2010: Năm nguy hiểm cho các nhà báo

  • Lisa Bryant

Năm 2010 đánh dấu một năm khó khăn nữa cho giới truyền thông với 57 nhà báo bị giết và có thêm nhiều vụ bắt cóc ký giả

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói rằng năm 2010 đánh dấu một năm khó khăn nữa cho giới truyền thông với 57 nhà báo bị giết và có thêm nhiều vụ bắt cóc ký giả.

Tổ chức theo dõi truyền thông Phóng viên Không Biên giới có trụ sở tại Paris nói con số những nhà báo bị giết trong năm 2010 giảm 25% so với năm 2009. Tuy nhiên năm trước là một năm bất thường vì có một số lớn các nhà báo bị giết tại Philippines.

Ông Gilles Lordet của tổ chức này cho rằng nói một cách tổng quát khuynh hướng này không sáng sủa:

“Chúng ta thấy là trong dài hạn, vẫn còn có nhiều ký giả bị giết và cũng còn có một số ký giả thiệt mạng tại một số lớn quốc gia, bởi vì trong năm nay ký giả bị giết tại 25 quốc gia khác nhau.”

Theo tường trình của tổ chức này, Pakistan đứng đầu danh sách với 15 ký giả thiệt mạng. Iraq, Mexico, Somalia, Philippines cũng nằm trong danh sách những nơi nguy hiểm nhất đối với nhà báo. Tổng quát, có một số nhà báo bị giết trong năm qua tại châu Phi.

Trong khi con số những nhà báo bị tấn công hay bắt giữ vẫn ở nguyên mức trong những năm gần đây, phúc trình ghi nhận con số những nhà báo bị bắt cóc gia tăng mạnh, với 51 trường hợp được báo cáo trong năm nay, so với con số 33 trong năm 2009.

Dù vậy, ông Lordet nói tiếp là tin tức này không đến nỗi hoàn toàn xấu. Tự do báo chí được cải thiện tại Niger và Brazil:

“Chúng ta biết là trong vòng 4, 5 năm qua, Brazil đã thay đổi theo một đường hướng tốt. Họ đã có một khung cảnh pháp lý tốt và ít bạo động hơn.”

Những quốc gia vùng Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan - là những nơi tốt nhất để hành nghề phóng viên. Nước Đức cũng được điểm cao:

“Những nơi nào có dân chủ với một hệ thống chính trị ổn định hầu như quanh năm, nơi đó có tự do báo chí và các tờ báo hoạt động một cách bình thường.”

Dù vậy, ông Lordet nói là một vài quốc gia châu Âu đang đặt ra một số hạn chế mới đối với truyền thông, đặc biệt là trên Internet. Nhiều quốc gia khác cũng đang truy quét tự do báo chí trên Internet, nhất là Trung Quốc.