Gọi Tổng thống mới nhậm chức là “Đồng chí Tổng Tư Lệnh,” Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov tuyên bố binh sĩ tập trung tại Quảng trường Đỏ sẵn sàng diễn hành.
Ông Putin—đứng cạnh là người kế vị do ông chọn và vừa mới được chuẩn nhận làm Thủ tướng, ông Dmitry Medvedev—đứng xem hơn 14.000 binh sĩ và thiết bị quân sự diễn hành.
Trong một bài diễn văn ngắn, ông Putin nói bài học của Thế chiến Thứ hai vẫn còn hợp thời.
Ông Putin nói chỉ có việc theo sát những chuẩn mực quốc tế và tôn trọng chủ quyền quốc gia mới có thể đảm bảo là thảm kịch của những cuộc chiến tranh trong quá khứ mới không lập lại. Ông nói thêm là Nga có quyền đạo đức bảo vệ vị trí trên trường quốc tế, vì theo lời ông, Nga phải chịu đựng sự tấn công của Đức Quốc Xã,… dẹp tan quân thù và giải phóng cho các dân tộc trên thế giới.
Một trong những hành động đầu tiên tiếp theo lễ nhậm chức hôm thứ Hai, Tổng thống Putin ký sắc lệnh qui định là mối quan hệ Hoa Kỳ-Nga phải căn cứ trên “bình đẳng, không can thiệp vào nội bộ và tôn trọng quyền lợi hỗ tương.” Ông cũng kêu gọi có sự “đảm bảo chắc chắn” là kế hoạch lá chắn tên lửa của NATO sẽ không nhằm chống lại Nga.
Việc trở lại nắm quyền của ông Putin có nghĩa gì đối với việc điều chỉnh lại mối quan hệ Hoa Kỳ-Nga được chính quyền của Tổng thống Barack Obama loan báo vào đầu năm 2009?
Bà Masha Lipman thuộc Trung tâm Carnegie Moscow nói việc điều chỉnh này đã có “những kết quả rõ ràng” bao gồm một hiệp ước tài giảm vũ khí chiến lược mới và một thỏa thuận cho phép chở tiếp tế cho quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan ngang qua lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên bà nói, với việc ông Putin trở lại điện Kremli, không chắc là mối quan hệ Hoa Kỳ-Nga sẽ chuyển từ việc hợp tác trên một số có giới hạn các vấn đề cụ thể sang “hợp tác xây dựng.”
Bà Lipman nói: “Ông Putin có chung cảm nghĩ với đa số người Nga là đương nhiên Hoa Kỳ sẽ lợi dụng mọi cơ hội trong giao tiếp với Nga, rằng Hoa Kỳ sẵn sàng làm suy yếu nước Nga, gây hại cho nước Nga. Và tôi không nghĩ là với việc ông Putin nắm giữ quyền hành, tình trạng thiếu lòng tin này có thể vượt qua được.”
Ông Fyodor Lukyanov, tổng biên tập của tạp chí Russia in Global Affairs, cũng nói Tổng thống Putin rất thiếu tin tưởng vào nước Mỹ. Tuy nhiên ông nói thêm nói chung, chính sách ngoại giao của ông Putin sẽ là một chính sách “bảo thủ.”
Ông Lukyanov nói ông Putin xem thế giới là một nơi rất nguy hiểm, không đoán trước được, xáo trộn và không kiểm soát được, trong đó bất cứ hành động nào cũng có những hậu quả khôn lường và không kiểm soát được. Do đó, ông nghĩ cẩn thận sẽ là châm ngôn của Tổng thống Nga.”
Ông Pavel Baev, một giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Oslo, Na Uy nói sự đối đầu ngày càng tăng giữa chính phủ và đối lập Nga có thể làm trầm trọng thêm mối căng thẳng với Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.
Giáo sư Baev nói: “Diễn biến như thế này sẽ đặt ông Putin trong tư thế tự cô lập, căng thẳng hơn nữa với phương Tây, vì đối với phương Tây, những lực lượng đối lập tại Nga là những lực lượng có nhiều cảm tình. Và đối với ông Putin, đây là một đối thủ sinh tử mà ông có thể phải chống lại—và ông sẽ chống lại hết mình. Ông Putin sẽ phải sử dụng tất của những công cụ mà ông có trong tay, gồm cả việc trình bày trước người dân Nga rằng đây là âm mưu của Phương Tây và đặc biệt là của Hoa Kỳ.”
Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rất lo ngại về những hình ảnh cảnh sát chống bạo loạn Nga đàn áp cuộc biểu tình chống chính phủ với nhiều người tham dự hôm Chủ Nhật với hậu quả là bắt giữ những nhà hoạt động đối lập. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói cũng quan ngại trước những tin về bạo động chống lại nhân viên công lực của một nhóm nhỏ những người biểu tình.
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nga dự trù sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh khối G-8 do Tổng thống Barack Obama tổ chức trong tháng này tại trại David, Maryland, nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống.
Hôm thứ Tư, Nga kỷ niệm 67 năm ngày Thế chiến Thứ hai chấm dứt. Và năm nay, cuộc diễn binh theo kiểu Sô Viết diễn ra tại Quảng trường Đỏ dưới sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin, người trở lại điện Kremlin với nhiệm kỳ thứ ba. Thông tín viên Jonas Bernstein tường trình từ Moscow về việc ông Putin chính thức trở lại nắm quyền có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ Hoa Kỳ-Nga.