Ra mắt Dự Án Mở ra Kỷ nguyên Dân chủ

Cô Nancy Nguyễn tặng diễn giả Nguyễn Gia Kiểng chiếc nơ kỷ niệm cuộc xuống đường đòi dân chủ của sinh viên Hồng Kông. (Ảnh:Dân Huỳnh/Người Việt)

Ngày 30/5/2015 vừa qua, tại trụ sở báo Người Việt ở Nam California (Hoa Kỳ) tổ chức Tập Họp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) - một tổ chức bao gồm nhiều trí thức người Việt và gốc Việt ở châu Âu, châu Mỹ và châu Úc với trụ sở chính ở Paris, đã cho ra mắt công chúng bản Dự án Chính trị mang tên «Khai sáng Kỷ nguyên thứ hai».

Ngày 6/6/2015, cũng tại Paris, THDCĐN cũng tổ chức cuộc ra mắt Dự án nói trên. Đến dự có một số thành viên đến từ Bỉ, Hà Lan, Đức, Na Uy. Trên mạng Thế kỷ 21 có đăng toàn văn tài liệu này.

Tên gọi của Dự án muốn chỉ ra rằng từ khi lập quốc đến nay là Kỷ nguyên thứ nhất của các chế độ cũ, phong kiến, thực dân, cộng sản toàn trị, không có dân chủ tự do, kìm hãm dân tộc trong vòng lạc hậu tăm tối triền miên. Nay là lúc lịch sử sang trang, Việt Nam đang đứng trước khúc quanh lịch sử trọng đại, các tổ chức đối lập dân chủ đang cùng toàn dân chung sức đấu tranh, mở ra Kỷ nguyên thứ hai có dân chủ tự do, đầy triển vọng tươi sáng, hòa nhập với thế giới của thời đại văn minh.

Dự án gồm 9 phần. Ba phần đầu chỉ ra nhiệm vụ lịch sử của toàn dân lúc này, khi làn sóng dân chủ thứ tư và trật tự của thế giới mới đặt Việt Nam trước khúc quanh lịch sử trọng đại chưa từng có. Các phần tiếp xác định nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ, những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, thể chế và hiến pháp nào cho Việt Nam và nội dung cuộc đấu tranh thực hiện dân chủ đa nguyên. Hai phần cuối là kết luận nói lên triển vọng chuyển tiếp thành công về dân chủ và kêu gọi mọi công dân, các tổ chức xã hội dân sự, trí thức, tuổi trẻ, các tổ chức và cá nhân dấn thân cho dân chủ, tự do, nhân quyền, người Việt Nam ở trong và ngoài nước…hãy chung sức chung lòng, phối hợp cùng THDCĐN thực hiện Giấc mơ Việt Nam thể hiện trong Dự án này.

THDCĐN ra đời tại Pháp năm 1982, bền bỉ hoạt động hơn 32 năm, với dự án chính trị đầu tiên mang tên «Cơ sở tư tưởng» năm 1984, bổ sung năm 1990 thành «Dự án chính trị Dân chủ Đa nguyên», đến 1996 lại tu chỉnh thành «Thử thách và Hy vọng», rồi đến 2001 phát triển thành «Thành công Thế kỷ 21». Bản Dự án Chính trị vừa ra mắt ở California và Paris là bản tu chính lần thứ tư dự án đầu tiên, cũng là bản dự án hoàn chỉnh, đầy đủ nhất, được thảo luận công phu nhất trong nội bộ THDCĐN trước khi được trình làng rộng rãi.

Theo ban lãnh đạo của THDCĐN, đối lập dân chủ ở VN chưa thành công, còn yếu kém chủ yếu là do thiếu một dự án chính trị sát đúng với tình hình thực tiễn của nước ta và thế giới, đi sát nguyện vọng của nhân dân, có một tổ chức trung kiên để tập họp quần chúng xung quanh Dự án ấy, đưa phong trào quần chúng đến thắng lợi, giành chính quyền về tay liên minh các tổ chức dân chủ, chấm dứt chế độ toàn trị độc đảng của Đảng CS khi nó đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, có công bằng xã hội và luật pháp nghiêm minh, phơi bày bộ mặt phản bội lời hứa mang lại hạnh phúc và an ninh cho toàn dân chung hưởng.

Dự án chỉ rõ những thiếu vắng thê thảm của Việt Nam hiện nay so với các nước xa gần: thiếu một chính quyền trong sạch của dân, do dân, vì dân, thiếu một chế độ pháp trị nghiêm minh, thiếu một nền công nghiệp hiện đại, thiếu một tầng lớp kinh doanh tài năng, thiếu một nền giáo dục khai phóng, thiếu một chế độ bảo hiểm xã hội phục vụ dân sinh. Không thể đổ lỗi cho nhân dân hay ai khác, đó là bản thành tích đen tối trong 70 năm cai trị độc đoán kiêu căng, giáo điều tăm tối của Đảng CS. Đã đến lúc toàn dân Việt Nam thực lòng nói «không!» với Đảng CS vì không thể chịu nổi một cuộc sống không xứng đáng như thế. Đảng CS nay đã thuộc về quá khứ, một quá khứ không chịu ra đi, khi học thuyết Mác -Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa CS kiểu mác-xít do nó kiên trì bảo vệ đã bị cả loài người vứt bỏ và lên án là tội ác chống nhân loại. Cả xã hội Việt Nam đã nhận ra điều ấy.

Đảng CS còn cai trị không phải nó tài giỏi gì, mà chỉ vì phong trào đấu tranh của quần chúng chưa đủ mạnh, các tổ chức đấu tranh còn phân tán, thiếu một dự án chính trị sắc bén làm trung tâm tập họp và động viên. Ban lãnh đạo THDCĐN cho rằng có 4 điều kiện cần và đủ để có giải pháp mới mẻ thay thế giải pháp CS đã hoàn toàn lỗi thời. Trước hết là quần chúng nhận rõ ách cai trị CS là hoàn toàn có hại cho đất nước, ngăn cản con đường phát triển trong độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và phồn vinh; nó phải bị thay thế. Điều kiện thứ hai là Đảng CS đã suy thoái, chia rẽ thành phe nhóm lợi ích riêng tư, lâm vào khủng hoảng toàn diện không có lối thoát. Ba là có một dự án chính trị sát thực tế, sắc bén. Và bốn là dự án đó phải được nhiều tổ chức dân chủ và công dân yêu nước tán đồng và hợp tác, phải tập họp và huy động được ngày càng nhiều công dân hành động theo hướng dẫn của dự án, hoàn thành trọn vẹn cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, mở ra Kỷ nguyên Dân chủ Tự do.

Hai điều kiện đầu đã là hiện thực, hai điều kiện cuối đang diễn ra.

Trong hai cuộc ra mắt dự án, cử tọa đã thảo luận sôi nổi về các nội dung của văn kiện. Phần lớn ý kiến tán đồng sâu sắc, với nhiều thực tiễn minh họa thêm.

Vướng mắc còn tồn tại xoay quanh vấn đề «hòa giải hòa hợp dân tộc », đấu tranh không bạo lực, và trong đấu tranh nên dùng lá cờ nào.

Tuy còn có những ý kiến khác nhau, trên đại thể bản dự án được đông đảo người tham dự đồng tình tán thưởng. Còn có ý kiến khác nhau về một vài vấn đề là điều tất yếu trong một tập thể dân chủ.

Điều đáng mừng là THDCĐN tỏ rõ mong muốn có quan hệ thân hữu tin cậy với mọi tổ chức «đối lập dân chủ » trong và ngoài nước, mọi tổ chức xã hội dân sự đang ngày càng đông đảo ở trong nước, với cả những đảng viên CS đã thoát đảng, ngay cả với những đảng viên CS tuy vì lý do nào đó vẫn còn là đảng viên nhưng đã mất niềm tin vào giải pháp CS. Phối hợp hành động rộng rãi của mọi lực lượng đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là con đường duy nhất để giành thắng lợi, khai phá Kỷ nguyên Dân chủ Tự do.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.