Một quan chức của Nga nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có thể được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo truyền thông Nga đưa tin.
Giám đốc chương trình tại Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Nga, Konstantin Sukhoverkhov đưa ra thông tin này sau khi Tổng thống Putin gần đây tuyên bố rằng ông sẵn sàng đối thoại với ông Trump khi chúc mừng chiến thắng của ông để trở lại đứng đầu Nhà Trắng.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm 15/11 đưa tin về việc Nga sẽ cân nhắc một địa điểm phù hợp cho một cuộc họp thượng đỉnh tiềm năng giữa Moscow và Washington sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Trích dẫn thông tin từ Izvestia, một tờ báo chuyên về đối ngoại bằng tiếng Nga, TASS nói rằng Bộ Ngoại giao Nga cho biết Thụy Sĩ đã sẵn sàng làm địa điểm cho các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga. Tuy nhiên, theo TASS, Moscow “vẫn rất hoài nghi về sự trung lập của Bern vì Thụy Sĩ ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga và hợp tác tích cực với các lực lượng NATO.”
Theo truyền thông Nga, các chuyên gia ở nước này cho rằng bên cạnh Thụy Sĩ, một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng có thể là nơi tổ chức các cuộc đàm phán tiềm năng giữa ông Putin và ông Trump.
Ông Putin trước đó nói tại một cuộc gặp ở viện nghiên cứu Valdai Club rằng sáng kiến cho một cuộc đối thoại toàn diện giữa Nga và Mỹ phải đến từ Washington, và, theo ghi nhận của Izvestia được TASS trích dẫn, việc lựa chọn một địa điểm cho cuộc họp tiềm năng phải tính đến lập trường thù địch công khai của một số quốc gia đối với Nga.
“Chắc chắn sẽ không phải là Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Ấn Độ có thể là ứng cử viên phù hợp,” ông Sukhoverkhov được TASS trích lời nói. “Tuy nhiên, cũng có khả năng lớn là cuộc họp có thể diễn ra tại Việt Nam hoặc một quốc gia châu Phi, chẳng hạn như Ai Cập, Nam Phi hoặc Brazil.”
Ông Sukhoverkhov loại trừ Hungary là địa điểm tiềm năng cho một cuộc đàm phán giữa ông Putin và ông Trump vì cho rằng, bất chấp lập trường hợp lý nào của Tổng thống Viktor Orban, tư cách thành viên trong liên minh châu Âu của Hungary sẽ ngăn cản nước này tổ chức một cuộc họp cấp cao như vậy.
Việt Nam đã được ông Trump chọn làm địa điểm tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 vào năm 2019, cho cuộc gặp gỡ giữa ông và Kim Jong Un tại Hà Nội trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông tại Nhà Trắng. Theo đánh giá của các nhà phân tích lúc đó, Việt Nam được chọn vì có quan hệ hữu hảo với Triều Tiên và cũng được Mỹ ngầm gửi đi thông điệp rằng Triều Tiên có thể có khả năng phát triển kinh tế như Việt Nam, quốc gia từng thù địch với Mỹ, nếu thay đổi và hợp tác.
Với chính sách ngoại giao đa phương hóa và đa dạng hóa, Việt Nam duy trì quan hệ với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt với các cường quốc thù địch nhau như Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Cả Mỹ và Nga đều là những đối tác chiến lược ở mức quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam.
Dù mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ ngày càng chặt chẽ sau khi nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 năm ngoái, Hà Nội cũng tiếp tục duy trì quan hệ thân thiết với Moscow. Ông Putin đã tới thăm Việt Nam vào tháng 6 vừa qua giữa bối cảnh Nga bị Mỹ và các nước phương Tây cô lập vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Hà Nội cũng đã đón tiếp vị tổng thống Nga một cách nồng nhiệt dù ông đang bị tòa hình sự quốc tế ra trát bắt vì “tội ác chiến tranh.”
Việt Nam đã nhiều lần từ chối bỏ phiếu chống lại Nga trong các nghị quyết lên án Moscow vì xâm lược Ukraine ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và vẫn tiếp tục duy trì quan hệ trong mọi lĩnh vực với Nga.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao ở Hà Nội trước thông tin mà quan chức Nga đưa ra về khả năng Việt Nam có thể là địa điểm cho một cuộc họp thượng đỉnh Trump-Putin.
Chuyên gia về các vấn đề Hoa Kỳ của Nga, Igor Pshenichny, được TASS trích lời nói rằng khi lựa chọn một quốc gia để tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiềm năng, các mối quan ngại về an ninh phải được ưu tiên, vì không phải quốc gia thân thiện nào cũng có đủ năng lực tổ chức một sự hiện quan trọng như vậy khi cùng lúc ngăn chặn được mọi vi phạm an ninh.
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim ở Hà Nội đã diễn ra mà không có một sự cố an ninh nào được báo cáo dù cuối cùng không đạt được một thỏa thuận nào.
Your browser doesn’t support HTML5