Chính quyền Myanmar ngày thứ Bảy đình chỉ các luật hạn chế lực lượng an ninh bắt giữ các nghi phạm hoặc khám xét tư gia mà không được tòa án chấp thuận và ra lệnh bắt giữ những người ủng hộ có tiếng của các cuộc biểu tình chống đảo chính trong tháng này.
Một loạt các thông báo được đưa ra vào ngày thứ tám các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc chống lại việc chiếm quyền và câu lưu nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi vào ngày 1 tháng 2, chặn đứng tiến trình chuyển tiếp bấp bênh sang nền dân chủ bắt đầu vào năm 2011, theo Reuters.
Những thông báo này gợi nhớ tới nền cai trị gần nửa thế kỉ của quân đội trước khi các cải cách bắt đầu, khi quốc gia Đông Nam Á này là một trong những quốc gia áp chế và bị cô lập nhất thế giới.
Một sắc lệnh do Tướng Min Aung Hlaing kí ban hành đình chỉ ba phần của luật “bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của công dân,” được ban hành trong quá trình tự do hóa dần dần.
Các phần đó bao gồm quy định phải có lệnh của tòa án để giam giữ tù nhân quá 24 giờ và các ràng buộc đối với khả năng của lực lượng an ninh khi vào tư gia để khám xét hoặc bắt giữ. Việc đình chỉ cũng cởi bỏ những hạn chế về việc do thám liên lạc.
Thông cáo không đưa ra ngày cụ thể việc đình chỉ sẽ chấm dứt.
Cuộc đảo chính đã dẫn tới các cuộc biểu tình đường phố lớn nhất trong hơn một thập niên và bị các nước phương Tây lên án, với việc Mỹ công bố một số chế tài nhắm vào các tướng lĩnh cầm quyền và các nước khác cũng đang cân nhắc các biện pháp.
Trong khi các cuộc biểu tình chống đảo chính lại bùng lên ở thành phố lớn nhất là Yangon, thủ đô Naypyitaw và các nơi khác vào ngày thứ Bảy, quân đội cho biết lệnh bắt giữ đã được đưa ra đối với bảy người chỉ trích sự cai trị của quân đội được nhiều người biết tiếng về những bình luận của họ trên mạng xã hội.
Trong danh sách truy nã là Min Ko Naing, 58 tuổi, người đã bị bỏ tù suốt phần lớn thời gian từ năm 1988 đến 2012, và là người nổi bật trong việc khuyến khích các cuộc biểu tình và phong trào bất tuân dân sự, theo Reuters.
Các cuộc biểu tình ủng hộ bà Suu Kyi và cuộc bầu cử lại bùng lên trên khắp Myanmar vào ngày thứ Bảy bất chấp chính quyền quân sự kêu gọi mọi người tránh tụ tập đông người vì dịch virus corona.
Chính quyền quân sự cũng kêu gọi các công chức ủng hộ chiến dịch bất tuân dân sự quay trở lại làm việc, kèm theo lời đe dọa có thể có hành động kỉ luật đối với những người không tuân thủ.
Văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ngày thứ Sáu cho biết hơn 350 người đã bị bắt ở Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính.