Một quan chức nhân quyền cao cấp Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba cảnh báo rằng các phiến quân Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq có thể đang tìm cách tận diệt người Yazidi thiểu số. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên Margaret Besheer của VOA có bài tường trình chi tiết.
Phó tổng thư ký phụ trách nhân quyền Ivan Simonovic vừa trở về sau một tuần làm việc tại Baghdad và các thành phố của người Kurd ở Dohuk và Irbil, nơi hàng trăm ngàn người trốn chạy khỏi nhóm khủng bố được biết với cái tên ISIL.
Ông nói với các phóng viên rằng đã có một tăng mạnh của bạo lực và sự vi phạm nhân quyền đang lan rộng và có hệ thống. Ông cảnh báo rằng người thiểu số Yazidi – hầu hết là người nói tiếng Kurd và theo một tôn giáo cổ – phải đối mặt với một sự nguy hiểm đặc biệt.
Ông Simonovic cho biết: "Các hành động đã được thực hiện nhằm chống lại người Yazidi có thể cấu thành một mưu toan diệt chủng. Tại sao? Bởi vì thân phận của những người này được xác định bởi tôn giáo của họ và chỉ có một lựa chọn duy nhất cho họ là cải đạo nếu không sẽ bị giết."
Ông Simonovic đã nói chuyện với mấy mươi người Yazidi bỏ chạy khỏi các khu vực do ISIL chiếm đóng, bao gồm một bé gái 12 tuổi trốn thoát nô lệ tình dục, một người cha mà 4 đứa con của ông đều bị giết bởi vì đã từ chối cải sang đạo Hồi, và một cậu bé sống sót sau một vụ thảm sát.
Ông Simonovic nói người Yazidi tố cáo rằng họ bị buộc phải lựa chọn hoặc cải đạo theo đạo Hồi hoặc bị xử tử. Ông cũng nói rằng điều này khác hẳn với những gì mà một số nhóm người khác trải qua, như người Cơ Đốc giáo bị bắt hoặc phải cải đạo hoặc rời bỏ nơi ở hoặc ở lại và đóng thuế.
Cơ quan nhân quyền của LHQ cảnh báo rằng ISIL có nhiều nguồn cung cấp, được trang bị vũ khí tốt và tích cực trong việc chiêu mộ sự ủng hộ từ người dân địa phương và các chiến binh nước ngoài. Họ nói các chiến thuật tàn nhẫn của nhóm này đang làm cho sự phân hóa giữa các cộng đồng ngày càng sâu đậm. Ông Simonovic thúc giục các lãnh đạo cộng đồng, các già làng và các giới chức tôn giáo nói lên tiếng nói của mình và lên án sự vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế, và yêu cầu sự chăm sóc và bảo vệ cho các nạn nhân bất kể là họ thuộc về sắc tộc nào, theo đạo gì và thuộc nhóm người nào.
Bạo lực đã gia tăng mạnh ở Iraq trong năm nay. LHQ cho biết chỉ riêng trong tháng 9 đã có hơn 1.100 người Iraq bị giết và gần 2.000 người bị thương trong các hành động khủng bố và bạo lực.