RSF: Hàng chục nữ ký giả bị giam trong điều kiện khắc nghiệt

RSF xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí năm 2018. (Ảnh: RSF.org)

Trong lúc thế giới kỷ niệm Ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) loan báo hiện có 27 nữ ký giả bị giam giữ trên toàn thế giới. Một số người bị giam trong những điều kiện vô nhân đạo. Một số là nạn nhân của tra tấn và sách nhiễu tình dục. RSF kêu gọi trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho những phụ nữ này.

Nếu ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành nhà báo thì ngày càng có nhiều nữ ký giả là nạn nhân bị những chế độ độc tài đàn áp khốc liệt. Theo con số của RSF, trong số 334 nhà báo đang bị cầm tù tính đến cuối tháng 2 năm nay, có 27 người (tức 8%) là phụ nữ. Cách đây 5 năm, chỉ có 3% nhà báo bị giam giữ là phụ nữ.

Những nữ ký giả này bị giam tại 9 quốc gia.

Iran và Trung Quốc là hai nước bỏ tù nữ ký giả nhiều nhất, với 7 nữ ký giả bị giam tại mỗi nước. Tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ. Dù nước này đã phóng thích ký giả nổi tiếng đồng thời là nghệ sĩ người Kurd Zehra Doğan cách đây hai tuần, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn giam giữ 4 nữ ký giả khác. Ả Rập Xê-út hiện đang giam 3 nữ ký giả, Việt Nam bỏ tù hai nữ ký giả. Ai Cập, Bahrain, Syria và Nicaragua mỗi nước hiện đang giam cầm một nữ ký giả.

Bị nhắm mục tiêu vì những bài viết, những phụ nữ này thường bị bắt vì tội danh ‘tuyên truyền khủng bố’ hay ‘thành viên khủng bố’ như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, hoặc tội danh ‘liên lạc đáng ngờ với các thực thể nước ngoài’ như trường hợp của Ả rập Xê út. Dù mơ hồ và vô căn cứ, những cáo buộc loại này được dùng để tuyên những án tù dài hạn.

Tại Iran, nhà báo và người bảo vệ nhân quyền Narges Mohammadi và người biên tập trang blog Paineveste, Hengameh Shahidi bị kết án 10 và 12 năm tù về tội “âm mưu chống lại an ninh quốc gia và nước Cộng hòa Hồi Giáo” và “nhục mạ” người đứng đầu hệ thống tư pháp. Bà Roya Saberi Negad Nobakht, có song tịch Anh và Iran, lúc đầu bị kết án 20 năm tù vào năm 2014 vì những bài viết trên Facebook. Sau đó được giảm còn 5 năm tù.

Một số nước không ngần ngại kết án tù lâu năm để làm im tiếng nói chống đối. Đây là trường hợp của Trung Quốc. Bà Gulmira Imin, một thành viên của cộng đồng Hồi Giáo Uighurs và biên tập viên của trang mạng Salkin, bị án chung thân vào năm 2010 vì theo “chủ nghĩa ly khai” và “tiết lộ bí mật quốc gia.”

Một nhà báo nổi tiếng 74 tuổi, bà Nazli Llicak, nhận một bản án tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ vì tham dự vào một chương trình truyền hình chỉ trích chính phủ trước âm mưu đảo chánh bất thành vào tháng 7/2016. Bà và hai đồng nghiệp nam, anh em Altan, bị kết án tù chung thân biệt giam, và không được ân xá.

“Hai mươi bảy nữ ký giả hiện bị tước đoạt các quyền tự do vì những điều họ viết hay lên tiếng một cách can đảm,” Tổng thư ký RSF Christopher Deloire nói. “Những người này không được miễn trừ điều gì cả. Họ thường là nạn nhân của những bản án bất xứng và bất hợp lý. Những người này bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ nhất, như những đồng nghiệp nam, và đôi khi cũng bị tra tấn và sách nhiễu tình dục. Chúng tôi kêu gọi trả tự do tức khắc cho những người này và chúng tôi yêu cầu Liên hiệp quốc cứu xét những trường hợp này.”

Bà Lucía Pineda Ubau, giám đốc tin tức của kênh truyền hình 100% Noticias tại Nicaragua, bị giam 41 ngày trong nhà tù El Chipote tại Managua trước khi được chuyển sang nhà tù nữ vào cuối tháng 12 năm ngoái. Điều kiện tại nhà tù El Chipote, nơi chế độ độc tài của gia đình Somoza trước đây dùng để tra tấn tù nhân chính trị, là “vô nhân đạo”, José Inácio Faria, một nghị sĩ Bồ Đào Nha đã đến thăm bà Pineda tại đây, cho biết.

Bà Trần Thị Nga, một blogger Việt Nam bênh vực cho công nhân nhập cư, bị giam riêng không được tiếp xúc với ai trong hơn 6 tháng sau khi bị bắt cho đến khi bà bị kết án 9 năm tù về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” trong phiên tòa một ngày vào ngày 25/7/2017. Bà không được cho gọi điện thoại và không được thăm nuôi trong gần một năm vì bà “không nhận tội.” Luật sư của bà, chỉ được phép gặp bà một lần trước phiên xử, đã lên tiếng báo động về tình trạng sức khỏe của bà hiện càng ngày càng xấu đi.

Các nữ ký giả bị cầm tù này bị đối xử tàn tệ, không chừa hình thức nào cả. Tại Trung Quốc, bà Gulmira Imin bị tra tấn và buộc phải ký những giấy tờ không có mặt luật sư của bà. Đối với phụ nữ tra tấn về thể xác thường bao gồm đe dọa hiếp dâm và sách nhiễu tình dục.

Theo gia đình của cô Shorouq Amjad Ahmed al Sayed, một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi bị bắt tại Ai Cập vào ngày 25/4/2018, cô bị đánh bất tỉnh, bị lăng nhục, và bị đe dọa hiếp dâm cho đến khi thú tội theo yêu cầu của những người thẩm vấn—đó là việc cô đã xây dựng một trang mạng với mục đích làm nguy hại đến trật tự công cộng và thuộc vào tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Hiện đang có quan ngại sâu sắc về hai nữ ký giả là công dân Ả Rập Xê-út, Eman al Nafjan, viết blog với bút danh Saudiwoman, và Nouf Abdulaziz Al Jerawi, viết cho The Arab Noon và những trang mạng khác. Theo tổ chức nhân quyền phi chính phủ Al-Qst tại Ả rập Xê út, hai nữ ký giả này nằm trong số những nhà hoạt động bênh vực nữ quyền bị tra tấn sau khi bị bắt vào mùa xuân 2018, một số người này cũng bị sách nhiễu tình dục, bị buộc cởi bỏ áo quần và chụp hình lõa thể trong khi bị buộc phải ôm những nữ tù nhân khác.

Tại Trung Quốc không ai biết chuyện gì xảy ra cho 3 nữ ký giả Zhang Jixin, Qin Chao và Li Zhaoxiu, lần lượt bị bắt vào các năm 2015, 2016 và 2017.

Blogger người Syria Tal al-Mallouhi cũng biến mất khi bị giam giữ. Bị kết án 5 năm tù vào năm 2011, lẽ ra cô được trả tự do lâu rồi. Cô được thấy còn sống lần cuối cùng vào năm 2016 khi cô chuyển đến trại tù an ninh của nhà nước ở Damacus. Cô là nữ ký giả bị tù trẻ nhất thế giới vào lúc bị bắt vào tháng 12 năm 2009, lúc đó cô 18 tuổi. Hiện nay, cô là một trong những người bị giam cầm lâu nhất.

(Theo Phóng viên Không biên giới)