Phải đến một năm sau Đại hội XII của đảng cầm quyền, những nhân vật mà trước đó đã nằm trong “phương án nhân sự của Tổng Bí thư trình ra Ban Chấp hành Trung ương” mới có vài dấu hiệu thoát ly dần khỏi quỹ đạo “cầm tay chỉ việc” của đảng. Trong số những nhân vật này có bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Xuân Phúc.
Vũ Huy Hoàng có hy vọng thoát ‘cửa tử’?
Biểu hiện rõ nhất cho đến nay đã xuất hiện vào những ngày cuối năm. Tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/12/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 3 nội dung bị rút khỏi chương trình nghị sự, trong đó một nội dung được dư luận chú ý là dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu. Bà Kim Ngân cho rằng “đây là nội dung quan trọng cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo nên Chính phủ chưa kịp chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 này như dự kiến”.
Vũ Huy Hoàng - cựu bộ trưởng ngành công thương bị dư luận xem là tội đồ về đủ thứ chuyện bê bối liên quan đến nhập khẩu phi mã từ Trung cộng, để các nhóm đầu cơ xăng dầu và điện lực tự tung tự tác trong quá nhiều năm, để các đập thủy điện xả lũ giết chết dân, các công trình đầu tư ngàn tỷ và đắp chiếu - trớ trêu thay, lại đang manh nha có cơ hội thoát án tù.
“Quốc hội phê phán thế đã đủ đau chưa!” – phát biểu có vẻ hả hê của Tổng Bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngay sau kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016 lại đang có nguy cơ bị thu hồi. Thậm chí khi nêu vấn đề rút dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu, bà Kim Ngân còn chẳng nêu ra một thắc mắc hay đưa ra một phê phán nào trước sự chậm trễ và thái độ không “nhiệt tình cách mạng” của phía Chính phủ.
Trước kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016, đã diễn ra một Hội nghị Trung ương rất quan trọng đối với Tổng Bí thư Trọng về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trong đó nhấn mạnh vụ Trịnh Xuân Thanh đào tẩu và ám chỉ Vũ Huy đưa Hoàng phải “chết thế”. Sau hội nghị này, cái tên Vũ Huy Hoàng được nhiều tờ báo nhà nước nhắc đi nhắc lại như một lối tuyên truyền đã được đảng quán triệt. Vào thời gian đó, số phận của Vũ Huy Hoàng rất mong manh. Thậm chí có tờ báo còn lấy ý kiến cho rằng “cứ có sai phạm là đi bệnh viện”, ám chỉ ông Hoàng đi chữa bệnh dài ngày và như một cách đòi hỏi ngành công an phải khẩn trương “ra tay”.
Tuy vậy, tình hình gần đây lại có vẻ “đảo chiều”. Sau vụ bỏ trốn mới nhất ra nước ngoài của nhân vật Lê Chung Dũng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), bầu không khí “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng dường như “xẹp” hẳn. Cũng không thấy báo chí nhà nước còn ồn ào về vụ Vũ Huy Hoàng.
Thái độ có vẻ bàng quan của phía Quốc hội, và đặc biệt của phía Chính phủ đối với vụ “truy tố Vũ Huy Hoàng”, đang cho thấy một sức cản ngày càng lớn đối với quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng. Lực cản đó đã ít nhất một lần được bộc lộ khi Bộ Nội vụ - cơ quan chuyên trách về quản lý nhân sự của Chính phủ - đã có vẻ lần khân khi thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư về làm rõ quy trình bổ nhiệm Vũ Đình Duy của PVN.
Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu chắc hẳn lại được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo. Nếu cơ quan này tiếp tục lần khân, sẽ chẳng có cơ chế nào để xử lý Vũ Huy Hoàng về hành chính và hình sự.
‘Trống đánh xuôi kèn thổi ngược’
Trước khi xảy ra hiện tượng cả Chính phủ lẫn Quốc hội đều không quá mặn mà với việc ban hành Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu, đã có một biểu hiện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khác.
Trong khi Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương, ban hành ngày 1/11/2016, đã “định hướng” cho Quốc hội là sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để giải quyết nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế, thì tại kỳ họp diễn ra ngay sau đó, Quốc hội lại có một bản nghị quyết khác về kế hoạch tài chính, trong đó chính thức xác định không dùng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.
Đây là một lần hiếm hoi mà Quốc hội đã không “gật vô thức” như bao nhiêu lần trước, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương theo tinh thần “cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp” như Tổng Bí thư Trọng từng khẳng định.
Câu hỏi cần đặt ra là chính trường Việt Nam sẽ ra sao nếu cả Chủ tịch Ngân lẫn Thủ tướng Phúc đều đang có khuynh hướng tách khỏi cái bóng của Tổng Bí thư và khỏi sự can thiệp quá sâu của các cơ quan đảng?
‘Kẻ ăn ốc người đổ vỏ’
Cho tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Quốc hội của bà Kim Ngân và chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đang chuyển sang quan điểm “lấy dân làm gốc”. Bằng chứng rất rõ ràng là toàn bộ những khuất tất và hậu quả kinh khủng của vụ Formosa xả thải ở miền Trung đã bị các cơ quan chính phủ giấu biến, còn Quốc hội thậm chí không có một tuyên bố có tính phục thiện nào về biến cố kinh hoàng này.
Do đó, những dấu hiệu của Chính phủ và Quốc hội muốn tách dần khỏi quỹ đạo của đảng chưa có gì có thể được xem là “dân nguyện”. Bài học quá cay đắng mà nhiều người dân đã tích lũy được là đã từ lâu Chính phủ và Quốc hội chỉ còn mang danh phận của những nhóm lợi ích và quyền lực cá nhân, đến nay vẫn chưa có gì được cải thiện.
Không khó lý giải việc Quốc hội ra nghị quyết về không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu: một khi ngân sách đã chẳng còn kết dư nào, những gì còn lại phải ưu tiên cho kế sinh nhai của các cơ quan đảng và nhà nước. Nếu ra nghị quyết dùng ngân sách để mua nợ xấu trong khi ngân sách đã cạn kiệt thì chỉ càng khiến công luận phẫn nộ và chĩa mũi dùi vào trách nhiệm của Quốc hội.
Cũng không loại trừ vụ Vũ Huy Hoàng manh nha thoát “cửa tử” lại là một ưu ái của những nhóm quyền lực và lợi ích nào đó. Bứt dây động rừng!
Lý do còn lại khiến Chính phủ và Quốc hội muốn tách dần quỹ đạo của đảng thuộc về ý thức hệ. Nhiều người cho rằng rất có thể trong bộ máy đảng chỉ còn mình Tổng Bí thư Trọng là còn đủ lạc quan để hy vọng “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”. Nhưng thực tiễn vô cùng phũ phàng lại phản ánh một thực tế gần như trái ngược: tham nhũng “vẫn ổn định”, nợ công và nợ xấu vượt mặt, chi ngân sách vẫn “nâng lên một tầm cao mới” nhưng thu ngân sách lao dốc, ô nhiễm môi trường lan rộng, phản kháng xã hội tràn ngập, nền đạo đức xuống đáy… Chưa kể cái họa phương Bắc treo lơ lửng. Tất cả đều bế tắc!
Người phải chịu trách nhiệm khốn khổ nhất là chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hớn hở nhận lẵng hoa chúc mừng từ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi bàn giao quyền lực, có lẽ ông Phúc đã không thể ngờ về hậu vận “kẻ ăn ốc người đổ vỏ” dành cho ông hiện nay và những năm tháng mệt nhoài sắp tới.
Trong tình thế quá khẩn trương như vậy, việc hô hào về chủ nghĩa xã hội hay “đất nước mình có bao giờ được thế này không” hẳn đã được tuyệt đại đa số giới quan chức kim tiền nhận chân là không thể ảo tưởng hơn. Chỉ có điều, vẫn chưa ai dám nói thẳng ra sự thật trắng trợn ấy.
Vụ Nguyễn Bá Thanh vào nửa cuối năm 2014, vụ Phùng Quang Thanh vào nửa cuối năm 2015, vụ Trịnh Xuân Thanh nửa cuối năm 2016, nhưng ghê gớm hơn cả là vụ “cả ba bị bắn” tại Yên Bái ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ mới tuyên thệ… Nhiều chỉ dấu về giai đoạn cuối cùng đã lộ ra quá rõ. Nếu cứ khư khư ôm ấp quá khứ, làm sao để tìm ra lối thoát?
Lối thoát cho chính thể, nhưng trên hết là lối thoát cá nhân.
Giờ đây là năm 2017 chứ không phải là 2007. Có lẽ cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều thấy rõ những gì mà họ sẽ phải đối mặt trong những ngày tháng đang cận kề.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.