Những người phản đối tại Trung Quốc từ lâu đã thỉnh cầu chính phủ giúp đỡ và giải quyết những sai trái của các giới chức địa phương tại cộng đồng của họ. Tuy nhiên một trường hợp mới đây của một phụ nữ kiện chính phủ, thay vì xin giúp đỡ, đánh dấu bước đầu của một khuynh hướng mới tại Trung Quốc. Thông tín viên Shannon Van Sant tường trình từ Hong Kong.
Một phụ nữ tại vùng quê tỉnh Giang Tây, bà Hạ Nhuận Anh kiện chính phủ Trung Quốc vì bị cưỡng bách triệt sản.
Tuy một tòa án Trung Quốc từ chối thụ lý vụ kiện của bà trong tháng này, các nhà phân tích nói đây là trường hợp đầu tiên một công dân Trung Quốc kiện chính phủ về vấn đề cưỡng bách phá thai và triệt sản. Các chuyên gia về pháp lý nói những cải cách có hiệu lực vào mùa xuân năm nay chắc chắn sẽ làm cho vụ kiện này là vụ đầu tiên của làn sóng công dân kiện chính phủ ở Trung Quốc.
Nhà hoạt động Hùng Quỳnh thuộc tổ chức Tiếng nói Phụ nữ, một tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của phụ nữ tại Bắc Kinh, nói:
“Việc này xảy ra cho nhiều phụ nữ ở miền quê Trung Quốc. Bà Hạ không phải là trường hợp duy nhất. Tuy nhiên bà là người đầu tiên kiện chính phủ để đòi bồi thường. Tôi nghĩ vụ này thực sự quan trọng và nó có thể khuyến khích những phụ nữ Trung Quốc khác trong trường hợp tương tự, và có thể thúc đẩy chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ và quyền được lựa chọn của họ."
Bà Hạ nói vào năm 2012, đại diện của ủy ban kế hoạch hóa gia đình ở huyện Đại Nguyên đưa bà từ nhà vào bệnh viện, nơi họ buộc bà và chồng đồng ý giải phẫu cắt buồng trứng. Bà cho rằng cưỡng bách triệt sản trái với luật Trung Quốc và cuộc giải phẫu đã gây nên những biến chứng về sức khoẻ, gồm có đau ngang thắt lưng, chóng mặt và nôn mửa.
Bà Hạ nói hai năm sau cuộc giải phẫu, bà được chẩn đoán là có triệu chứng đau ở vùng xương chậu do giãn tĩnh mạch ở bụng dưới.
Bà Hạ kiện ủy ban kế hoạch hóa gia đình về việc buộc bà phải triệt sản và nói bà phải được bồi hoàn tiền thuốc thang và tổn hại về tâm lý do cuộc giải phẫu gây ra. Tòa án bác bỏ vụ kiện của bà Hạ. Toà phán rằng những vấn đề sức khỏe của bà không liên hệ gì đến cưỡng bách triệt sản.
Năm ngoái, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thông qua một điều khoản tu chính về Luật Thủ tục Hành chánh để nới rộng quyền của công dân kiện chính phủ và giảm bớt con số các đơn thỉnh nguyện gởi cho chính phủ.
Luật sư Susan Finder là người quan sát hệ thống pháp luật của Trung Quốc trong hơn 20 năm. Ông nói rằng cho dù vụ kiện của bà Hạ bị bác thì vụ này cũng cho thấy là thể chế pháp trị ở Trung Quốc còn cần được cải thiện thêm nữa.
“Đây là một vụ kiện nhỏ. Có hàng ngàn vụ tại tòa án Trung Quốc, nhưng vụ này nên được xem như là một diễn tiến tích cực, vì bà Hạ ý thức được quyền pháp lý của bà và đã hành động.”
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, mỗi năm có 13 triệu vụ phá thai tại Trung Quốc và con số này đang gia tăng. Con số các vụ phá thai hàng năm tăng 30% tại những thành phố lớn của Trung Quốc như Thiên Tân chẳng hạn.
Ông William Nee, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Hội Ân xá Quốc tế, nói chính sách kế hoạch hóa gia đình đã lỗi thời của Trung Quốc đưa đến hậu quả là các giới chức địa phương cưỡng bách những phụ nữ như bà Hạ phải phá thai hay triệt sản.
“Điều mỉa mai là với tình hình dân số hiện nay tại Trung Quốc, thì có khả năng nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu dân. Những thành phố, như Thượng Hải, có tỉ lệ sanh nở thấp nhất thế giới.”
Vào năm 2013, Trung Quốc cải tổ lại chính sách một con của nước này để cho phép một số gia đình có hơn hai con nếu người vợ hoặc người chồng là con một. Những người bênh vực nhân quyền hy vọng có thêm nhiều trường hợp như bà Hạ sẽ thúc đẩy cải cách pháp luật thêm nữa để ngăn ngừa các giới chức địa phương cưỡng bách phá thai.