Reuters/Ipsos khảo sát: 61% người Mỹ nói AI đe dọa tương lai nhân loại

Ứng dụng ChatGPT.

Ứng dụng ChatGPT.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khiến tương lai của loài người gặp rủi ro, theo ý kiến của phần lớn người Mỹ được khảo sát trong một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hôm 17/5.

Hơn 2/3 người Mỹ lo ngại về tác động tiêu cực của AI và 61% tin rằng nó có thể đe dọa nền văn minh nhân loại.

Kể từ khi phần mềm trả lời tự động ChatGPT của OpenAI trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất mọi thời đại, việc tích hợp rộng rãi AI vào cuộc sống hàng ngày đã đưa AI lên vị trí hàng đầu trong các cuộc tranh luận. ChatGPT bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang về AI, trong đó, những đối thủ nặng ký về công nghệ như Microsoft và Google cạnh tranh nhau để vượt lên trên trong các thành tựu về AI.

Các nhà lập pháp và các công ty AI cũng lo ngại: Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman hôm 16/5 đã điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, bày tỏ lo ngại về khả năng lạm dụng công nghệ và đề nghị hãy ban hành các quy định.

Thượng nghị sĩ Cory Booker, một trong nhiều nhà lập pháp đặt câu hỏi về cách tốt nhất để chế tài AI trong một phiên thảo luận của Thượng viện về việc sử dụng AI hôm 16/5, dùng lối nói bóng bẩy khi nêu ý kiến: “Không có cách nào để nhét lại vị thần này vào trong chai. Trên toàn cầu, điều này đang bùng nổ”.

Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy số người Mỹ tiên liệu về những hậu quả bất lợi từ AI cao gấp ba lần số người không có cái nhìn như vậy.

Theo dữ liệu, 61% số người được hỏi tin rằng AI gây rủi ro cho nhân loại, trong khi chỉ có 22% không đồng ý và 17% không chắc chắn.

“Rất nhiều người Mỹ lo lắng về những tác động tiêu cực của AI”, ông Landon Klein, giám đốc bộ phận về chính sách Hoa Kỳ thuộc Viện Cuộc sống Tương lai (Future of Life Institute), nói. Tổ chức đứng sau một bức thư ngỏ được ông Elon Musk, Tổng giám đốc của Tesla, ký ủng hộ. “Chúng tôi xem thời điểm hiện tại tương tự như sự khởi đầu của kỷ nguyên hạt nhân và điều thuận lợi cho chúng ta là nhận thức của công chúng phù hợp với nhu cầu phải hành động”, ông Klein nói thêm.

“Những lo ngại này là rất chính đáng, nhưng tôi nghĩ điều bị thiếu trong cuộc đối thoại nói chung là đầu tiên phải bàn đến việc vì sao chúng ta lại làm điều này?”, ông Sebastian Thrun, giáo sư khoa học máy tính tại Stanford, người sáng lập Google X, nói. “AI sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, đồng thời giúp mọi người có năng lực và hiệu quả hơn”.

Ông Ion Stoica, giáo sư trường UC Berkeley, người đồng sáng lập công ty AI Anyscale, cho rằng các ứng dụng tích cực của AI, chẳng hạn như cách mạng hóa việc phát minh dược phẩm, không dễ thấy như ChatGPT.

Ông nói: “Người Mỹ có thể không nhận ra mức độ phổ biến của AI trong cuộc sống hàng ngày của họ, cả ở nhà và nơi làm việc”.

Cuộc thăm dò trực tuyến với 4.415 người trưởng thành ở Hoa Kỳ được tiến hành từ ngày 9/5 đến ngày 15/5. Khảo sát có sai số về độ chính xác là ±2 điểm phần trăm.