1/3 phụ nữ toàn cầu bị ảnh hưởng bởi bạo hành tình dục

Khoảng 3.000 nạn nhân bạo lực tình dục đã dùng nghệ thuật để đánh động thế giới với dự án The Monument Quilt trưng bày ở thủ đô Washington của Mỹ

Lên 15 tuổi Ajna Jusic cuối cùng mới biết được sự thật về người cha mà trước nay cô chưa từng được biết.

"Nhiều đêm tôi trằn trọc suy nghĩ về cha của mình," Jusic, nay đã 26 tuổi, tâm sự. "Tôi nghĩ đến nhiều kịch bản trong đầu nhưng không hề nghĩ rằng tôi sinh ra từ nạn cưỡng hiếp trong chiến tranh."

Jusic chỉ là một trong hàng ngàn đứa trẻ được sinh ra từ nạn người Serbia cưỡng hiếp để giết hàng loạt từ 20 đến 50 ngàn phụ nữ và bé gái Hồi giáo Bosnia trong cuộc chiến hồi thập niên 90. Ngày nay, cô đứng đầu Hiệp hội các đứa trẻ bị lãng quên trong cuộc chiến ở Bosnia, tổ chức hỗ trợ các nạn nhân đồng cảnh ngộ kể cả về chi phí học hành và hỗ trợ pháp lý, tâm lý.

"Tôi không thể tiếp tục sống trong bóng tối, sống vô hình," cô nói. "Tôi cần gào lên để nói với xã hội rằng tôi hiện diện ở đây, xin đừng gọi tôi là đứa con của sự thù hận bởi vì tôi biết yêu thương và muốn được yêu thương," cô phát biểu tại cuộc họp của Liên hiệp quốc hôm 25/11 nhân Ngày Quốc tế Bài trừ Bạo hành Phụ nữ.

Bạo hành tình dục chống lại phụ nữ là một đại dịch, trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị ảnh hưởng.

"Bạo hành tình dục tiếp tục được dùng để gieo rắc sợ hãi và khẳng định quyền kiểm soát," Pramila Patten, đặc sứ Liên hiệp quốc về nạn bạo hành tình dục trong chiến tranh, tuyên bố."Đây vẫn là chiến thuật tàn ác về tra tấn, khủng bố và đàn áp chính trị, một công cụ hữu hiệu dùng để gây thất tán và phi nhân hóa."

Sự dị nghị

Bà cho biết các dịch vục dành cho các nạn nhân chưa thỏa đáng và sự dị nghị quá lớn đến nỗi ở một số nơi nạn nhân thà sống với kẻ bạo hành mình hơn là đối diện với gia đình và cộng đồng chê cười họ vì họ bị cưỡng hiếp.

"Chúng ta cần chuyển sự dị nghị này ra khỏi các nạn nhân mà đặt lên vai những kẻ vi phạm," Karen Naimer thuộc tổ chức Y sĩ vì Nhân quyền (PHR) phát biểu tại cuộc họp ở Liên hiệp quốc.

Thay đổi cách nghĩ của cộng đồng và định kiến văn hóa là một ưu tiên.

Chinyere Eyoh, cũng là một nạn nhân của nạn bạo hành tình dục, hiện là giám đốc điều hành tổ chức Sáng kiến nâng cao nhận thức về sách nhiễu tình dục và tìm cách giúp nạn nhân phục hồi (SOAR) tại Nigeria.

"Quan trọng là các cộng đồng phải hiểu rằng bạo hành tình dục là một tội phạm và những ai phạm các tội này là thủ phạm," bà nói.

Đồng minh nam giới

Bà Eyoh lưu ý rằng tại Châu Phi, biến nam giới thành những đồng minh trong lĩnh vực giáo dục và nâng cao nhận thức đã chứng tỏ hiệu quả.

"Chúng ta thấy rằng nam giới có khuynh hướng lắng nghe nam giới khi bàn về vấn đề này, hơn là để phụ nữ tự nói cho mình," bà cho biết.

Liên hiệp quốc hôm 25/11 khai mở một sự kiện hoạt động kéo dài 16 ngày để nhấn mạnh tới nạn bạo hành dựa trên giới tính. Sự kiện sẽ kết thúc vào ngày 10/12, Ngày Nhân quyền.

"Hôm nay chúng tôi kêu gọi các chính phủ và các dịch vụ có những bước tích cực cần thiết để tăng cường cách đối phó, trong đó phải bao gồm tăng cường tính giải trình, bằng cách biến nạn cưỡng hiếp thành một chuyện phi pháp toàn cầu, kể cả tại những nước vẫn còn chấp nhận nạn cưỡng hiếp trong hôn nhân, và buộc những kẻ cưỡng hiếp phải chịu trách nhiệm tại mỗi nước thành viên của Liên hiệp quốc," giám đốc điều hành tổ chức Phụ nữ Liên hiệp quốc, Phumzile Mlambo-Ngcuka, nhấn mạnh.