Pháp bán tầu chiến cho Nga, gây tranh cãi tại Đông Âu

  • Lisa Bryant

Trên trang web của tổng thống phủ, chính phủ Pháp nói “Pháp thắng cuộc.”

Một thông báo cho hay Pháp sẽ bán 2 tầu chiến cho Nga đã gây quan ngại cho một số nước Đông Âu. Thỏa thuận này là thương vụ quốc phòng quan trọng đầu tiên của một thành viên NATO với Nga.

Thỏa thuận bàn 2 tầu chiến Mistral cho Moscow được đưa ra sau 2 tháng thương nghị. Các tầu này là những tầu chở trực thăng cơ, mỗi chiếc trị giá nhiều triệu đôla.

Trên trang web của tổng thống phủ, chính phủ Pháp nói “Pháp thắng cuộc.” Thỏa thuận đem lại hàng trăm công ăn việc làm tại địa phương và có tác dụng thúc đẩy cho các xưởng đóng tầu của Pháp ở Saint Nazaire, nơi hai chiếc tầu Mistral sẽ được chế tạo. Thêm hai chiếc nữa sẽ được đóng tại Nga.

Nhưng các quốc gia trong vùng Baltic và Washington lâu nay vẫn tỏ ra dè dặt về vụ mua bán này. Đây là thỏa thuận quan trọng đầu tiên về vũ khí của một thành viên NATO với Nga. Pháp cũng đã đồng ý cung cấp kỹ thuật cần thiết cho tầu Mistral tuy chi tiết chưa được rõ rệt.

Hôm thứ hai, bộ trưởng quốc phòng Lithuania mô tả vụ mua bán này là một “lỗi lầm lớn,” và cảnh báo rằng nó có thể tạo ra một tiền lệ. Gruzia, một nước đang mong đợi được NATO thu nhận, và đã có một cuộc chiến ngắn ngủi với Nga vào năm 2008, cũng tỏ ra quan ngại.

Chuyên gia quốc phòng làm việc ở Paris, ông Pierre Conesa gợi ý rằng hai quốc gia vừa kể đang nhìn về quá khứ, chứ không phải vào tương lai: “Quá khứ của họ và của chúng ta hoàn toàn khác nhau. Họ đã từng bị Liên bang sô viết chiếm đóng. Hoặc trong trường hợp Gruzia, đã có xung đột với Nga. Nhưng cách tốt nhất để ổn định hóa và thiết lập quan hệ ôn hòa với Nga có lẽ là đối xử với Moscow như một đối tác.”

Ông Conesa nói điều quan trọng là nhìn vào tình hình hiện tại của những thương vụ. Quan hệ của NATO với Nga đã cải thiện rõ ràng. Trong cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Lisbon hồi tháng trước, NATO đã mời Nga hợp tác về một hệ thống phòng thủ phi đạn.

Ông nói: “Ta phải chú ý đến sự kiện là về một hệ thống phòng thủ phi đạn, công cuộc hợp tác sẽ sâu xa hơn và có lẽ nhậy cảm hơn về mặt kỹ thuật so với một hệ thống tầu Mistral.”

Ông Conesa cũng nêu nhận xét là tầu Mistral dự trù sẽ được bố trí ở Thái bình dương – cách xa vùng biển Baltic.

Không phải chỉ có các quốc gia trong vùng Baltic mới tỏ ra lo ngại về tầu Mistral. Công đoàn CFDT của Pháp cảnh báo rằng việc chuyển nhượng kỹ thuật theo thỏa thuận mua tầu có thể gây ra sự cạnh tranh ở nước ngoài.