Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra sau nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình chống Putin, mới nhất vào tuần trước với cả chục ngàn cư dân Moscow nắm tay nhau tạo thành một vòng người chung quanh điện Kremlin hô khẩu hiệu chống cuộc bầu cử mà họ cho là gian lận để đưa ông Putin lên cầm quyền thêm 12 năm nữa.
Sự phẫn nộ đối với ông Putin bắt đầu tháng Chín năm ngoái sau khi ông loan báo sẽ ra tham gia cuộc bầu cử vào cuối tuần này, đổi chỗ cho đương kim tổng thống Dmitry Medvedev.
Theo học giả nghiên cứu về nước Nga, giáo sư Robert Legvold tại đại học Columbia ở New York, nhiều thành phần đông đảo thuộc phe đối lập trong xã hội Nga đã chán ngấy đến tận cổ.
Nỗi phẫn nộ đã sôi sục biến thành các vụ xuống đường tại Moscow và những thành phố lớn khác sau cuộc bầu cử quốc hội vào hạ tuần tháng Chạp năm ngoái.
Cuộc bầu cử bị các phe đối lập cho là đầy rẫy những vụ gian lận. Nhưng bất chấp niềm phẫn nộ và các vụ biểu tình phản kháng, và ngay cả phe đối lập chống Putin bị chia rẽ giữa 4 ứng cử viên tổng thống khác, các chuyên gia về nước Nga tiên đoán ông Putin không những chỉ thống lĩnh cuộc bầu cử vào Chủ nhật tới mà còn thu được một số phiếu đủ để khỏi phải dự tranh vòng bầu cử thứ nhì.
Theo chuyên gia về nước Nga, ông Sergei Glebov tại trường Smith College trong bang Massachusetts nói trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA là hiện nay hầu như chắc chắn ông Putin sẽ thu được hơn nửa tổng số phiếu.
Tuy nhiên ông nói thêm có thể không loại trừ trường hợp sẽ phải tổ chức bầu cử vòng hai nếu như phe chống đối ông Putin có thể huy động lực lượng của họ và tập trung vào nỗ lực vận động chống Putin.
Ông Legvold đồng ý, nhưng nói thêm là ông Putin sẽ chịu thiệt hại, không cần biết kết quả bầu cử vào Chủ nhật này sẽ như thế nào. Ông nói:
”Một mặt, nếu như ông thắng ngay vòng đầu, không phải tham gia vòng bầu cử thứ hai, một số lớn thành phần dân chúng đã đi bầu vào tháng Chạp và đã xuống đường, sẽ coi kết quả này là do một cuộc bầu cử gian lận. Mặt khác, nếu như phải mở bầu cử vòng nhì, quyền lãnh đạo của ông sẽ bị điểm xấu, cho dù ông thắng trong vòng bầu cử này.”
Theo ông Legvold, dù thắng cử trong trường hợp nào đi chăng nữa, ông Putin sẽ ở trong thế yếu hơn là nhiệm kỳ trước của ông từ năm 2000 đến 2008.
Các giới chức Mỹ vẫn theo sát cuộc vận động tranh cử tổng thống Nga, nhất là kể từ khi ông Putin sử dụng một chiêu bài quen thuộc trong cuộc vận động.
Theo bà Angela Stent, một chuyên gia về nước Nga tại đại học Georgetown ở thủ đô Washington nói với VOA:
“Dĩ nhiên ông ta đã tận tình sử dụng một chiến thuật mà ông đã sử dụng khi trở thành tổng thống từ năm 2000, đó là viện dẫn Hoa Kỳ như một kẻ thù, đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra đủ mọi khó khăn cho nước Nga. Như quí vị thấy trong cuộc bầu cử Hạ viện Nga, ông qui chụp cho Ngoại trưởng Hillary Clinton ủng hộ phe chống đối và tìm cách phá hoại ổn định của nước Nga.”
Chuyên gia Glebov thuộc trường Smith College nói hầu hết những luận điệu chống Mỹ của ông Putin được sử dụng trong nước hơn là cho chính trị quốc tế.
Tuy nhiên ông cảnh báo những luận điệu như vậy của ông Putin hàm chứa những ý nghĩa nghiêm trọng về chính sách đối ngoại. Ông nói:
”Dường như ông Putin là một chính trị gia, ít nhất là một phần, bị ước muốn hạn chế sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ thúc đẩy, và dường như là một chướng ngại vật cản đường nước Mỹ, dù tưởng tượng hay thực sự như vậy, ngăn chặn sự bành trướng thế lực của Hoa Kỳ.”
Dù sao chăng nữa, cả chuyên gia Glebov lẫn Legvold đều dự kiến quan hệ Mỹ-Nga vẫn tiếp tục khi ông Putin lên nhậm chức tổng thống thay ông Medvedev.
Ông Legvold nói:” Không phải là ông Putin không có quan điểm đen tối hơn, ngờ vực hơn là ông Medvedev đối với nước Mỹ. Nhưng hầu hết những vấn đề chủ chốt - hợp tác với Afghanitan, bất cứ những thành qủa nào mà chúng ta đã, hoặc chưa, đạt được trong vấn đề kiểm soát vũ khí với hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (START) mới, bất cứ tiến bộ nào mà chúng ta có thể, hay chưa thể, đạt được về phòng thủ phi đạn - Tôi không cho là ông Putin khác biệt lập trường với ông Medvedev.”
Một điểm khác nữa mà hầu hết các chuyên gia về nước Nga đều đồng ý là quan hệ giữa Washington và Moscow đã tiến một bước thật dài trong 2 thập niên qua đến nỗi quay trở lại tình trạng căng thẳng của thời chiến tranh lạnh là chuyện hoàn toàn không thể xảy ra.