Việt Nam trong một ngày hôm qua đã có đến hai loan báo hạt nhân thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, đó việc ký hợp đồng trị giá 5 tỉ đô la, giao cho Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đặt tại tỉnh Ninh Thuận, và một hợp đồng thứ hai cũng về xây dựng nhà máy điện hạt nhân được ký kết với Nhật Bản, tuy chưa có chi tiết rõ như hợp đồng với Nga.
Giáo sư Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: “Chính phủ đã quyết định nhà máy điện hạt nhân đầu tiên thì dành cho Nga làm đối tác xây dựng. Và hôm qua đã ký hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Liên Bang Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân.”
Ông Vương Hữu Tấn giải thích với đài VOA lý do Nga được chọn làm đối tác đầu tiên.
Tiến Sĩ Vương Hữu Tấn: “Tất nhiên điện hạt nhân gắn liền với rất nhiều yếu tố, kể cả chính trị, kinh tế v.v. Thường tuổi thọ của một nhà máy điện hạt nhân có đến hàng trăm năm. Tức là cái quan hệ giữa các nước là rất quan trọng. Quan hệ mang tính chất đối tác, chiến lược lâu dài. Có thể nói Việt Nam và Nga, hai nước cũng có những quan hệ truyền thống lịch sử rất lâu rồi. Và cái quan trọng nữa là công nghệ của Nga cũng là công nghệ tốt và rất nhiều nước đã nhập của Nga, ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ, rồi Iran, và mốt số nước Đông Âu cũng đã nhập công nghệ của Nga.”
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Australia nhận định rằng Việt Nam đã có những bước đi rất thận trọng trong việc chọn đối tác cho kế hoạch trọng yếu này.
Nhà nghiên cứu tình hình Việt Nam và khu vực, Giáo sư Carl Thayer nói rằng: “Tôi không cho rằng một quyết định quan trọng ở tầm mức như thế này được Việt Nam đưa ra mà không có sự cân nhắc chính trị kỹ lưỡng. Việt Nam đã tỏ ra quyết tâm trong khu vực Đông Nam Á, và là nước đầu tiên trong số nhóm một số nước khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay Việt Nam loan báo sẽ xây dựng 4 nhà máy, và rồi sắp tiến tới kế hoạch xây tất cả đến 8 nhà máy. Do đó vẫn còn thêm các hợp đồng đấu thầu nữa được đưa ra. Nga giành được hợp đồng đầu tiên. Chúng tôi không rõ khía cạnh thương mại của hợp đồng, nhưng tôi cho rằng Việt Nam cần được Nga tài trợ, và cần được tài trợ cho tất cả các dự án vừa nêu. Và có thể đó cũng là một yếu tố giúp cho việc hình thành hợp đồng với nhau. Hai nhà máy khác được trao cho Nhật Bản, và đó là cuộc đua chủ yếu với Pháp và Nam Triều Tiên. Tuy nhiên như thế thì đơn tranh thầu của Mỹ vẫn còn để ngỏ, bởi vì Mỹ đã ký một thỏa thuận năng lượng với Việt Nam, và theo đó để cho Việt Nam xử lý các thanh nhiên liệu uranium, và đó là một chuyện khá hiếm khi mà Mỹ tin tưởng Việt Nam tuân thủ các quy địnn giám sát quốc tế. Do đó hiện tại hai nước đã vượt lên trước trong cuộc đua, nhưng các tiềm năng khác vẫn còn đó. Và Việt Nam có thể sẽ cân đối lại bằng cách để cho Mỹ, hay liên danh Nhật-Mỹ vào cuộc ở một gia đoạn kế. Tuy nhiên ở giai đạon này, Việt Nam quyết định sử dụng Nga và Nhật Bản, hai nước có kinh nghiệm trong lãnh vực này, nhưng lại không tỏ ra đe dọa đối với Trung Quốc.”
Theo Viện trưởng Vương Hữu Tấn, thì nếu dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xúc tiến suôn sẻ, thì năm 2020 tổ máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ đưa vào vận hành phát điện thương mại với công suất khoảng một ngàn MW, và đến năm 2025 sẽ có 8 ngàn MW điện hạt nhân, chiếm khoảng 7% tổng công suất phát điện của Việt Nam, và đến năm 2030 sẽ có từ 15 đến 16 ngàn MW, chiếm khoảng 10,3% tổng công suất phát điện của Việt Nam.