Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hôm 27/4 lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam khi đưa ra bản án 8 năm tù đối với nhà báo và blogger Trần Thị Tuyết Diệu và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho phóng viên từng làm việc cho một tờ báo của Đảng Cộng sản.
Bà Diệu bị một toà án ở tỉnh Phú Yên kết án 8 năm tù giam hôm 23/4 với cáo buộc “tuyên tuyền chống Nhà nước” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam sau khi đăng tải các bài viết và video trêng trang Facebook và YouTube cá nhân.
Theo RSF, nhà báo từng làm việc cho báo Đảng này đã “tuyên truyền và cung cấp cho đồng bào của mình những tin tức và thông tin độc lập và đáng tin cậy qua internet.” Vẫn theo tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp, nhà báo mới bị kết án đã viết bài về các chủ đề “bị cấm kỵ” như tham nhũng của các quan chức, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyên và sự thiếu phản ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam trước các cuộc xâm nhập của hải quân Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam.
“RSF yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho bà Trần Thị Tuyết Diệu,” Daniel Bastard, giám đốc ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo đưa ra hôm 27/4. “Bản án nghiêm khắc đối với bà (Diệu) là một dấu hiệu nữa cho thấy rằng chính phủ Việt Nam không ngừng đàn áp những tiếng nói độc lập nhằm tìm cách giữ cho nền báo chí độc lập tồn tại trong nước.”
Tổ chức bảo vệ quyền tự do thông tin có trụ sở ở Paris, Pháp, cho rằng đây là “bằng chứng cho thấy sự lo lắng của ban lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng sản, vốn thích loại bỏ những người đưa tin hơn là giải quyết các vấn đề cấu trúc của xã hội.”
“Việc coi thường quyền tự do báo chí như vậy là vi phạm nghiêm trọng điều 25 của hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” ông Bastard nói trong thông cáo.
Theo truyền thông trong nước, bà Diệu, 33 tuổi, bị bắt hồi tháng 8 năm ngoái. Chính quyền cáo buộc bà “làm, tàng trữ 25 bài viết và 9 video có nội dung chống Nhà nước.” Theo Uỷ ban Bảo vệ Ký giả CPJ, bà Diệu bị lãnh đạo Báo Phú Yên ép phải nghỉ việc vào năm 2017 như là một hình thức kỷ luật và sau đó bị tước thẻ nhà báo.
Việc xét xử bà Diệu diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam thắt chặt việc đàn áp luồng tin tức và thông tin tự do xung quanh Đại hội Đảng được tổ chức 5 năm một lần hồi cuối tháng 1 và ngay trước kỳ bầu cử Quốc hội khoá 15 sắp diễn ra vào tháng sau.
Cũng trong tuần qua, chính quyền Việt Nam đã tiến hành xét xử một người dùng mạng xã hội, Lê Thị Bình, với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và kết án Facebooker này 2 năm tù theo điều 331 của Bộ luật Hình sự. Ngay trước đó vài ngày, 3 thành viên của nhóm Báo Sạch, gồm Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo, bị công an Cần Thơ bắt giữ cũng với cáo buộc tương tự.
Việt Nam được coi là một trong những nước có ít tự do báo chí nhất trên thế giới khi bị RSF xếp hạng 175 tên 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 mới được tổ chức này công bố hôm 20/4.