Quân đội Mỹ ngày 19/7 vẫn đang ráo riết xác định số phận của một binh sĩ Mỹ vượt biên trái phép qua biên giới liên Triều để vào Triều Tiên.
Quân đội Hoa Kỳ xác định người lính đó là Binh nhì Travis T. King, nhập ngũ vào năm 2021 và đang đối mặt với việc bị kỷ luật thì chạy vào lãnh thổ Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong tour tham quan Khu vực An ninh Chung (JSA) ở biên giới giữa hai miền Triều Tiên, ông King đã đi vào Triều Tiên hôm 18/7 “một cách có chủ ý và trái phép”.
“Chúng tôi tin rằng ông ấy đang bị (Triều Tiên) giam giữ và vì vậy chúng tôi đang theo dõi và điều tra chặt chẽ tình hình, đồng thời làm việc để thông báo cho thân nhân ông ta”, Bộ trưởng Austin nói.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên không đề cập đến vụ việc này. Phái bộ của nước này tại Liên hiệp quốc ở New York không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
Vụ này diễn ra giữa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, với việc một tàu ngầm phi đạn đạn đạo có trang bị hạt nhân của Mỹ cập cảng Hàn Quốc hôm 18/7 và vụ phóng thử hai phi đạn đạn đạo của Triều Tiên vào sáng sớm ngày 19/7.
Quân đội Hàn Quốc cho biết hai phi đạn tầm ngắn được bắn từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng, bay xa 550 km và 600 km trước khi lao xuống biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.
Triều Tiên ngày càng thử nghiệm các phi đạn mạnh hơn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm một phi đạn đạn đạo liên lục địa mới nhiên liệu rắn vào tuần trước.
Phát ngôn viên của Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cho biết Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc (UNC), cơ quan giám sát an ninh cho khu vực biên giới, đã liên lạc qua đường dây nóng với phía Triều Tiên về vụ lính Mỹ vượt biên giới.
Đại tá Isaac Taylor cho hay quân đội Hoa Kỳ đang làm việc với phía Quân đội Nhân dân Triều Tiên để giải quyết vụ việc.
“Chúng tôi liên lạc với người Triều Tiên mỗi ngày,” ông nói. “Tất cả đều trong khuôn khổ của hiệp định đình chiến.”
Những rắc rối về pháp lý
Các quan chức Mỹ cho biết người lính này đang tham gia tour tham quan làng đình chiến Bàn Môn Điếm thì băng qua Đường Phân giới Quân sự vốn chia cắt hai miền Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 bằng một hiệp định đình chiến.
Không rõ động cơ của ông ta là gì. Trong thời gian đồn trú ở Hàn Quốc, ông này từng bị tố cáo có hành động tấn công và làm hư hỏng một chiếc xe cảnh sát trong một vụ việc hồi tháng 10 năm ngoái. Ông ta đã nhận tội và bị phạt hồi tháng 2 năm nay, theo một tài liệu tòa án mà Reuters xem được.
Hai quan chức Mỹ cho biết ông King đã mãn hạn bị giam phạt và được quân đội Mỹ chở ra sân bay để trở về đơn vị ở quê nhà.
Một quan chức cho biết ông ta đã một mình đi qua cổng an ninh và sau đó bỏ trốn. Một quan chức nói các chuyến tham quan dân sự đến khu phi quân sự (DMZ) được quảng cáo tại sân bay và ông King dường như quyết tâm tham gia tour này.
Các quan chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết người lính này sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật của quân đội Hoa Kỳ. Không rõ liệu điều đó có liên quan đến vụ việc hồi tháng 10 năm ngoái hay không.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các mối quan hệ với Triều Tiên, cho biết tất cả các chuyến tham quan tới Bàn Môn Điếm đã bị hủy vô thời hạn theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc. Nhưng Imjingak ở Paju nơi đánh dấu điểm cuối con đường ngay trước cây cầu do quân đội kiểm soát dẫn vào DMZ vẫn nhộn nhịp du khách.
Không rõ chính quyền Triều Tiên sẽ giữ binh sĩ này trong bao lâu nhưng các nhà phân tích cho rằng vụ việc có thể mang giá trị tuyên truyền cho đất nước bị cô lập này.
Sự việc xảy ra khi các quan chức cấp cao của Hàn Quốc và Mỹ tổ chức vòng đàm phán đầu tiên vào ngày 18/7 về việc nâng cấp sự phối hợp trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên.
Hoa Kỳ đã cam kết triển khai thêm các khí tài chiến lược như tàu sân bay, tàu ngầm và máy bay ném bom tầm xa tới Hàn Quốc, khiến Bình Nhưỡng phản ứng giận dữ và thề sẽ leo thang phản ứng.
Một cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên đào tị sang Hàn Quốc cho biết ông King có thể là công cụ tuyên truyền cho Triều Tiên và làm mất mặt Mỹ.
Ông Tae Yong-ho, một thành viên của quốc hội Hàn Quốc, cho biết: “Nhưng nhìn vào các trường hợp trước đây về chuyện quân nhân Mỹ đi vào Triều Tiên thì việc giam giữ một người lính Mỹ, xét về lâu dài, có lẽ là một chuyện đau đầu không đáng bỏ công cho Triều Tiên.”