Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa gặp các vị chỉ huy quân đội Nga ở hai khu vực của Ukraine mà Moscow tuyên bố đã sáp nhập, trong khi các lực lượng Nga tăng cường đánh bằng pháo hạng nặng và không kích vào thành phố Bakhmut bị tàn phá ở miền đông Ukraine.
Điện Kremlin cho biết ông Putin dự một cuộc họp gồm các chỉ huy quân sự ở khu vực Kherson, miền nam Ukraine, và đến thăm một trụ sở của lực lượng cảnh vệ quốc gia ở Luhansk, miền đông Ukraine, hôm thứ Hai 17/4.
Ông Putin đã nghe báo cáo của các chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không và tập đoàn quân ở Dnieper cũng như của các sĩ quan cấp cao khác, họ đã thông báo tóm tắt cho ông về tình hình ở các vùng Kherson và Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine.
Điện Kremlin cho hay cả Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu lẫn Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đều không đi cùng với ông Putin vì lý do đề phòng an ninh.
Chiến dịch tấn công mùa đông của Nga thời gian qua không đạt được nhiều tiến bộ và quân đội của họ đã sa lầy trong một loạt các trận đánh ở miền đông và miền nam Ukraine, ở đó, cả hai bên chỉ có các bước tiến không đáng kể, đồng thời họ cũng đều phải trả giá rất đắt.
Giao tranh diễn ra ác liệt bên trong và xung quanh thành phố Bakhmut ở khu vực Donetsk trong nhiều tháng, với thực tế là các lực lượng Ukraine tiếp tục cầm cự bất chấp việc Nga thường xuyên tuyên bố đã chiếm xong thành phố khai thác mỏ này.
"Hiện tại, quân địch đang tăng cường hoạt động bằng pháo hạng nặng và tăng các phi vụ không kích, biến thành phố thành đống đổ nát", chỉ huy lực lượng trên bộ của Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba 18/4.
Việc chiếm được Bakhmut có thể tạo bàn đạp để Nga tiến tới hai thành phố lớn hơn mà nước này đã nhòm ngó từ lâu ở khu vực Donetsk – là Kramatorsk và Sloviansk.
Một hội nghị các ngoại trưởng nhóm G-7 ở Nhật Bản hôm 18/4 lên án kế hoạch của Nga triển khai vũ khí hạt nhân tầm ngắn, còn gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, một đồng minh của Moscow có biên giới với Ukraine.
Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố sẽ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của một quốc gia khác kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc ba thập kỷ trước.
Trong một thông cáo vào cuối hội nghị kéo dài 3 ngày tại Nhật Bản, các ngoại trưởng G-7 nói: "Những lời đao to búa lớn vô trách nhiệm về hạt nhân của Nga và lời đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân của họ ở Belarus là điều không thể chấp nhận được".
"Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân nào của Nga sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng", họ nói.
Nhóm G-7 bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada, tất cả các nước này đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.
(Reuters)