Gần 95% đại biểu quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tán thành trong thủ tục phê chuẩn hai hiệp định Thương mại Tự do và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu, hai trang Facebook chính thức của Việt Nam và Liên hiệp châu Âu cho hay vào sáng ngày 8/6.
Sau khi quốc hội Việt Nam hoàn tất thủ tục phê chuẩn hai hiệp định nêu trên, Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN (EVFTA) dự kiến có hiệu lực ngay trong mùa hè này, trang Facebook của phái đoàn EU ở Hà Nội cho biết.
Trang Thông tin Chính phủ của Việt Nam đưa ra bình luận rằng “EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư với Việt Nam”.
Tuy nhiên, trang Thông tin Chính phủ không nói cụ thể “một số thị trường” đó là những quốc gia hay những khu vực nào.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với VOA, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh đến một điểm “rất quan trọng” của EVFTA là nhờ hiệp định, Việt Nam “có thể tạo thế cân bằng” giữa các khối lớn với nhau trên thế giới, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…
Tiến sĩ Quang A lưu ý đến tình trạng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.
Ông nói: “Nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng đến cả thế giới. Muốn duy trì tăng trưởng cao, tôi nghĩ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU là rất quan trọng”.
Trong khi Việt Nam chịu thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, lên tới hơn 34 tỷ đô la trong năm 2019, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Thông qua hiệp định EVFTA, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ đô la, chiếm 22% GDP toàn cầu, trang Thông tin Chính phủ nhận xét hôm 8/6.
Đánh giá chung, tiến sĩ Quang A tiên liệu với VOA rằng EVFTA sẽ làm cho xuất khẩu của Việt Nam “hiệu quả hơn” và quan hệ giữa Việt Nam và EU “sẽ tốt lên”, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng hiệp định giúp “tạo công ăn việc làm”.
Trang Thông tin Chính phủ dự báo hôm 8/6 rằng EVFTA sẽ giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm ở Việt Nam.
Cùng loan tin về việc quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA, trang Facebook của phái đoàn EU ở Hà Nội nói khi có hiệu lực, EVFTA sẽ mang lại những tác động “tích cực ngay lập tức” cho các doanh nghiệp ở cả Việt Nam và châu Âu.
Kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực, việc cắt giảm thuế quan sẽ áp dụng cho 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa mà EU nhập khẩu từ Việt Nam, Facebook của phái đoàn cho biết.
Do tác động từ việc cắt giảm thuế, phía Việt Nam dự báo tổng mức giảm thu ngân sách là “trên 2.500 tỷ đồng”. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư, thương mại được kỳ vọng sẽ sôi động hơn, với tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, đem lại tăng thu nội địa “khoảng 7.000 tỷ đồng” trong giai đoạn 2020-2030, Thông tin Chính phủ đặt ra dự kiến.
EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, trang Facebook của chính phủ Việt Nam nhận định.
Từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, EVFTA có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 4,57-5,3%, và hơn 7% đến gần 8% cho giai đoạn từ năm thứ 11 đến năm thứ 15 thực hiện hiệp định.
Việt Nam xem EVFTA là cơ hội để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ, Thông tin Chính phủ cho biết.
Nói về lợi ích mà hiệp định mang lại cho khối châu Âu, phía Việt Nam dự báo nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33% vào năm 2025 và gần 37% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.
Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam cách đây 4 tháng, vào hồi đầu tháng 2, bất chấp cảnh báo của một số thành viên nghị viện về mối đe dọa đối với việc làm ở EU, và của các tổ chức bênh vực nhân quyền và xã hội dân sự về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Việt Nam, hiệp định EVFTA chứa đựng các điều khoản theo đó Việt Nam cam kết sẽ thông qua hai dự luật về bãi bỏ lao động cưỡng bức và cho phép tự do lập hội.
Ngoài ra, có một điều khoản quy định rằng thỏa thuận thương mại này sẽ bị đình chỉ “nếu có vi phạm nhân quyền”.
Tuy nhiên, trong quá trình đưa tin về hiệp định này, VOA nhận thấy các tổ chức bảo vệ nhân quyền không giấu thái độ hoài nghi về khả năng EVFTA có ảnh hưởng tích cực tới tình hình nhân quyền còn bị xem là tồi tệ ở Việt Nam.