Quyền phá thai thành đề tài tranh cử

Người ủng hộ và người chống phá thai biểu tình trước tối cao pháp viện tại Washington.

Tới tháng Sáu nếu Tối cao pháp viện không phán quyết dứt khoát có xóa bỏ  Roe v. Wade thì phá thai còn là một đề tài tranh cử hay không? Chắc vẫn tiếp tục sôi nổi. Vì những xung đột về phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, vẫn còn chi phối chính trị nước Mỹ.

Cuộc tranh cử quốc hội Mỹ thêm sôi nổi vì bản ý kiến của Thẩm phán Samuel Alito về câu hỏi phụ nữ Mỹ có quyền phá thai hay không. Ông Alito nói “không!” Có 4 người đồng ý với ông. Tức là có thể ít nhất 5 trên 9 vị Thẩm phán Tối cao sẽ bỏ phiếu xóa bỏ án lệ Roe v. Wade (1973).

Tối cao pháp viện hứa sẽ tuyên án về vụ kiện về quyền phá thai ở tiểu bang Mississippi, vào tháng Sáu, gần năm tháng sau đó dân Mỹ sẽ bỏ phiếu.

Ngay bây giờ, phá thai đã thành một đề tài tranh cử, bắt đầu từ các cuộc vận động bỏ phiếu sơ bộ. Các ứng cử viên đang giành vai trò đại diện cho đảng mình đã bắt đầu dùng vũ khí đó tấn công nhau. Các ông bà đảng Dân chủ tố cáo đối thủ cùng đảng không bảo vệ quyền phá thai nhiệt liệt bằng mình. Quý vị trong đảng Cộng Hòa thách đố người khác có dám chống phá thai mãnh liệt hay không.

Cựu Nghị sĩ David Perdue đang muốn thay thế Thống đốc Brian Kemp ở Georgia đã thách thức ông Kemp hãy đưa ra một đạo luật cấm phá thai trong tiểu bang ngay sau khi Tối cao pháp viện tuyên án Roe v. Wade vi hiến. Việc này quá dễ, vì hiện nay đa số nghị viện ở Georgia và chức thống đốc đều thuộc đảng Cộng Hòa! Nếu chấp nhận thách đố của ông Perdue thì, tới tháng 11, ông Kemp sẽ tranh luận với bà Stacey Abrams, người sẽ ứng cử chức thống đốc cho đảng Dân chủ, về quyền phá thai. Bà Abrams đã tạm ngưng không gây quỹ tranh cử cho chính mình nữa, để dành thời giờ đi kêu gọi mọi người đóng góp cho các tổ chức tranh đấu cho phụ nữ có quyền phá thai!

Vấn đề quyền phá thai của phụ nữ sẽ giúp cho ứng cử viên đảng nào kiếm được thêm phiếu? Đảng Dân chủ đa số nghĩ rằng họ sẽ được lợi vì những người muốn bảo vệ quyền phá thai sẽ đi bỏ phiếu đông đúc hơn. Đảng Cộng Hòa nghĩ ngược lại, cho là các cử tri vẫn lo lắng về lạm phát và bệnh dịch, kinh tế hơn là chuyện có được tự do phá thai hay không. Hơn nữa, những người ủng hộ Cộng Hòa sẽ hăng hái đi bầu hơn nhờ đấu tranh thắng lợi sau nửa thế kỷ!

Năm 1973, Tối cao pháp viện phán quyết bản án Roe v. Wade, quý vị Thẩm phán không chia rẽ về vấn đề này như hiện giờ. Trong dân chúng Mỹ lúc đó, chỉ Giáo hội Công Giáo La Mã chống phá thai rất mạnh, các giáo hội Tin Lành ít bày tỏ ý kiến. Tòa Tối Cao đã công nhận phá thai như một quyền hiến định, với tỷ số 7-2. Năm 1992, Tòa xác định lại một lần nữa, với án lệ Planned Parenthood v. Casey (1992). Trong số 9 Thẩm phán Tối cao hiện nay, 6 vị thuộc đạo Công Giáo.

Sau gần 50 năm, chính trị nước Mỹ đã thay đổi. Chưa bao giờ dân Mỹ bày tỏ các bất đồng ý kiến một cách mạnh mẽ như bây giờ. Thẩm Phán Clarence Thomas mới than phiền rằng dân chúng Mỹ giảm lòng tin vào các định chế quốc gia. Ông không nói rõ, nhưng ai cũng hiểu rằng trong các định chế đó có Tối cao pháp viện. Vì chưa bao giờ Tối cao pháp viện bị “chính trị hóa” như bây giờ.

Khi đề cử người vào Tối cao pháp viện, các vị tổng thống thường chọn người cùng đảng với mình; các nghị sĩ bỏ phiếu chấp thuận cũng vậy. Nhưng trước đây, các hành động đó không biểu dương tính cách đảng phái một cách lộ liễu như gần đây. Năm 2016, một vị Thẩm phán Tối cao qua đời, Tổng thống Barack Obama (Dân chủ) đề cử người thay thế vào tháng Hai. Nghị sĩ Mitch McConnell (CH-Ky), trưởng khối Cộng Hòa đang chiếm đa số, đã ghìm lại không đưa vấn đề ra thảo luận trong Thượng viện. Ông nêu lý do là cuối năm sẽ bầu tổng thống; hãy để cho dân chúng lựa chọn. Tháng 11 năm đó, Tổng thống Donald Trump đắc cử, năm sau ông đề nghị người khác. Năm 2020, cũng có một vị Thẩm phán Tối cao qua đời vào tháng Mười, ông Trump đề cử người thay thế và ông McConnell đưa ra cho Thượng viện, với đa số Cộng Hòa, chấp thuận ngay, 38 ngày trước khi dân Mỹ bầu tổng thống mới.

Khi tranh cử năm 2016, cựu Tổng thống Donald Trump báo trước nếu đắc cử ông sẽ bổ nhiệm các Thẩm phán “tự động” xóa bỏ Roe v. Wade. Ông giữ đúng lời hứa, và đã có cơ hội bổ nhiệm 3 trong số 6 vị Thẩm phán Tối cao thuộc đảng Cộng Hòa. Những vị này tương đối còn trẻ, họ sẽ góp phần quyết định nhiều bản án theo khuynh hướng bảo thủ trong 30, 40 năm sắp tới; mà phá thai chỉ là một trong nhiều vấn đề người Mỹ bất đồng ý kiến.

Nếu Tối cao pháp viện xóa bỏ các án lệ Roe Casey thì quyền phá thai sẽ hoàn toàn do nghị viện các tiểu bang quyết định; nước Mỹ sẽ theo nhiều chế độ khác nhau. Một nửa số tiểu bang sẽ cấm phá thai, nhiều hay ít. Sẽ có 11 tiểu bang cấm phá thai ngay cả trong trường hợp thụ thai vì loạn luân hoặc người phụ nữ bị cưỡng hiếp. Tiểu bang Louisiana đang chuẩn bị một dự luật kết án những phụ nữ phá thai là phạm tội sát nhân.

Một đại biểu ở Tiểu bang Missouri đang đề nghị dự luật cho phép các công dân có quyền thưa kiện ra tòa bất cứ người nào giúp một phụ nữ ở Missouri đi qua tiểu bang khác để phá thai. Nhiều tiểu bang khác sẽ bắt chước, họ đều mô phỏng một đạo luật ở Texas mới ban hành năm ngoái, cho phép và thưởng tiền cho những người cáo giác tội phá thai. Luật lệ ở Texas cũng truy tố những người ở tiểu bang khác gửi cho dân Texas thứ thuốc viên uống để phá thai.

Ngược lại, các tiểu bang có khuynh hướng Dân chủ đang tìm cách giúp đỡ những phụ nữ ở tiểu bang khác muốn phá thai. Nghị viện Oregon mới thông qua ngân sách $15 triệu đô la để cung cấp chi phí giúp người muốn đến tiểu bang này phá thai. Tiểu bang Connecticut, nơi phá thai được tự do, đã làm luật cấm không được “dẫn độ” bất cứ người nào qua tiểu bang khác vì hành động phá thai. Họ muốn bảo vệ các bác sĩ và nhân viên y tế trước mối đe dọa bị kết án tại các tiểu bang khác. Nhưng các vị bác sĩ đó sẽ phải tránh không dám đi qua các tiểu bang cấm phá thai như Missouri, vì có thể bị truy tố, hay bị bắt nếu đã bị kết án.

Các tiểu bang chia rẽ trong vấn đề quyền phá thai vì Nghị viện thuộc các đảng khác nhau. Nghị viện có thể thay đổi khi người dân bỏ phiếu. Theo bản tin Reuters, có 63% dân Mỹ tỏ ý sẽ ủng hộ các ứng cử viên muốn bảo vệ quyền phá thai. Những cử tri Dân chủ ủng hộ mạnh hơn (78%) còn cử tri Cộng Hòa ít hơn (49%). Theo nhật báo The Wall Street Journal số người Mỹ muốn bảo vệ án lệ Roe v. Wade cao gần gấp đôi số người muốn xóa bỏ; có 57% chống việc cấm phá thai sau 15 tuần lễ như theo đạo luật của Mississippi; và 58% chống đạo luật theo kiểu Texas, cấm phá thai sau 6 tuần lễ.

Chánh án Tối cao John Roberts đã minh xác rằng bản ý kiến của Thẩm Phán Alito chỉ là một bản nháp từ tháng Hai, không phải ý kiến sau cùng của Tối cao pháp viện. Bình thường, các vị Thẩm phán có thể thay đổi ý kiến. Có người đoán rằng thủ phạm tiết lộ bản ý kiến Alito nhắm gây tiếng vang làm áp lực trên các vị Thẩm Phán bảo thủ, vì lo lắng có người sẽ thay đổi ý kiến. Mỗi vị Thẩm Phán đều có ý kiến trước vấn đề phá thai, nhưng quyết định của họ trong một vụ kiện không nhất thiết phù hợp với ý kiến cá nhân mà phải dựa theo pháp luật. Các ý kiến do ông Alito chưa chắc đã được các vị khác đồng ý.

Ông Alito nói rằng trong Hiến pháp Mỹ không có một điều nào quyền phá thai; cho đến khi Tối cao pháp viện tuyên án Roe v. Wade. Nhưng trong hiến pháp Mỹ cũng không nói gì đến các quyền khác của phụ nữ. Trước năm 1977, chưa có người đàn ông nào bị kết tội sách nhiễu tình dục. Trước năm 1978, một phụ nữ có thai rồi bị chủ nhân cho nghỉ việc cũng không có quyền kiện.

Tới tháng Sáu nếu Tối cao pháp viện không phán quyết dứt khoát có xóa bỏ Roe v. Wade thì phá thai còn là một đề tài tranh cử hay không? Chắc vẫn tiếp tục sôi nổi. Vì những xung đột về phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, vẫn còn chi phối chính trị nước Mỹ.