Các chuyên gia về lực lượng lao động đổ lỗi cho việc mất đi hàng triệu việc làm trong các lãnh vực sản xuất là do khả năng tự động hóa của máy vi tính ngày càng cao. Một ví dụ là ngành ô tô Mỹ đã chế tạo và bán ra một con số kỷ lục xe ô tô trong năm 2015, nhưng số công nhân lại ít hơn trước đây. Thông tín viên Đài VOA Jim Randle tường trình từ Detroit, nơi một số công nhân bị các công ty công nghiệp sa thải đang được giúp đỡ để chuẩn bị cho một tương lai không được sáng tỏ.
Nhiều công nhân hãng xe Ford có một thời đã lắp ráp những chiếc xe như Model-T. Hầu hết các công việc đều làm bằng tay, bằng sức mạnh của cơ bắp.
Áp lực của cạnh tranh khiến cho các công ty công nghiệp đủ loại tìm cách sản xuất hữu hiệu hơn, ít lao động hơn, tìm những phương pháp tốt hơn và rẻ tiền hơn để làm ra sản phẩm.
Có nhiều tin xấu đối với hàng triệu công nhân như bà Holly Stover. Trước đây, bà có thể kiếm được nhiều việc làm trong các nhà máy công nghiệp. Bà bị sa thải sau nhiều năm làm việc cho các công ty thép.
Bà Stover nói: “Tôi hy vọng sẽ tìm được một việc làm tốt, một việc làm tử tế, để ổn định cuộc sống.”
Với sự giúp đỡ của một chuyên viên hướng nghiệp, bà Stover đang tìm hiểu các việc làm mới. Bà cũng lo lắng về chi phí bảo hiểm sức khỏe, và đang tính đến việc đi học lại để nâng cao kỹ năng.
Một chuyên viên về lao động của trường đại học Georgetown nói rằng càng có nhiều robot trong công nghiệp thì càng có ít người có được việc làm lương cao trong các dây chuyền sản xuất.
Giáo sư Anthony Carnevale trường đại học Georgetown nói: “Công nghệ là thủ phạm chính gây mất việc làm của người lao động kể từ đầu những năm 1980 - sau một thập niên các ngành sản xuất gặp khó khăn vào những năm 1970. Có lẽ 75% việc làm bị mất là do công nghệ như robot hay máy móc nói chung đang thay thế con người.”
Tuy nhiên một giới chức cao cấp của Bộ Lao động nói những thay đổi trong nền kinh tế mang lại nhiều cơ hội cho công nhân, nếu họ có những kỹ năng thích hợp. Nhiều chủ nhân than phiền là không tìm đủ người có thể làm được những việc như điều hành máy móc tiên tiến hay những chương trình máy tính.
Ông Chris Lu, Thứ trưởng Lao động nói: “Tại đất nước này chúng ta cũng có những chuyển biến đáng kể sang một nền kinh tế dịch vụ và thực sự có những công việc trả lương cao như trong lãnh vực công nghệ thông tin chẳng hạn. Đây là một ngành công nghiệp mà cách đây 20 năm hay 30 năm không có.”
Trong khi đó, người đứng đầu Liên minh Cộng đồng vùng Đông Nam Michigan nói các chủ nhân đang nỗ lực lấp bằng khoảng cách về kỹ năng bằng cách tìm những người phụ việc trong những việc làm trả lương cao như thợ điện, thợ ống nước, thợ mộc, công nhân xay xát, và thợ đường ống.
Ông Greg Pitoniak, Tổng giám đốc của Liên minh Cộng đồng vùng Đông Nam Michigan nói: “Điều đang tiến hóa trong nền kinh tế của chúng ta tại đây là tư duy học hỏi trong công việc của cả chủ nhân lẫn những người đang kiếm việc làm. Nhiều người tìm việc nói ‘tôi không có khả năng đến trường trong một vài năm mà không có một nguồn thu nhập nào cả.’”
Tổ chức của ông Greg Pitoniak giúp những công nhân bị sa thải tìm cách nâng cấp kỹ năng của họ, và theo dõi chặt chẽ những kỹ năng chủ nhân đòi hỏi. Ông nói một phần của vấn đề là hệ thống giáo dục Mỹ đặt nặng vào việc chuẩn bị cho học sinh vào trường đại học, nhưng ít chú trọng vào việc đào tạo kỹ năng cho học sinh để sẵn sàng làm những công việc kỹ thuật.