Trần An-Bee
Tôi bắt đầu tiết dạy của mình bằng việc cám ơn một cô bé Lớp 1 vì đã chia sẻ với tôi một thông điệp rất dễ thương trên huy hiệu nhỏ trên áo của cô bé. Thông điệp đó như thế này: “Trường học là nơi để thể hiện lòng tốt”. Thông điệp này đã khiến tôi thay đổi kế hoạch của bài giảng ngày hôm đó. Thay vì chia sẻ về những điều khiến ta biết ơn, tiết học đã được thay đổi để nói về những điều các em yêu thích về nhà trường.
Lấy ý tưởng từ quyển truyện tranh thiếu nhi “Sao lại gọi đó là tình yêu?” (Davide Cali & Anna Laura Cantone), tôi vẽ hình một trái tim to trên bảng, ở giữa có cụm từ: “Trường học là nơi …” và yêu cầu các em nhắm mắt suy nghĩ về một điều mà các em nghĩ về nhà trường và hoàn thành câu trên. Sau đó các em chia sẻ suy nghĩ của mình với cả lớp, các ý sau không được trùng lặp với những ý đã chia sẻ trước. Các câu trả lời của các em đều bắt đầu bằng cụm từ tôi đã cho. Các câu trả lời đại khái là như thế này: “Trường học là nơi yêu thương; chia sẻ; học kiên nhẫn; thể hiện sự tự lập; vui vẻ; hạnh phúc; nghịch ngợm; học là chính mình; học lắng nghe; và học can đảm v.v.
Tôi ngạc nhiên và thật vui vì sự trong sáng đơn sơ nhưng cũng chứa đựng cả sự sâu sắc của các em. Những gì trao đổi trong tiết học đầu ngày này đã ảnh hưởng tích cực đến tâm lý học tập và vui chơi của các em. Suốt ngày hôm đó, các em đã làm việc rất hiệu quả trong tất cả các tiết học và các sinh hoạt vui chơi, nghệ thuật. Các em thường xuyên nói và thể hiện những gì các em đã chia sẻ vào đầu ngày với nhau. Tôi cũng đem ý tưởng này để dạy trong các tiết học với các học sinh Lớp 2 – 6. Tất cả đều đem lại kết quả tích cực.
Thật ra các suy nghĩ này thể hiện quan điểm và thái độ sống. Việc làm thế nào đưa các khái niệm này vào trong các bài dạy và thúc đẩy việc thực hành nó một cách tự nhiên thì ở mỗi quốc gia, mỗi hệ thống giáo dục sẽ có cách giảng dạy và thực hiện khác nhau. Ngoài xã hội cũng thế, mỗi tổ chức xã hội hay mỗi cộng đồng, hội nhóm cũng sẽ có những cách phổ biến và thực hành quan điểm sống khác nhau. Ở Việt Nam, một người bạn của tôi đang dạy học ở một trường trung học cho biết, đây là những đề tài của môn đạo đức, nhưng chỉ được dạy phần khái niệm mà thôi.
Mark Victor Hansen là người được biết đến nhiều qua bộ sách Súp gà cho tâm hồn. Ông cũng được biết đến như một hiện tượng vì bộ sách này của ông đã xuất bản hơn 500 triệu bản và được dịch ra hơn 54 thứ tiếng (Time Magazine). Mark cho rằng quan điểm sống của bạn thế nào thì thế giới và cuộc sống của bạn là thế ấy. Nó chính là nền tảng cho thành công cũng như thất bại của bạn. Tuy vậy, ông cũng khẳng định rằng, dù quan điểm sống của bạn điều khiển bạn, nhưng bạn cũng chính là người có thể điều khiển nó, nếu bạn luyện tập. Có lẽ đó chính là lý do mà bộ sách Súp gà cho tâm hồn đã ra đời để hy vọng những thông điệp tốt đẹp trong đó sẽ được người ta đọc, suy ngẫm và thấm vào trong cuộc sống của họ, rồi thể hiện qua hành động đối nhân xử thế của bản thân.
Vậy, quan điểm sống ảnh hưởng như thế nào trên cách mà cá nhân bạn thể hiện và cách người khác thấy nơi bạn hay nhận xét về công việc của bạn?
Quan điểm sống của bạn sẽ có thể được nhận thấy thứ nhất là qua sự thể hiện bằng nụ cười hay sự cáu gắt nơi bạn, tức là vẻ mặt của bạn. Thứ hai là nơi giọng điệu của bạn, ví dụ như cách bạn lên xuống giọng khi trò chuyện sẽ cho biết bạn thân thiện, nhiệt tình hay sự hằn học bên trong lời nói của bạn. Thứ ba là do thái độ của bạn đối với công việc, ví dụ bạn là người luôn cẩn trọng hay cẩu thả trong công việc được giao, sản phẩm được bạn tạo ra – từ việc nhỏ nhất, tầm thường nhất cho đến việc to lớn hay quan trọng – đều sẽ cho người khác nhận ra thái độ làm việc của bạn có nhiệt tâm hay chỉ làm cho xong.
Trong cuộc sống, rất nhiều khi ta nhận thấy rằng cách mà ta nhìn nhận về cuộc sống và công việc, cả tiêu cực và tích cực, đều có ảnh hưởng cách này cách khác đến hiệu quả giao tiếp, hiệu quả công việc, sự hạnh phúc hay bất hạnh và sự hài lòng hay thất vọng của ta với cuộc sống và với công việc đó. Nó cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm, thể, lý và cả hình ảnh của ta trong mắt người khác nữa. Người khác sẽ vui vẻ hay không khi làm việc với ta cũng đều do quan điểm sống của ta và cách mà ta thể hiện nó. Đôi khi chỉ nhìn vào cách ta đối xử với cây cỏ hoa lá, người khác đã có thể thấy tin tưởng và cất nhắc ta trong công việc.
Ở Việt Nam người ta gọi tên điều này là tự kỷ ám thị. Đây cũng là cách hiểu nôm na về cách thực hành quan điểm sống. Đó là cách bạn tự tâm niệm, tự thôi miên bản thân về điều gì đó để khuyến khích bản thân đạt được nó. Kết quả của sự tâm niệm này là tốt hay xấu phụ thuộc vào điều bạn tâm niệm là tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, thực hiện tất cả điều này mà không dựa trên tính thực tế mà ảo tưởng quá nhiều đều có thể đưa đến bệnh lý.
Nghiên cứu về những quan điểm tiêu cực để xem chúng xuất phát từ đâu, Mark Victor Hansen cũng nhận thấy rằng hệ quả của những bi quan, yếm thế và thất bại trong công việc rất nhiều khi được bắt nguồn từ chính cách mà con người ta tự kỷ ám thị về những điều tiêu cực. Cách mà họ cứ suy nghĩ mãi và không chịu ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Cho đến một lúc những suy nghĩ ấy trở thành một phần của nhận thức, một phần cá tính, một phần thói quen và cách hành xử của bạn. Vì bạn đã ‘sống’ với nó quá lâu đến nỗi không hề hay biết ‘nó’ là mình và mình là ‘nó’. Việc gì đến ắt phải đến, cách bạn sống hôm nay là kết quả của bạn ngày mai.
Cũng vậy, nếu thúc đẩy và suy nghĩ, thực hành đều đặn các ý tưởng tốt đẹp, thì kết quả sẽ là những điều tích cực và sáng sủa. Ví dụ, nơi tôi đang làm việc, trong mùa dịch bệnh Covid-19 này, có những hoạt động như “kết nối trái tim” (connecting hearts) thay vì “kết nối đôi tay” (connecting hands) (vì luật giãn cách xã hội không cho phép). Tất cả mọi người trong cộng đồng trường đều vẽ những thông điệp gửi đến những ai cần và các thông điệp tốt đẹp cũng được treo khắp nơi trong trường như một hình thức để nhắc nhở. Trong các bài dạy và các cuộc thảo luận, nếu có thể cũng đều có những thông điệp này. Mỗi người tự nhủ hay “tự kỷ ám thị” để luôn nói điều tốt, làm điều hay cho nhau và cho những ai đang cần. Cách làm này đem lại hiệu ứng rất tốt trong việc dạy và nhân rộng các giá trị đạo đức và những việc làm tốt đẹp.
Một số bạn trẻ ở Việt Nam khi được hỏi tại sao mọi người đều rất sợ lây nhiễm vi rút Corona khi tập trung nơi đông người, nhưng các bạn thì không. Các bạn ấy nói rằng: cuộc sống đã thiếu niềm vui vì sự ngăn sông cấm chợ do dịch bệnh, người ta cấm tụ họp ở các quán ăn nhậu, thì tụi em phải tự tạo niềm vui cho mình bằng cách ra ngoài đồng ruộng ăn nhậu cho vui chứ. Đàng nào cũng chết, thôi thì chọn chết vui còn hơn là chết héo hon vì thiếu ‘đồng bọn’. Có những bạn làm việc cho các hãng, xưởng cũng chia sẻ: ôi, mình cứ làm việc của mình thôi, bảo may thì thì may, quần áo may ra mà bị trả lại thì công ty bồi thường chứ ảnh hưởng gì đến mình mà mình phải chăm chút cho nó; hay khi ai đó nói đến các vấn đề kinh tế chính trị xã hội, thì sẽ có người nói: lên tiếng làm gì cho mệt, cứ ai sao mình vậy cho lành!
Quan điểm và cách chọn thể hiện thái độ sống như vừa kể trên không thiếu trong xã hội nói chung, nhưng chắc chắn rằng đó không phải là quan điểm và thái độ sống của số đông người dân của những quốc gia giàu có về kinh tế, xuất sắc về y tế, hay đi đầu trong lãnh vực khoa học và giáo dục. Đó cũng chẳng thể là quan điểm sống của những người nổi tiếng hoặc có công lớn với đất nước, với xã hội như Nelson Mandala, Bill Gates, Malala Yousafzai hoặc những nhân tài Việt Nam như Phan Bội Châu, Trần Huỳnh Duy Thức hay bạn trẻ Trần Hoàng Phúc (YSEALI).
Một lần một cô bé lớp 2 chỉ vào một câu nói được viết và treo trong sân trường với một vẻ rất tâm đắc. Câu nói ấy thế này: “Sẽ là bình thường nếu bạn thử và thất bại, nhưng điều đó sẽ không bình thường nếu bạn nản lòng trước khi thử”. Chỉ cho tôi xong, cô bé gật gù nói: con sẽ nhớ câu này và sẽ cố gắng.
Sẽ là vô nghĩa nếu chỉ học để biết thế nào là quan điểm sống tích cực và tiêu cực cùng những ảnh hưởng của nó trong cuộc sống. Những suy nghĩ tích cực, những lời nói hay và những hành động đẹp cần được biểu dương, khuyến khích và nhân rộng từ gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội. Không xét đoán, không phô trương, không làm theo phong trào, nhưng cứ nhân rộng và biểu dương vì chính bản chất của cái đẹp, điều hay thì hy vọng rằng điều tốt ta ‘tự kỷ ám thị’ hôm nay cũng sẽ đưa đến hiệu quả đẹp cho hôm nay và ngày mai.
Qua một số tài liệu, tôi tâm đắc với 10 điều về quan điểm sống tích cực:
- Là một người có uy tín, biết giữ lời hứa, đi làm đúng giờ và luôn sẵn sàng trong công việc.
- Sống thân thiện và biết quan tâm đến người khác, đến thiên nhiên, vì ai mà chẳng muốn làm việc với người vui vẻ, biết tôn trọng người khác.
- Thành thật và chân thành. Nhận lỗi và thể hiện sự chân thành học hỏi từ kinh nghiệm tốt, xấu.
- Biết hợp tác với người khác. Chữ nhẫn sẽ giúp bạn nâng cao chất lượng của các mối liên hệ.
- Thể hiện sự nhiệt tâm bằng cách đưa ra những ý kiến hay để đem lại hiệu quả cao, ngay cả trước khi cấp trên yêu cầu bạn.
- Sắp xếp công việc và quỹ thời gian của mình cách hợp lý. Ví dụ như làm việc khó trước, sau đó hãy làm việc dễ hơn vào cuối ngày vì lúc đó cơ thể bạn đã mệt, đầu óc ít sáng suốt hơn, mà việc dễ thì không đòi hỏi nhiều những điều đó.
- Tự đào tạo bằng cách luôn tìm tòi, học hỏi không ngừng để nâng cao kiến thức và kỹ năng của bạn.
- Biết tự giác và tự chịu trách nhiệm mà không cần phải được giám sát, chỉ dẫn liên tục từ cấp trên.
- Can đảm tìm hướng giải quyết cho các vấn đề, nhưng cũng không ngại tìm kiếm giúp đỡ khi cần.
- Chấp nhận thử thách với tinh thần lạc quan và làm việc chăm chỉ.
Tâm niệm: Hãy làm gì đó hôm nay để ngày mai tôi sẽ thấy biết ơn vì điều mình đã làm.