Quan chức Bắc Hàn tới Việt Nam theo lời kêu gọi của Mỹ?

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 1/12.

Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn mới kết thúc chuyến thăm Việt Nam, ít lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Bình Nhưỡng “lặp lại con đường của Việt Nam”.

Ông Ri Yong Ho tới Hà Nội trong chuyến công du kéo dài 4 ngày, kết thúc hôm 2/12, và nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên đã gặp các quan chức của Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cú bắt tay của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng thống Trump ở Singapore hồi tháng Sáu năm nay.

Bộ trưởng Ho được cổng thông tin chính phủ Việt Nam trích lời “bày tỏ ấn tượng sâu sắc, và chân thành chúc mừng những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Nhà ngoại giao này còn được dẫn lời “khẳng định lập trường nhất quán” của Triều Tiên là “tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước” cũng như “hợp tác trên các lĩnh vực theo nhu cầu và tiềm năng của hai nước, phù hợp với sự phát triển của tình hình mới”.

Ngoại trưởng Mỹ trên đường phố Hà Nội hôm 8/7.

Trong chuyến thăm tới Hà Nội hồi tháng Bảy năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ca ngợi "quan hệ tốt đẹp" với Việt Nam, và bày tỏ hy vọng rằng “Hoa Kỳ, một ngày nào đó, cũng có mối quan hệ giống như vậy với Bắc Triều Tiên”, nhấn mạnh rằng Washington “biết đó là một khả năng có thật”.

“Trước tình hình đất nước trải qua các cuộc xung đột tiếp nối nhau trong các thập kỷ trước đó, lãnh đạo chính trị và quân sự của Việt Nam không ngừng lo ngại về khả năng xảy ra những cuộc xung đột mới. Và ngoại trừ quan hệ với một số quốc gia cộng sản, Việt Nam lúc đó đã bị cô lập với thế giới”, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nói.

Ông Trump trong cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm 2017.

“Nhưng giai đoạn thách thức này cũng đưa ra các cơ hội cho Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam nhận thấy đất nước có thể cải cách, mở cửa và gây dựng các mối quan hệ mà vẫn không đe dọa tới chủ quyền, độc lập và mô hình chính phủ của nước mình. Một chìa khóa dẫn tới sự vươn lên đáng kinh ngạc của Việt Nam trong vài thập niên vừa qua là cách giao tiếp mới với Hoa Kỳ”.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ho, theo cổng thông tin chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trích lời nói với nhà ngoại giao Bắc Hàn rằng Việt Nam “sẵn sàng cùng chính phủ và nhân dân Triều Tiên tiến hành giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và xu thế chung của thời đại, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Ông Phúc cũng nói rằng Hà Nội “sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên, trong đó có việc mở rộng kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư và du lịch.”

Ông Ri Yong Ho gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 4/12.

Sau khi thăm Việt Nam, ông Ho tới Syria rồi Trung Quốc, nước đồng minh lớn nhất của Bắc Hàn, trong chuyến công du kéo dài từ ngày 6 – 8/12.

Theo thông báo trên trang web, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 4/12 nói rằng Bộ trưởng Ho sẽ hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia đông dân nhất thế giới, ông Vương Nghị, "trao đổi sâu về quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Hàn, tình hình trên bán đảo Triều Tiên và các vấn đề cùng quan tâm khác".

Trong một chỉ dấu cho thấy Triều Tiên là một vấn đề quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ, các tuyên bố chung nhân chuyến thăm của quan chức cấp cao hai nước đều có phần nói về Bắc Hàn.

Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác chưa từng thấy mà Hoa Kỳ đang có với Việt Nam hiện nay, tôi xin có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của ngài có thể lặp lại con đường của Việt Nam. Sẽ là cơ hội của ngài nếu ngài nắm bắt nó. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài ở Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói.

Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam cuối năm ngoái, trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn gia tăng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tuyên bố chung khi đó của ông Trump và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình”.

Phát biểu ở Việt Nam hồi tháng Bảy, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng “trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác chưa từng thấy mà Hoa Kỳ đang có với Việt Nam hiện nay, tôi xin có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của ngài có thể lặp lại con đường của Việt Nam”.

Ông nói tiếp: “Sẽ là cơ hội của ngài nếu ngài nắm bắt nó. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài ở Bắc Triều Tiên”.