Quỹ EU tài trợ vũ khí cho Ukraine sắp được nhận thêm 3,5 tỷ euro

Ba Lan huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng xe tăng Đức.

Các ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu sẽ thông qua ngân khoản bổ sung là 3,5 tỷ euro (3,81 tỷ USD) dành cho quỹ viện trợ quân sự được sử dụng để tài trợ vũ khí và đạn dược cho Ukraine, các quan chức cho biết hôm thứ Sáu 23/6.

Các bộ trưởng dự kiến sẽ nâng mức trần tài chính của Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) - một quỹ đã phân bổ khoảng 5,6 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine - tại một cuộc họp ở Luxembourg vào thứ Hai 26/6.

Tuy nhiên, Hungary tiếp tục ngăn cản việc phân bổ thêm một ngân khoản trị giá 500 triệu euro dành cho Ukraine, theo các quan chức.

Budapest cho hay họ sẽ còn ngăn cản cho đến khi Kyiv đưa ngân hàng OTP của Hungary ra khỏi danh sách các hãng bị Kyiv coi là "nhà tài trợ quốc tế" cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Hungary xem việc Kyiv đưa ngân hàng đó vào sổ đen là một sự "tai tiếng".

Một quan chức cấp cao giấu tên của EU cho biết: “Vào thứ Hai 26/6, sẽ có quyết định về bổ sung thêm 3,5 tỷ euro cho Quỹ Hòa bình châu Âu”.

"Nhưng sẽ không có quyết định nào về một đợt giải ngân mới của Quỹ Hòa bình Châu Âu dành cho Ukraine vì vẫn chưa có sự nhất trí giữa các quốc gia thành viên về việc đó", vẫn lời vị quan chức.

Quỹ kể trên được thành lập vào năm 2021, với tôn chỉ là EU hỗ trợ các nước đang phát triển mua thiết bị quân sự. Nhưng khối liên hiệp gồm 27 nước thành viên đã nhanh chóng quyết định sử dụng quỹ để cung cấp vũ khí cho Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm ngoái.

Vì cuộc chiến nên quỹ EPF đã giải ngân nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Ban đầu quỹ có ngân sách 5 tỷ euro, với dự tính đủ để chi tiêu đến năm 2027. Mức trần đó đã từng được nâng lên một lần, tăng thêm 2 tỷ euro, vào tháng 12 năm ngoái.

Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, đã yêu cầu phải có khoản bổ sung mới nhất vào tháng trước. Các quan chức EU lập luận rằng điều cần thiết không chỉ là duy trì nguồn cung tài chính cho Ukraine mà còn phải đảm bảo có đủ tiền để cung cấp viện trợ cho các quốc gia khác.

Quỹ này tách biệt với ngân sách của EU, không được phép tài trợ cho các hoạt động quân sự.

Nhưng việc các nước EU liên kết với nhau để mua vũ khí và đạn dược cho một quốc gia đang có chiến tranh với Nga đã đánh dấu một bước đi lịch sử đối với khối này, vốn đã tránh can dự vào các vấn đề quốc phòng và quân sự trong nhiều thập kỷ.

Quỹ này cho phép các nước EU cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine được đòi lại một phần chi phí. Các nước EU đóng góp vào quỹ theo quy mô nền kinh tế của họ.

(Reuters)