Những bản án được giảm là vì các bị can đồng ý ‘nhận tội’ theo yêu cầu của nhà cầm quyền chứ không phải vì chiếu theo các tiêu chuẩn xét xử công bằng và các chuẩn mực được quốc tế công nhậnPhil Robertson - HRW
5 trong số 8 thanh niên Công giáo kháng cáo tại Tòa án Nhân dân Nghệ An là những blogger bao gồm Hồ Đức Hòa, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Thái Văn Dung, và Trần Minh Nhật.
Trong số này, Sơn được giảm án từ 13 xuống còn 4 năm tù giam. Duyệt được giảm từ 4 năm xuống còn 3 năm rưỡi tù giam. Ba blogger còn lại nằm trong số bốn bị can bị giữ y án trong phiên phúc thẩm vừa qua.
Your browser doesn’t support HTML5
Tôi nhận thấy ở Việt Nam không hề có tự do tụ tập hay lập hội, không có tự do ngôn luận, tự do thông tin hay tự do báo chí gì cả trong khi chính phủ Việt Nam từ lâu đã ký kết tôn trọng các quyền này trong các công ước quốc tế. Rõ thật buồn cười vì không thực hiện mà vẫn kýAsep Komarudin - MLDI
Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại Pháp RSF nhấn mạnh dù bản án của Paulus Lê Sơn được giảm đáng kể, nhưng vẫn không thể chấp nhận vì các bản án dành cho những blogger này chứng tỏ quyết tâm của chính phủ Việt Nam muốn tất cả những tiếng nói bất đồng quan điểm với nhà nước phải câm lặng.
Phóng viên Không biên giới bác bỏ tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” Hà Nội dành cho các hoạt động thực thi nhân quyền bao gồm quyền tự do ngôn luận của nhóm các nhà hoạt động trẻ.
RSF tố cáo tất cả những cáo buộc Hà Nội dùng để tống các blogger này vào tù hoàn toàn là xảo trá và khẳng định sẽ tiếp tục kêu gọi phóng thích cho họ.
RSF cũng dẫn lời bị cáo Thái Văn Dung tại tòa phát biểu rằng nếu Việt Nam có dân chủ, anh sẽ phải được tha bổng.
Luật sư Hà Huy Sơn, đại diện pháp lý của 4 trong số 8 bị can kháng cáo, cho VOA Việt ngữ biết lý do Lê Sơn được giảm án còn 1/3 là do anh thừa nhận có tham gia đảng Việt Tân. Ba bị can khác được giảm án từ nửa năm đến một năm là do “thể hiện sự hợp tác với tòa”. Luật sư Sơn nói:
“Theo kinh nghiệm của tôi, quan điểm xét xử của tòa Việt Nam chủ yếu căn cứ vào thái độ (của bị can) là chính. Theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, người ta quy định việc xét xử ai có tội hay không, hoặc lượng hình phạt thì căn cứ vào hành vi chứ không căn cứ vào nhận thức hay ý thức của bị cáo. Thế nhưng thực tế xét xử ở Việt Nam, chủ yếu người ta căn cứ vào lời khai ở cơ quan điều tra là chính chứ người ta cũng không mấy khi căn cứ vào lời khai tại tòa. Đó là những điều chưa phù hợp với quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam.”
Vẫn theo luật sư Sơn, tại tòa, các bị can đều khẳng định không hề có ý định “lật đổ chính quyền”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại Mỹ nói các bản án phúc thẩm của 8 nhà hoạt động Công giáo cho thấy “chẳng có thay đổi gì đáng kể trong kế hoạch của Hà Nội đàn áp các quyền tự do chính trị của công dân”.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch nhận định:
“Những bản án được giảm là vì các bị can đồng ý ‘nhận tội’ theo yêu cầu của nhà cầm quyền chứ không phải vì chiếu theo các tiêu chuẩn xét xử công bằng và các chuẩn mực được quốc tế công nhận. Chúng ta thấy các hoạt động chính trị ôn hòa và thể hiện quan điểm ôn hòa vẫn bị Việt Nam hình sự hóa thành tội và Hà Nội vẫn tiếp tục vi phạm các cam kết với quốc tế về tôn trọng nhân quyền.”
Luật sư Asep Komarudin từ Indonesia đại diện cho tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Media Legal Defense Initiative là một trong hai quan sát viên quốc tế tìm cách tham dự phiên tòa hôm 23/5 nhưng đã bị công an Việt Nam xua đuổi.
Ông Komarudin nói với VOA Việt ngữ:
“Tôi nhận thấy ở Việt Nam không hề có tự do tụ tập hay lập hội, không có tự do ngôn luận, tự do thông tin hay tự do báo chí gì cả trong khi chính phủ Việt Nam từ lâu đã ký kết tôn trọng các quyền này trong các công ước quốc tế. Rõ thật buồn cười vì không thực hiện mà vẫn ký.”
Phiên phúc thẩm của 8 thanh niên Công giáo bị cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền” diễn ra đúng một tuần sau khi Việt Nam tuyên án hai sinh viên tổng cộng 14 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị bắt vì các hoạt động rải truyền đơn, dán biểu ngữ chống Trung Quốc xâm lược và phản đối sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam mà Uyên và Kha gọi là “tham nhũng và bán nước”.