và cả tính cách nơi người học - những công dân của đất nước. Kết quả đó có khi được xác định cụ thể trong chương trình giáo dục. Ví dụ, trong chương trình soạn giảng, giáo viên biết ở cuối năm học lớp 1, trẻ sẽ có khả năng nhận diện, đọc và viết bao nhiêu từ; biết làm toán cộng trong phạm vi nào; hay có khả năng nhận xét về vòng đời của bươm bướm v.v Rộng hơn nữa, kết quả học tập mà giáo dục hướng đến là những nội dung được chuyển trao cho các em trong lớp, sẽ “biến thành” của các em trong thực tế sống ra sao. Thực hành, thực nghiệm, áp dụng và mở rộng kinh nghiệm học tập này trong thực tế hiện tại và tương lai như thế nào, đó mới chính là câu trả lời, là sản phẩm có giá trị cho suốt cuộc đời của người học. Kết quả cụ thể mà mọi người có thể thấy đối với học sinh các lớp nhỏ này là việc các em ứng dụng đọc, viết chữ, làm toán vào hầu hết các hoạt động của cuộc sống. Sản phẩm các em tạo ra không bao giờ là giới hạn trên trang vở mà thôi.

Lấy bộ sách Tiếng Việt Lớp 1 đã đề cập ở trên làm ví dụ, kết quả mà bộ sách hướng đến xem ra đơn thuần là giúp học sinh biết đọc theo công thức hơn là đọc và liên hệ với kinh nghiệm hay với sự tìm tòi đúng với lứa tuổi thích khám phá của các em.

Điểm cuối cùng nhưng không hề kém quan trọng trong bốn khái niệm giáo dục này chính là môi trường học tập (learning environment); là cách mà giáo viên tạo ra một bầu khí, môi trường học tập mà nơi đó người học được học hỏi (học và hỏi); học hành (học và hành) và trải nghiệm giá trị của việc học đó của mình (bao gồm cả cảm xúc bên trong và kinh nghiệm thực tế).

Bước vào một ngôi trường cấp 1 ở Úc, các bạn sẽ không nghe thấy những tiếng đọc bài râm ran đều đặn của cả lớp như ở Việt Nam. Thay vào đó là những tiếng trao đổi giữa giáo viên và học sinh về tên của các vật dụng trong lớp hay các từ ngữ các em nói và sự trùng hay khác âm với chữ cái mà các em đang học. Hoặc các bạn cũng có thể thấy khắp phòng học trưng bày những bài viết, sản phẩm của các học trò trong đó mỗi em trình bày sáng kiến, bài viết khác nhau liên quan đến âm mà các em đang học. Một bầu khí tự do, sáng tạo, quan tâm đến năng lực, kiến thức của từng cá nhân học trò chính là một bầu khí giảng dạy áp dụng triết lý và phương pháp giáo dục lấy học trò làm trung tâm.

Đã một thời ở Việt Nam đã “bắt buộc” các trẻ em trước khi vào lớp 1 phải biết đọc, viết và làm toán rành rọt. Luật bất thành văn. Không có công văn nào nói điều đó là bắt buộc, thậm chí các cấp trên còn cấm ngặt điều này. Thế nhưng từ cấp thành phố đến nông thôn, tất cả mọi người đều rập ràng dạy trẻ đọc, viết và làm toán với cấp độ cao hơn rất nhiều so với lứa tuổi của trẻ, dù biết điều đó sẽ đem lại những ảnh hưởng không tốt cho tâm sinh lý của các em học sinh. Vấn đề này được tranh luận sôi nổi một thời nhưng cuối cùng cũng trôi vào quên lãng. Báo chí và xã hội cứ lên án, nhà trường cứ đổ lỗi cho phụ huynh vì cho rằng nếu không dạy chữ trước cho trẻ tại trường mẫu giáo của mình thì họ sẽ chuyển con qua trường khác. Trường mẫu giáo đổ lỗi cho trường cấp 1 họ chỉ muốn nhận các học trò đã biết đọc, viết và làm toán thành thạo. Cả một vòng luẩn quẩn, đổ lỗi cho nhau mà không có một sự triệt để nhìn lại vấn đề. Không có ai chịu trách nhiệm nên việc phải dạy trẻ đọc, viết và làm toán cho trẻ mẫu giáo trước khi vào lớp 1 vẫn mãi ca bài ca “đường xưa lối cũ”. Và dĩ nhiên, tất cả bốn khái niệm cần quan tâm trong soạn giảng như nội dung, tiến trình, sản phẩm và môi trường học tập đều không được cân nhắc thấu đáo.

Thực ra, vấn đề sách giáo khoa không hợp lý, cho đến vấn đề dạy chữ, dạy toán trước tuổi đi học cho học sinh chỉ là phần ngọn của vấn đề. Người lớn, các nhà sư phạm và cả phụ huynh chỉ đang nguỵ biện để đáp ứng chính những đòi hỏi của bản thân người lớn về việc thể hiện uy quyền, chạy đua kinh doanh giáo dục, coi trọng những gì thuộc về danh tiếng của người lớn, chứ không quan tâm đến đối tượng giáo dục ở đây chính là các em.

Điều khác biệt mà giáo viên có thể tạo ra ở mức độ cơ bản nhất hiện nay chính là nỗ lực tiếp cận người học. Bất cứ khi nào giáo viên quan tâm tìm đến với một học sinh hay nhóm học sinh vì họ muốn xem nội dung, phương pháp, và tiến trình v.v của việc mình dạy đem lại những trải nghiệm và kết quả sẽ như thế nào, thì đó là lúc người giáo viên ấy đang áp dụng triết lý giáo dục lấy học trò làm trung tâm. Một giáo viên tốt, giỏi, có tâm là một giáo viên biết và luôn tâm niệm rằng, để giáo dục một đứa trẻ trở nên người tốt, có ích cho gia đình và xã hội thì cần cả một quá trình. Tuy vậy, để giáo viên làm tốt công việc của mình, chúng ta, những thành viên của xã hội, cần một sự thẳng thắn nhận xét cái hay, chưa hay, cái lỗi và cái sai cần sửa. Ví dụ như việc phụ huynh có dám dừng việc đòi hỏi trường mẫu giáo dạy chữ và toán cho con thành thạo trước khi vào lớp 1 hay không? Giáo viên mầm non có can đảm nói không với giáo trình dạy chữ và toán quá yêu cầu này không? Và giáo viên tiểu học có nên chăng bỏ qua những lợi ích cá nhân, tập thể để thực hiện đúng trọng trách và nhiệm vụ của giáo viên tiểu học? Bộ sách tiếng Việt Lớp 1 cần phải được thu hồi và ban biên soạn cần thiết nhận trách nhiệm, nghiên cứu và làm lại bộ sách hay không? Đó chính là những yêu cầu căn bản cần được giải quyết thoả đáng.

Sẽ không có nội dung nào được truyền đạt và lãnh hội cách hiệu quả nếu không quan tâm đến chính đối tượng giáo dục là các em học sinh; nếu không xem xét đến tiến trình trở thành của một học sinh từ giai đoạn nhà trẻ cho đến cuối giai đoạn học đường. Vấn đề này chắc chắn sẽ còn tốn nhiều công sức, thời gian và tiền của để giải quyết. Như thế Việt Nam sẽ khó có thể sánh vai với các nước – ngay cả là các nước láng giềng của mình - về việc nâng tầm giáo dục của Việt Nam trong cả tương lai gần và xa.

Tham khảo

Bách An & Lê Thoa, Nhiều “sạn” trong sách giao khoa lớp 1 của Cánh Diều, 2020, https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-san-trong-sach-giao-khoa-lop-1-cua-canh-dieu-943367.html

Phan Thế Hoài & Trần Quang, 2020, Phản biện Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về sách tiếng Việt 1 -Cánh Diều, https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phan-bien-giao-su-nguyen-minh-thuyet-ve-sach-tieng-viet-1-canh-dieu-post212939.gd

Minh Hường, 2020, Sách tiếng Việt Lớp 1, không thể chỉnh sửa mà nên thu hồi, https://vov.vn/xa-hoi/sach-tieng-viet-lop-1-canh-dieu-khong-the-chinh-sua-ma-nen-thu-hoi-786895.vov