Pita Limjaroenrat có thể mất cơ hội để chuyển hóa chính trị Thái

Đa số người Thái muốn thay đổi, như đã thấy rõ từ kết quả bầu cử. Nhưng liệu họ có nhận được sự thay đổi mà họ muốn hoặc xứng đáng hay không lại là một chuyện khác. Hình: Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến Tới.

Hiện giờ tình hình tại Thái Lan đang căng thẳng. Tình hình có thể trở nên tồi tệ, và biểu tình và bạo lực có thể trở lại quốc gia này, nếu Pita hay đảng MFP, đại diện cho hơn 14 triệu cử tri tại quốc gia này, bị loại ra khỏi sân chơi chính trị Thái.

Hôm nay thứ Tư 19 tháng Bảy, lẽ ra quốc hội Thái bầu lại một lần nữa vai trò thủ tướng, nhưng rốt cuộc có hai sự kiện xảy ra. Một, một số dân biểu thuộc phe bảo thủ đã phản đối cuộc tuyển cử này, cho rằng điều này bất hợp lệ vì Pita Limjaroenrat đã được bầu và thất bại vì không đủ số phiếu lần trước. Hai, Tòa án Hiến pháp Thái đã ra lệnh đình chỉ tạm thời Pita vì Ủy hội Bầu cử Thái đã nộp hồ sơ cho rằng Pita đã vi phạm luật bầu cử khi đã sở hữu cổ phần của công ty truyền thông.

Sự kiện này cho thấy hai điều: một, phe bảo hoàng tại Thái đang làm mọi cách để Pita và xu hướng cấp tiến không thể lên nắm quyền, như họ đã từng làm với các xu hướng dân chủ trước đây; hai, nền dân chủ Thái không nằm trong tay người dân mà qua các thế lực quân đội, hành chánh, tòa án, ủy hội bầu cử v.v…

Pita và phe cấp tiến đã nhìn thấy rõ vấn nạn này và đã đệ trình nhiều bộ luật lên quốc hội để cải tổ tận gốc vấn đề. Nhưng Liên Đảng chưa đủ thế lực và chưa có thời gian để thực hiện.

Cũng cần nhắc lại là vào Thứ Năm 13 tháng 7 tuần trước, đó là ngày mà nhiều người tại Thái Lan và trên nơi trên thế giới đã nóng lòng trông chờ tin tức.

Tuy kết quả bầu cử đã rõ ràng vào tối Chủ Nhật 14 tháng 5, mãi cho đến hai tháng sau, quốc hội Thái mới chính thức bầu chọn ai làm thủ tướng vào thứ Năm vừa qua.

Đây là một mốc điểm vô cùng quan trọng cho tương lai của nền dân chủ Thái sau gần hai thập kỷ bất ổn chính trị.

Đa số người Thái muốn thay đổi, như đã thấy rõ từ kết quả bầu cử. Nhưng liệu họ có nhận được sự thay đổi mà họ muốn hoặc xứng đáng hay không lại là một chuyện khác.

Đảng Tiến tới (Move Forward Party), dành được 151 ghế, đã liên minh với 7 đảng khác, kể cả Pheu Thai Party, để chiếm tổng số ghế Hạ viện 312. Họ cần ít nhất 63 ghế nữa để hội đủ đa số, tức 375 ghế trở lên, để bầu chọn thủ tướng và thành lập chính quyền. Nhưng các thượng nghị sĩ do quân đội tuyển chọn trước đây, không do dân bầu, đã quyết định không ủng hộ Pita Limjaroenrat làm thủ tướng và thành lập chính phủ. BBC và ABC tường trình là Pita chỉ được tổng cộng 324 phiếu, thiếu 51 phiếu, tức chỉ có khoảng 13 thượng nghị sĩ ủng hộ, còn lại đại đa số bỏ phiếu chống hoặc trắng.

Lý do?

Trong MoU 23 điểm của Liên Đảng công bố vào ngày 23 tháng 5, Liên Đảng muốn thực hiện cải cách sâu rộng cơ quan hành chánh, cảnh sát, quân đội và hệ thống công lý. Nạn tham nhũng, cửa quyền và lạm dụng quyền lực ăn sâu rộng trong bốn ngành này. Quân đội đã thực hiện nhiều cuộc đảo chánh và tòa án đã ra những quyết định có động cơ chính trị, cho nên Thái Lan đã hứng chịu hệ quả tai hại bao thập niên qua. Do đó Liên Đảng do MFP đứng đầu quan niệm rằng muốn Thái Lan tiến tới thì phải nhìn thẳng vào những vấn đề cốt lõi này và giải quyết nó. Liên Đảng cũng chủ trương xóa bỏ nghĩa vụ quân sự cưỡng bách, thay vào đó là tình nguyện, và chỉ cưỡng bách vào thời chiến.

Đụng đến các lĩnh vực này đều là đụng đến quyền lợi của nhiều thành phần quyền lực Thái. Khi quyền lợi của họ bị đe dọa, họ sẽ không dễ gì để cho Pita hay MFP lên nắm quyền để thực hiện các chính sách như vậy. Do đó không có gì là khó hiểu khi đa số thượng viện Thái không bầu chọn Pita.

Pita là ai?

Pita Limjaroenrat hồi nhỏ học ở New Zealad lúc anh 11 tuổi. Anh nhận được học bổng sinh viên quốc tế từ Đại học Harvard, nơi anh hoàn thành hai bằng Thạc sĩ Chính sách Công tại Trường Chính phủ John F. Kennedy của Đại học Harvard và bằng Bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường Quản lý Sloan của Học viện Công nghệ Massachusetts vào năm 2011. Pita tham gia Future Forward Party, tiền thân của Move Forward Party, và tranh cử vào năm 2019 và giành được ghế. Sau khi Đảng Hướng tới Tương lai bị giải thể, trong đó người lãnh đạo tiền nhiệm Thanathorn Juangroongruangkit cũng mất ghế, Pita được chỉ định là lãnh đạo mới của Đảng Tiến tới.

Năm nay Pita chỉ mới 42 tuổi. Nếu trở thành thủ tướng Thái, Pita sẽ là thủ tướng trẻ nhất trong 78 năm qua. Cách nhìn vấn đề và phong cách lãnh đạo của Pita cũng rất khác. Pita quan niệm: “Bạn không cần phải là một người đàn ông mạnh mẽ, với tính cách nam tính độc hại, để đảm bảo rằng ‘mọi người phải lắng nghe tôi và tôi phải luôn là tâm điểm chú ý’”. Pita muốn sống bình thường như mọi người khác: “Tôi không cần phải hoàn hảo mọi lúc. Tôi có thể giống như một người bình thường ở Thái Lan, đi xe máy, ăn uống trên đường phố như bao người khác.” MFP chủ trương hủy bỏ hiến pháp do quân đội soạn thảo và đưa nhiều lợi ích kinh doanh của quân đội về Bộ Tài chính quản lý. Pita khẳng định rằng đã đến lúc phải chấm dứt chu kỳ đảo chính quân sự và chấm dứt nạn tham nhũng trong chính trị vốn mở đường cho các cuộc đảo chính.

Trong cuộc phỏng vấn do BBC thực hiện và phổ biến vào ngày 30 tháng 5, Pita đã được ký giả Jonathan Head đặt những câu hỏi thẳng thắn về nhiều vấn đề hóc búa hiện nay mà Thái Lan đang gặp phải. Pita trình bày rõ quan điểm của mình cho từng vấn đề. Pita cho rằng thời điểm đã đến, người dân muốn thay đổi, và cho dầu luật phỉ báng hoàng gia (Lese Majeste) có thể là cản trở lớn nhất cho Pita nói riêng và MFP lên nắm quyền, Pita khẳng định sẽ không nhượng bộ vì đó là lời hứa khi tranh cử mà cần phải giữ. Cuộc phỏng vấn này cho thấy Pita là người có viễn kiến, và nhiều tham vọng để thực hiện mục tiêu chính trị của mình trong vòng 100 ngày, một năm, và những gì muốn đạt được trong vòng một nhiệm kỳ.

Tham vọng và lý tưởng trong chính trị chưa đủ. Tính ra Pita cũng chỉ mới có 4 năm tham chính, kể từ năm 2019. Hiện tại, Pita đã bị Ủy hội Bầu cử Thái kết luận là đã vi phạm luật bầu cử (vì đã sở hữu cổ phần công ty truyền thông) và chuyển vụ việc này lên Tòa án Hiến pháp để đưa ra phán quyết. Tòa sẽ cho Pita cơ hội để biện hộ trong những ngày tới trước khi có phán quyết sau cùng. Ngoài ra, Pita và MFP cũng bị truy tố là vi phạm Lese Majeste khi đã yêu cầu cải tổ luật này. Điều nghe có vẻ ngớ ngẩn buồn cười nhưng cũng xảy ra.

Chuyện gì kế tiếp?

Như đã trình bày ở trên, cơ hội Pita trở thành thủ tướng Thái bây giờ thật là mong manh.

Giáo sư khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn nói với ABC News rằng ông không ngạc nhiên về việc Pita không đạt được số phiếu cần thiết. Thitinan cho biết các chính sách cải cách của MFP đã đại diện "một mối đe dọa hiện hữu" đối với thành phần bảo thủ, nên MFP bị đánh trả.

Nếu thấy mình không còn cơ hội, Pita có ủng hộ cho Pheu Thai để chọn người ra ứng cử thủ tướng và thành lập chính phủ không, hay chính Pheu Thai sẽ quyết định tách ra khỏi Liên Đảng để tìm giải pháp khác?

Để có thể lèo lái Thái Lan trước bao thế lực bảo thủ tìm cách cản trở những gì phong trào dân chủ muốn thực hiện, thỏa hiệp có lẽ là điều cần thiết. Pita có sẵn sàng thỏa hiệp để từng bước đạt được mục tiêu chính trị hay vẫn giữ vững lập trường và không khoan nhượng?

Pita cho biết sẵn sàng nhường cho đảng Pheu Thai bầu chọn người đại diện ra ứng cử vào chức vụ thủ tướng nếu lần thứ hai không thành công. Srettha Thavisin thuộc đảng Pheu Thai có thể được bầu chọn cho kỳ tới, và cơ hội thành công cao hơn vì quan điểm của Pheu Thai không triệt để như MFP và có khả năng không bị phe bảo thủ chống đối như hiện nay.

Hiện giờ tình hình tại Thái Lan đang căng thẳng. Tình hình có thể trở nên tồi tệ, và biểu tình và bạo lực có thể trở lại quốc gia này, nếu Pita hay đảng MFP, đại diện cho hơn 14 triệu cử tri tại quốc gia này, bị loại ra khỏi sân chơi chính trị Thái. Rất có thể Srettha trở thành Thủ tướng Thái trong những ngày tới, và Pita sẽ mất cơ hội chuyển hóa chính trị Thái và làm nên lịch sử theo viễn kiến của mình. Dù kết quả ra sao, những gì Pita và Đảng Tiến tới nghị trình lên quốc dân và quốc hội vẫn là những chính sách và mục tiêu đúng đắn mà Thái Lan cần thực hiện để phát triển bền vững.