Chính phủ Ankara cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu quốc hội Đức thông qua một nghị quyết để tố cáo giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Đế quốc Ottoman phạm tội diệt chủng đối với người Armenia thiểu số. Thông tín viên Dorian Jones của đài VOA tại Istanbul gửi về bài tường thuật.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hôm 1/6 đả kích việc quốc hội Đức chuẩn bị biểu quyết về một nghị quyết để tố cáo các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Đế quốc Ottoman phạm tội diệt chủng đối với người Armenia thiểu số vào năm 1915.
Ông Yildirim nói: "Cuộc biểu quyết đó hết sức phi lý và hoàn toàn không có cơ sở. Vụ đó là một vụ việc thông thường, có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào vào năm 1915 trong tình hình của Thế chiến Thứ nhất. Nếu nghị quyết đó được thông qua, thì đương nhiên là các mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức sẽ bị tổn hại. Chắc chắn là như vậy."
Lời cảnh báo của ông Yildirim được đưa ra tiếp theo sau những lời lẽ còn cứng rắn hơn nữa của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Hôm 31/5 vừa qua, ông Erdogan nói sẽ có những hậu quả nghiêm trọng nếu Đức công nhận vụ thảm sát người Armenia là một vụ diệt chủng.
Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn nhất mực cho rằng những người bị giết hại trong vụ giết người hàng loạt vào năm 1915 đã chết vì một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, có hơn 20 quốc gia, trong đó có một số nước ở Âu châu, công nhận vụ giết hại đó là một vụ diệt chủng.
Ông Cengiz Aktar, giáo sư chính trị học của Đại học Suleyman Sah ở Istanbul, cho rằng tuy Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa như vậy, nhưng sẽ không có những hậu quả lâu dài.
Ông Aktar phát biểu: "Có những lời lẽ cứng rắn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thành thật mà nói, tôi không nghĩ là sẽ có một phản ứng kịch liệt từ phía Ankara. Nếu nghị quyết được thông qua, và đó là một việc có phần chắc sẽ xảy ra, thì sẽ có rất nhiều những lời lẽ tuyên truyền mang tính chất dân tộc cực đoan để phục vụ cho những mục tiêu chính trị quốc nội của Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ họ sẽ triệu hồi đại sứ."
Một trong những lý do chính được nêu ra để hậu thuẫn cho lập luận cho rằng quan hệ song phương sẽ không bị thiệt hại nhiều là Đức quá quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà bình luận Semih Idiz của nhật báo Cumhuriyet cho rằng Ankara không có nhiều lựa chọn khi muốn trả đũa nước Đức: "Thổ Nhĩ Kỳ không thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức, vì có 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở Đức. Họ không thể áp dụng các biện pháp chế tài chống lại các công ty Đức, vì làm như vậy thì chẳng khác nào lấy súng bắn vào chân của mình. Rất nhiều công ty Đức có một bộ phận Thổ Nhĩ Kỳ ở bên trong, hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ."
Ankara tin rằng đòn bẩy ngoại giao quan trọng nhất của họ đối với Âu châu là một thoả thuận đạt được hồi gần đây với Liên hiệp Âu châu về vấn đề di dân, làm cho số người tị nạn nhập cảnh vào Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ sút giảm đáng kể.
Các nhà quan sát cho rằng thoả thuận này đặc biệt quan trọng đối với Thủ tướng Angela Merkel của Đức, là người đang ra sức ngăn chặn làn sóng người di dân tràn vào nước Đức. Nhà bình luận Idiz nói Ankara có phần chắc sẽ tránh gây tổn hại cho thoả thuận di dân.
Ông Idiz nói: "Đồng ý là Đức lệ thuộc vào thoả thuận di dân. Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng thoả thuận này như một cây gậy: nếu quí vị không thực thi nghĩa vụ của mình, thì chúng tôi sẽ không thực thi nghĩa vụ của chúng tôi. Tuy nhiên, vấn đề di dân, vấn đề tị nạn, không phải là vấn đề của một bên. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có vấn đề này, cho nên dù muốn dù không, họ sẽ phải có được một sự giàn xếp nào đó với Âu châu để tìm cách giải quyết vấn đề."
Các nhà phân tích nói rằng Ankara có phần chắc sẽ không dùng thoả thuận di dân để gây sức ép lên nước Đức về vấn đề liên quan tới vụ thảm sát người Armenia. Nhưng rất có thể là họ sẽ dùng thoả thuận này để đạt được một mục tiêu quan trọng hơn: (đó là) đòi Liên hiệp Âu châu thực thi cam kết dành quyền du hành miễn thị thực cho công dân của Thổ Nhĩ Kỳ.