Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ Covid 892 tỷ USD

Điện Capitol, trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ ở thủ đô Washington, ngày 23/12/2020, giữa lúc Thượng viện Mỹ đang đàm phán gói cứu trợ để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. (Photo by SAUL LOEB / AFP)

Sau nhiều tháng án binh bất động, Quốc hội Hoa Kỳ hôm 21/12 thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 892 tỷ đô la, cứu nguy nền kinh tế đang bị đại dịch tàn phá. Quốc hội cũng thông qua ngân sách hoạt động cho chính phủ liên bang.

Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ ký thành luật gói cứu trợ này.

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, lưỡng viện lập pháp đã làm việc thâu đêm để thông qua dự luật - trị giá khoảng 2,3 nghìn tỷ đô la bao gồm cả chi tiêu cho phần còn lại của năm tài chính. Hạ viện chuẩn thuận gói cứu trợ này và Thượng viện theo chân vài giờ sau đó với đa số 92-6, một cuộc biểu quyết được sự ủng hộ của cả hai đảng.

Dự luật cứu trợ Covid-19 gồm một ngân khoản 600 đô la cho hầu hết người Mỹ và các khoản chi bổ sung cho hàng triệu người bị mất việc trong đại dịch COVID-19, đạt được ngay vào lúc một đợt trợ cấp còn lớn hơn sắp sửa hết hạn hôm thứ Bảy.

Gói kích thích kinh tế, khoản cứu trợ đầu tiên được Quốc hội thông qua từ tháng Tư, được tung ra trong bối cảnh đại dịch đang tiếp tục lây lan mạnh ở Hoa Kỳ, lây nhiễm cho hơn 214.000 người mỗi ngày và kéo chậm đà phục hồi kinh tế. Cho tới nay, hơn 317.000 người Mỹ đã chết vì dịch Covid-19.

WASHINGTON, DC ngày 20/12/2020. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (D-CA) phát biểu tại cuộc họp báo ở Điện Capitol.


Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một thành viên Đảng Dân Chủ, nói bà ủng hộ dự luật cứu trợ Covid-19 mặc dù gói cứu trợ này không bao gồm một khoản cứu trợ trực tiếp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương, là điều mà đảng Dân chủ đã vận động. Bà cho biết sẽ thử lại thời vận sau khi Tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ Joe Biden lên nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

Bà nói gói cứu trợ "không đi hết đoạn đường nhưng nó đưa chúng ta đi theo đúng hướng."

Đại diện đảng Cộng hòa Hal Rogers cũng ủng hộ gói cứu trợ này, nói rằng "nó phản ánh một sự thỏa hiệp công bằng."

Dài tới 5.593 trang, dự luật cứu trợ Covid sẽ chi 1,4 nghìn tỷ đô la vào một loạt chương trình liên bang cho đến cuối năm tài chính vào tháng 9, có thể là đạo luật quan trọng cuối cùng của Quốc hội thứ 116. Quốc hội cũng bao gồm một biện pháp để tiếp tục duy trì mức chi tiêu hiện tại của chính phủ liên bang trong bảy ngày, để đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động của chính phủ liên bang.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (R-KY), Lãnh tụ khối đa số tại Thượng Viện tới Điện Capitol để đàm phán gói cứu trợ COVID-19 ngày 23,/3/2020. REUTERS/Joshua Roberts


Cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hòa, đều tuyên bố chiến thắng nhưng Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, đảng viên Đảng Cộng hòa, cho rằng dự luật chung cuộc gần giống như những gì mà Đảng Dân chủ đã bác bỏ nhiều tháng trước dây vì cho là không đủ.

Gói cứu trợ này ít hơn nhiều so với gói cứu trợ 3 nghìn tỷ USD đã được kêu gọi trong dự luật được Hạ viện - vốn do đảng Dân chủ kiểm soát, thông qua hồi tháng 5 nhưng bị Thượng viện -do đảng Cộng hòa kiểm soát-. Gạt bỏ.

Cứu trợ giới Tiểu thương

Dự luật còn gia hạn chương trình cho doanh nghiệp nhỏ vay khoảng 284 tỷ đô la và tiếp sức cho các trường học, hãng hàng không, hệ thống vận chuyển và phân phối vắc xin.

Chương trình tài trợ và cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ, được gọi là Chương trình Bảo vệ tiền lương, sẽ loại trừ các công ty giao dịch công khai trên sàn chứng khoán.

Nếu được ký thành luật, dự luật này sẽ là gói kích thích kinh tế lớn thứ nhì trong lịch sử Hoa Kỳ, sau dự luật viện trợ khoảng 2 nghìn tỷ USD được thông qua vào tháng Ba.