Trong sinh hoạt chính trị tại Việt Nam, bầu cử Quốc hội là cuộc bầu cử duy nhất người dân được cầm lá phiếu để chọn lựa những người đại diện cho mình trong một tổ chức được xem là có quyền lực cao nhất nước. Quốc hội khoá thứ 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ được bầu vào ngày 22 tháng 5 tới. Người ta dự kiến sẽ có 500 đại biểu được bầu từ 896 ứng cử viên. Trong các đại biểu ấy, người ta cũng dự kiến sẽ có 198 người thuộc trung ương (bao gồm 80 uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đảng và một số người thuộc các cơ quan chính phủ và Quốc hội) và 302 đại biểu thuộc địa phương. Để có vẻ dân chủ, người ta cũng dự kiến sẽ có khoảng từ 25 đến 50 người ngoài đảng.
Cách thức tổ chức bầu cử Quốc hội như vậy đã có từ lâu. Lần nào người ta cũng cho là “đúng qui trình” và “đúng bài bản”. Tuy nhiên kỳ bầu cử Quốc hội này có một đặc điểm nổi bật chưa từng có trong các cuộc bầu cử khác: đó là sự xuất hiện của cả một phong trào tự ứng cử của một số trí thức đối kháng hoặc độc lập trong nước.
Hiện tượng tự ứng cử, thật ra, không mới. Trước đây, đã từng có một số người tự ứng cử. Việc ứng cử dễ dàng đến độ, nói theo lời đại biểu Trần Du Lịch thuộc thành phố Hồ Chí Minh, “thậm chí một người mới từ bệnh viện tâm thần xuất viện cũng ứng cử được.” Thật ra, ông Trần Du Lịch ít nhiều phóng đại. Việc tự ứng cử ở Việt Nam không dễ dàng đến vậy, Hơn nữa, ở Việt Nam, từ việc tự ứng cử đến việc được đề cử để được chính thức trở thành một ứng cử viên là một quá trình cam go và rất phức tạp.
Điều đặc biệt trong cuộc bầu cử Quốc hội năm nay là: Một, một số ứng cử viên tự xin ứng cử thuộc thành phần trí thức khá cao; hai, mục đích tự ứng cử của họ không phải là để tìm kiếm quyền lợi cho bản thân mà là muốn đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá tại Việt Nam; và ba, họ khuyến khích nhau cùng ra ứng cử, qua đó, tạo thành một cái gọi là “phong trào”, khởi đầu là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sau, thêm nhiều người khác, khá đông đảo, trong đó, có một số luật sư từ lâu nổi tiếng là những nhà hoạt động xã hội tích cực.
Nếu ở Tây phương, đối diện với một phong trào như thế, người ta sẽ đặt câu hỏi: Những người đó có hy vọng gì thắng cử không? Riêng ở Việt Nam, câu hỏi đầu tiên phải là: Những người đó có hy vọng gì được đề cử không?
Theo luật ở Việt Nam, mọi công dân trên 21 tuổi trở lên đều được quyền ứng cử; tuy nhiên, để chính thức trở thành một ứng cử viên, người ta phải được địa phương giới thiệu qua các cuộc “hội nghị” hay “hiệp thương” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Từ trước đến nay, các cuộc “hội nghị” hay “hiệp thương” như vậy trở thành những màn đấu tố đối với những người tự ứng cử, cuối cùng, tất cả những người nằm ngoài danh sách do Mặt trận Tổ quốc đưa ra đều bị loại.
Trong cuộc bầu cử lần này, chắc chắn chính quyền Việt Nam lại sử dụng thủ đoạn tương tự. Không hy vọng gì những người như Tiến sĩ Nguyễn Quang A hay bất cứ người nào khác, có thể thoát khỏi cửa ải “hội nghị” hay “hiệp thương” kia. Mà chắc chắn họ thừa biết điều đó. Nhưng vấn đề là: tại sao đã biết trước vậy mà người ta vẫn quyết định tự ứng cử, hơn nữa, cổ vũ nhau ứng cử? Trả lời một cuộc phỏng vấn trên BBC, Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu: “Tôi không đặt việc trúng cử, hay vào sâu các vòng sau là mục tiêu chính. Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.”
Nói cách khác, những người tự ứng cử ở Việt Nam năm nay muốn hai điều. Một, họ muốn thách thức chính quyền, cụ thể hơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mới đây từng tuyên bố: “dân chủ đến thế là cùng”. Nếu ông giữ lời hứa, ông sẽ tổ chức một cuộc bầu cử công bình và minh bạch; nếu không, mọi người dân sẽ thấy rõ là ông và đảng của ông chỉ nói những điều dối trá. Hai, người ta muốn, qua phong trào tự ứng cử như vậy, dần dần thay đổi cách nhận thức của quần chúng về quyền hạn của mình trong việc bầu cử và ứng cử. Quá trình làm thay đổi nhận thức ấy cũng là một quá trình cách mạng tiệm tiến.
Một chủ trương như thế không phải không có những điểm khả thủ. Muốn có dân chủ, người ta cần có nhiều điều kiện, nhưng điều kiện căn bản và quan trọng nhất là mọi người phải có ý thức dân chủ. Biểu hiện của ý thức dân chủ ấy, ở giới cầm quyền, là việc tôn trọng những sự khác biệt; ở những người bị trị, là ý thức về những cái quyền bất khả xâm phạm của mình với tư cách một con người cũng như với tư cách một công dân. Một phong trào tự ứng cử đông đảo của những trí thức độc lập hoặc đối kháng sẽ góp phần xây dựng ý thức dân chủ ấy. Việc thay đổi cách nhìn của giới cầm quyền có lẽ rất khó và còn lâu lắm. Nhưng sự thay đổi cách nhìn của dân chúng có lẽ khả thi hơn.
Chứng kiến những hành động tự ứng cử của một số trí thức, người dân sẽ nhận thấy ít nhất hai điều: Một, họ biết trong xã hội vẫn có những người thiết tha với dân chủ, bất chấp những khó khăn và thử thách, sẵn sàng tranh đấu cho dân chủ; và hai, khác hẳn với những lời lẽ tuyên truyền về dân chủ, nhà cầm quyền tìm mọi cách để trù dập những người can đảm ấy, và những cuộc bầu cử được gọi là tự do của họ, thật ra, chỉ là những trò diễn dân chủ nhằm đánh lừa dư luận mà thôi.
Tuy nhiên, phong trào tự ứng cử ấy, dù sao, cũng có ít nhất hai giới hạn:
Thứ nhất, giống như mọi cuộc bầu cử ở Việt Nam, những người tự ứng cử sẽ không bao giờ có cơ hội để tiến hành các cuộc vận động tranh cử. Họ sẽ không được gặp quần chúng, không được trình bày các chính sách của mình, cũng không được phê phán các chính sách của người khác hay của đảng Cộng sản. Bởi vậy, ảnh hưởng của các cuộc tự ứng cử ấy đối với nhận thức của dân chúng, nếu có, chắc chắn là sẽ rất ít ỏi.
Thứ hai, người ta phải chấp nhận hiến pháp và luật pháp của chế độ Cộng sản. Cụ thể hơn, tham gia vào cuộc bầu cử do đảng Cộng sản lãnh đạo, người ta phải chấp nhận hai điều: Một là sự thống trị của đảng Cộng sản; hai là các luật chơi trong cuộc bầu cử ấy. Chấp nhận hai điều đó, đặc biệt, luật chơi bầu cử, là chấp nhận khá nhiều rủi ro. Bởi bầu cử ở Việt Nam không những thiếu tự do mà còn thiếu hẳn sự minh bạch: Chính quyền vừa giới thiệu ứng cử viên vừa tổ chức bầu cử lại vừa đếm phiếu và kiểm tra phiếu. Việc gian lận, do đó, rất dễ thực hiện. Chính quyền nếu không ngăn chận được phong trào tự ứng cử, họ cũng dễ dàng đánh rớt những người ấy ở giai đoạn đếm phiếu. Cho nên, việc ứng cử không có chút hy vọng nào cả. Hơn nữa, nó có thể tạo ra một cái cớ để chính quyền chứng tỏ với thế giới là họ tôn trọng dân chủ thật.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.