Chính quyền Việt Nam đã cử phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đến viếng Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất giữ im lặng về sự ra đi của Thiền sư.
Trong lúc này, tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập Pháp môn Làng Mai và truyền bá ‘Chánh niệm’ đến phương Tây, đang diễn ra trong vòng 7 ngày theo hình thức ‘tâm tang’ tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế.
‘Tổn thất cho Phật giáo Việt Nam’
Ông Ngô Sách Thực dẫn đầu đoàn Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến viếng tang Thiền sư Nhất Hạnh vào sáng ngày 25/1, cổng thông tin điện tử Mặt trận cho biết.
“Với tất cả sự trân trọng sâu sắc, kính mong giác linh Thiền sư sớm cao đăng Phật quốc và những ý tưởng tích cực của Ngài về tình yêu quê hương, đất nước, con người, về sự đoàn kết, hoà hợp, hoà bình sẽ còn mãi nơi thế gian,” ông Thực viết trong sổ tang.
Ông Thực ghi nhận Thiền sư Nhất Hạnh là ‘vị cao tăng uyên thâm Phật học, đã nhiều năm bôn ba truyền bá giáo pháp Phật đà cùng văn hoá dân tộc Việt Nam ra thế giới’.
Trước đó, vào ngày 23/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã gửi lời chia buồn đến sơn môn, cộng đồng Phật tử Việt Nam trong, ngoài nước và pháp quyến của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Bà Hằng nói Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ‘vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam nhiều năm sinh sống ở nước ngoài’ và sự ra đi của ông ‘là tổn thất của cộng đồng Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng’.
Quan hệ của vị Thiền sư nổi tiếng thế giới này với chính quyền Việt Nam trải qua nhiều sóng gió. Mãi đến 30 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt ở Việt Nam, ông mới được chính quyền cho phép về thăm Việt Nam lần đầu tiên hồi năm 2005 và tiếp xúc với các lãnh đạo Việt Nam bấy giờ.
Tuy nhiên, đến năm 2008 thì xảy ra biến cố Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng khi chính quyền trục xuất gần 400 tăng ni sinh và cư sỹ tu tập theo Pháp môn Làng Mai ở tu viện. Trước đó không lâu, trong một bài viết trên Lá thư Làng Mai, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên vì ‘cái tên Đảng hiện giờ đang là một chướng ngại, gây hiểu lầm và tiếp tục nuôi dưỡng oán hận’.
Sau sự kiện Bát Nhã, mãi đến gần 10 năm sau, sau khi đã trải qua cơn đột quỵ Thiền sư mới được phép về Việt Nam lần thứ tư từ Thái Lan để tĩnh dưỡng. Cho đến tháng 10 năm 2018, ông về Việt Nam lần cuối cùng cho đến ngày viên tịch.
Ngay trước tang lễ của Thiền sư Nhất Hạnh đã diễn ra tang lễ một vị giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, phó Pháp chủ, viên tịch ở tuổi 98. Hôm 19/1, Ban bí thư Trung ương Đảng đã phân công ông Đỗ Văn Chiến, chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc, đến viếng ở chùa Hòa Lạc, tỉnh Ninh Bình.
Dự lễ viếng còn có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo; đại diện Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Ninh Bình, báo Mặt trận cho biết. Ngoài ra, trưởng Ban dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cũng gửi vòng hoa viếng.
‘Không cùng chí hướng’
Về phía Giáo hội, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Thích Thiện Nhơn hôm 24/1 đã dẫn đầu phái đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến viếng Thiền sư Nhất Hạnh. Pháp môn Làng Mai của ông là một tổ chức độc lập không trực thuộc giáo hội do Nhà nước kiểm soát.
Trong sổ tang, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã ca ngợi Thiền sư Nhất Hạnh là ‘bậc tăng tài trí tuệ xuất chúng, Ngài đã mang lại niềm vinh dự, tự hào cho Phật giáo Việt Nam và cho cả hình ảnh, con người, đất nước Việt Nam.
“Ngài đã để lại cho chúng ta một gia tài phong phú về kho tàng trước tác văn chương học thuật, về tấm gương sáng ngời ý chí tu hành, về tâm huyết và sứ mạng hoằng pháp lợi sanh,...” vị chủ tịch hội đồng trị sự ghi trong sổ tang.
Lãnh đạo tinh thần tối cao của Giáo hội là Quyền Pháp chủ Thích Trí Quảng không ra Huế mà đến Tổ đình Ấn Quang, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh dâng hương tưởng niệm và tụng kinh hồi hướng cho Thiền sư Nhất Hạnh.
Quyền Pháp chủ Thích Trí Quảng đã ôn lại khoảng thời gian Thiền sư Nhất Hạnh làm giáo thọ tại Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang trước khi ông ra nước ngoài du học.
Trước sự ra đi của Thiền sư Nhất Hạnh, một nhân vật từng trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho đến giờ giáo hội độc lập này vẫn chưa gửi lời chia buồn.
Trao đổi với VOA từ Houston, Texas, Hòa thượng Thích Huyền Việt, Chủ tịch Văn phòng 2 Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho biết Đại lão Hòa thượng Thích Chí Viên, Đức Đệ lục Tăng thống, dự định đi từ Nha Trang, Khánh Hòa ra Huế viếng Thiền sư Nhất Hạnh.
“Ngài đi với tư cách tình pháp lữ, huynh đệ đồng môn (với thiền sư Nhất Hạnh) do cùng tu học ở chùa Từ Hiếu trước đây,” ông nói và nhấn mạnh sự viếng tang đó không mang danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Vẫn theo lời Hòa thượng Huyền Việt, thì lúc sinh thời, cả Đệ ngũ Tăng thống (Thích Quảng Độ) và Đệ tứ Tăng Thống (Thích Huyền Quang) đều từng từ chối tiếp Hòa thượng Nhất Hạnh.
Hòa thượng Thích Huyền Việt cho biết một số chùa của Giáo hội thống nhất có tổ chức tưởng niệm Thiền sư Nhất Hạnh với tư cách cá nhân chứ Giáo hội thống nhất không có lễ tưởng niệm ‘ở cả trong nước lẫn hải ngoại’ với lý do là ‘Giáo hội không cùng chí hướng với thiền sư trên tinh thần quốc gia dân tộc’.
“Bản thân tôi vẫn kính trọng, ngưỡng mộ Thiền sư về phương diện văn hóa, truyền bá tư tưởng Phật giáo từ bi, bao dung đến thế giới phương Tây nhưng trên tinh thần quốc gia, dân tộc thuần túy thì tôi không cùng đường với Thiền sư Nhất Hạnh,” ông nói với VOA.