Quân đội Myanmar cho hơn 100 lính trẻ em giải ngũ

Các nhà phân tích nói không rõ có bao nhiêu trẻ em trong quân đội của Myanmar

Quân đội Myanmar đã cho giải ngũ 109 lính trẻ em, đây là vụ giải ngũ lớn nhất kể từ khi chính phủ đồng ý cách đây 2 năm ngưng sử dụng lính trẻ em. Tháng trước, 91 lính trẻ em đã được cho giải ngũ. Kể từ lúc chính phủ ký một thoả thuận với Liên Hiệp Quốc chấm dứt việc đăng ký nhập ngũ trẻ em mới có 10 tuổi, quân đội đã cho giải ngũ 472 trẻ em. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật rằng các tổ chức nhân quyền nói các em vị thành niên thuộc các gia đình nghèo vẫn còn bị chính phủ, cũng như các phiến quân chống chính phủ, tuyển mộ.

Các em được giải ngũ hôm qua đều dưới 18 tuổi khi Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, ký một thoả thuận với Liên Hiệp Quốc năm 2012 đề ra các biện pháp ngưng tập tục này.

“Đây là vụ cho giải ngũ lớn nhất kể từ khi ký thoả thuận và chúng tôi cũng rất lấy làm vui mừng nhận thấy chúng ta đã chứng kiến một sự tăng tốc trong việc cho trẻ em và các thiếu niên giải ngũ, nhất là trong vòng 11, 12 tháng vừa qua.”

Đó là nhận định của ông Bertrand Bainvel, đại diện UNCIEF ở Myanmar. Ông hoan nghênh việc cho xuất ngũ, nhưng nói rằng tập tục tuyển mộ trẻ em phải được xoá bỏ hoàn toàn.

“Những con số lớn hơn các trẻ vị thành niên được tuyển một đang diễn ra trong Tatmadaw (chính phủ), và các đạo quân nhỏ hơn từ các tổ chức phi chính phủ. Phải nói là, rõ ràng đối với chúng tôi các đạo quân phi chính phủ có nghĩa vụ chính xác tương tự”.

Quân đội Myanmar đã điều hành đất nước trong khoảng 50 năm và bị quốc tế lên án vì đàn áp nhân quyền, bao gồm việc sử dụng lính trẻ em.

Những người tuyển mộ cho quân đội khổng lồ của nước này thường bắt các bé trai ở những nơi công cộng như trạm xe buýt và chợ, buộc chúng tham gia vào quân đội mà không xin phép cha mẹ chúng. Bà San Myint là mẹ của một lính trẻ em nói:

“Thật là không thể chịu nổi đối với tôi khi nghĩ về điều này. Tôi thậm chí không tưởng tượng được là họ bắt đứa con không đủ tuổi của tôi vào quân đội”.

Một khi đã nhập ngũ, các bé trái thường bị đẩy vào các tình huống tác chiến. Min Thu, một cựu lính trẻ em cho biết:

“Ở khu vực giao tranh đó, có nhiều lính từ cả hai phía bị bắn, hoặc bị mất chân hoặc đầu vì giao tranh. Cháu đã rất sợ khi nhìn thấy họ và chạy khỏi nơi đó và nằm xuống dưới bụi cây bởi vì cháu không có chút kinh nghiệm nào. Do đó cháu phải nằm xuống”.

Kể từ năm 2011, khi tân chính phủ dân sự lên nắm quyền, Myanmar đã bắt đầu cuộc chuyển tiếp dân chủ và hợp tác với phương Tây. Từ bỏ thực hiện tuyển mộ trẻ em là một trong những đòi hỏi cao nhất.

Liên Hiệp Quốc cho biết các bé trai không đủ tuổi vẫn đang bị tuyển mộ nhưng tỉ lệ đã giảm đi. Một số gia đình nghèo muốn kiếm thêm thêm thu nhập từ đứa con trai gia nhập quân đội. Một số khác cho biết những người tuyển mộ đã làm lóa mắt các bé trai với những câu chuyện huyền thoại về số tiền mà chúng sẽ kiếm được.

Việc tuyển mộ thường được hỗ trợ bởi những kẻ môi giới cung cấp các tài liệu giả mạo, khiến cho việc xác định có bao nhiêu lính trẻ em gia nhập trở nên khó khăn hơn.

Trước năm 2012, có khoảng 20% lính Myanmar dưới 18 tuổi, khiến Myanmar trở thành quốc gia có số lính trẻ em cao nhất thế giới.

Các nhóm nhân quyền cho biết có đến 300.000 trẻ em không đủ tuổi hiện đang tham gia trong các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới.