P/v nhà báo Phạm Chí Dũng về chuyến đi thăm VN của Đại Tướng Mỹ

Submerged roads and houses are seen after several days of heavy rain led to deadly and historic flooding, in an aerial view over Union, Missouri, USA, Dec. 29, 2015.

Thưa quý vị, tướng lãnh cao cấp nhất quân lực Hoa Kỳ, Đại Tướng Martin Dempsey, đang có mặt tại Việt Nam trong một chuyến đi thăm lịch sử, được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn cao, và làn sóng phẫn nộ dâng trào trong công chúng Việt Nam sau khi Bắc Kinh kéo giàn khoan 981 của nước này vào hoạt động trong vùng biển Việt Nam vẫn còn, cho dù Bắc Kinh đã rút giàn khoan ra khỏi khu vực tranh chấp trước thời hạn loan báo.

Tham mưu trưởng Liên Quân Hoa Kỳ Martin Dempsey duyệt hàng quân danh dự cùng Tướng Đỗ Bá Tỵ trong buổi lễ chào đón tại Bộ Quốc phòng ở Hà Nội, ngày 14/8/2014.

Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, tin rằng chuyến công du của Đại Tướng Dempsey là dấu hiệu tích cực mới nhất trong quan hệ giữa hai nước cựu thù, diễn ra tiếp theo sau chuyến đi thăm Việt Nam của hai nghị sĩ Mỹ, kể cả Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu tù nhân chiến tranh từng bị giam cầm tại nhà giam Hỏa Lò ở Hà nội– mà tù binh Mỹ dí dỏm đặt cho cái tên “Hanoi Hilton”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đề cập đến một kịch bản có khả năng diễn ra, kịch bản Miến điện, dù xác suất hãy còn rất thấp, nhưng thể hiện một sự mong mỏi rằng những căng thẳng hiện tại với Trung Quốc có thể chuyển thành một cơ hội để Việt Nam thoát khỏi vòng ảnh hưởng của nước láng giềng khổng lồ từ lâu vẫn không từ bỏ ý đồ xâm chiếm bằng cách dần dần gậm nhấm lãnh thổ Việt Nam. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, do Hoài Hương thực hiện.

VOA: Xin Tiến sĩ một nhận định về ý nghĩa của chuyến đi thăm mà báo chí thế giới mô tả là lịch sử của Đại Tướng Tham mưu trưởng Liên Quân Hoa Kỳ tới Việt Nam?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Tôi cho đây là một tín hiệu khả quan, tín hiệu này đã bắt đầu từ hồi tháng Tư năm 2013, về cuộc giao lưu hải quân đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tại Đà Nẵng với 3 tàu quân sự của Hạm Đội 7.

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng


VOA: Dạ thưa chuyến đi này diễn ra giữa lúc Việt Nam đang cần tới Hoa Kỳ như một lực đối trọng – có thể nói là duy nhất để đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Có dấu hiệu cho rằng Hoa Kỳ sắp sửa tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, thì theo ông có những sự mặc cả nào ở hậu trường trước khi điều đó diễn ra và liệu có nhà bất đồng chính kiến nào sắp được thả ra trong cuộc mặc cả này không ạ?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Chắc chắn là đã có một sự mặc cả, và tôi cho trên cả sự mặc cả, đó là một sự thỏa thuận giữa hai nhà nước với nhau. Điều đó đã được tuyên bố một cách rõ ràng bởi ông John McCain trong chuyến đi thăm Hà nội vừa qua. Dân chủ và nhân quyền luôn luôn là điều kiện tiên quyết đi kèm với các hiệp ước về an ninh và kinh tế giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ. Và gần đây cũng có những dư luận, mặc dù chưa chính thức mà là thông tin ngoài lề cho là trường hợp có khả năng được trả tự do trong thời gian tới, nhiều khả năng nhất là Điếu Cày Nguyễn văn Hải; thứ hai là một blogger vừa bị bắt vào tháng Năm vừa qua là ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, và một người nữa mà người ta cũng khó hình dung ra là Trần Huỳnh Duy Thức với án như vậy là 16 năm, cũng có thể được ra. Đó là những dư luận không chính thức, ngoài lề thôi, nhưng mà dù sao điều đó phản ánh một sự trông chờ vào Hoa Kỳ và nhà nước Việt Nam đương nhiên phải trả một cái giá nho nhỏ, là thả những nhân vật bất đồng chính kiến và tù nhân lương tâm. Và cho dù nếu không phải là những nhân vật mà tôi vừa nhắc tới thì cũng sẽ có những nhân vật khác thế chỗ vào. Và có thể hy vọng rằng có một chút nhen nhóm nào đó nó giống như là tái lập kịch bản của Miến Điện cách đây 3 năm.

VOA: Dạ thưa ông có quá lạc quan hay không khi nghĩ là Việt Nam có thể đi theo kịch bản Miến Điện?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Tôi mới chỉ nói là nhen nhóm mà thôi. Xác suất cho sự nhen nhóm đó cho tới nay theo tôi chỉ mới có khoảng từ 2 tới 3%. Nhưng mà dù sao so với trước đây vẫn còn khả quan hơn vì trước đây không có phần trăm nào cả. Mọi chuyện chỉ mới bắt đầu từ sự kiện giàn khoan Hải Dương 981của Trung Quốc đi vào vùng biển của Biển Đông, và sau đó gây ra hàng loạt sự kiện tiếp theo kể cả về mặt đối ngoại và thế đối trọng mà chị vừa nhắc, đề cập tới Mỹ là đối trọng duy nhất đối với Trung Quốc, không chỉ liên quan tới Việt Nam mà cả trên thế giới hiện nay. Điều đó cho thấy có một khả năng nhà nước Việt Nam phải nhìn vào kịch bản Miến Điện như là một tiền lệ đã có sẵn và họ chỉ việc áp dụng mà thôi.

VOA: Thưa theo chỗ ông biết thì trong giới lãnh đạo cao cấp hiện nay - trong Bộ Chính Trị ấy, có nhân vật nào đang vận động để Việt Nam nắm lấy cơ hội này để mà thay đổi và hòa nhịp với thế giới không ạ?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị rõ ràng là đã đạt được một thỏa ước, một thỏa thuận nào đó, cho dù thỏa thuận đó là không công khai. Nhưng mà cuối cùng thì đã dẫn đưa tới chuyến đi của ông John McCain và của ông Sheldon Whitehouse đến Việt Nam. Sự xuất hiện của hai nghị sĩ đó cho thấy phía sau họ là cả một Quốc hội Hoa Kỳ. Mà nhà nước Việt Nam bây giờ lại đang rất cần tới sự vận động của quốc hội Hoa Kỳ, trước mắt là để giảm áp lực chống chế về việc gây sức ép không muốn cho Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác Thương mại Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương- TPP .
*
Thưa quý vị, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (Independent Journalists Association of Vietnam - viết tắt là IAJV). Ban Việt ngữ- VOA xin chân thành cảm tạ Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Your browser doesn’t support HTML5

Truyền hình vệ tinh VOA Asia 14/8/2014