Phim “Mười Năm” tiếp tục thu hút khán giả và những người hâm mộ ở Hồng Kông, trong lúc chính phủ Trung Quốc tìm cách ngăn chận những bài viết và bình luận trên mạng internet về cuốn phim chính trị này. Thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tường thuật từ Hồng Kông.
Công ty sản xuất phim “Mười Năm” đầu tuần này đã phổ biến cuốn phim này trên mạng sau khi một phiên bản bị rò rỉ trên internet.
Nhà sản xuất Andrew Choi (Thái Liêm Minh) cho biết ông hy vọng khán giả sẽ xem cuốn phim này như một lời cảnh báo về tương lai của Hồng Kông và là một nguồn hứng khởi để hành động.
"Phim này mang lại cho người xem một cơ hội, một dịp, để suy nghĩ về những gì mà chúng ta có thể làm vào lúc này, nếu chúng ta không muốn thấy một tương lai như vậy trong 10 năm nữa, suy nghĩ về những gì chúng ta có thể làm để gìn giữ những thứ mà chúng ta lâu nay vẫn được hưởng ở Hồng Kông."
Hồi đầu tháng này, phim “Mười Năm” đã đoạt giải Kim Tượng, phần thưởng cao quý nhất của điện ảnh Hồng Kông. Các đài truyền hình ở Trung Quốc Đại lục mọi năm vẫn chiếu trực tiếp buổi lễ trao giải, nhưng năm nay họ không làm như vậy.
Giải thưởng này cũng gặp phải sự chỉ trích của một số người, trong đó có ông Peter Lam, là người nói rằng những buổi lễ trao giải đã bị chính trị hoá quá nhiều. Ông nói rằng việc trao giải phim hay nhất cho phim “Mười Năm” là một “sự bất hạnh cho điện ảnh Hồng Kông” và quyết định đó chủ yếu là dựa vào nội dung chính trị của cuốn phim.
Ông Lam là Chủ tịch Hội đồng Du lịch Hồng Kông và người làm chủ Công ty phim Truyền thông Á châu. Ông cũng là thành viên của Đại hội Hiệp thương Chính trị Toàn quốc của Trung Quốc.
Phim “Mười Năm” gồm có 5 đoạn do 5 đạo diễn thực hiện và nói về cuộc sống ở đặc khu hành chánh này vào năm 2025 dưới ách cai trị của Bắc Kinh. Trong phim này có cảnh một người tự thiêu trước trụ sở chính quyền Trung Quốc và tiếng Phổ Thông thay thế cho tiếng Quảng Đông, là phương ngữ phổ biến ở Hồng Kông từ trước tới nay.
Những người Hồng Kông, như ông Alex Lau, nói rằng phim này phản ánh mối lo sợ của nhiều người là văn hoá Hồng Kông sẽ bị huỷ diệt dần cùng với sự sói mòn của các quyền tự do chính trị.
"Chúng tôi không muốn người dân Hồng Kông thay đổi để giống như người Trung Quốc. Chúng tôi lo lắng về việc đó."
Thời gian phim này ra mắt công chúng Hồng Kông kéo dài không lâu, và có một số rạp hát không chịu chiếu cuốn phim gây bất bình cho chính phủ Trung Quốc. mặc dầu vậy, nhiều người đã rủ nhau đến xem phim này tại những buổi chiếu phim trong khu xóm trên khắp thành phố.
Ông Joseph Cheung, một nhà tranh đấu dân chủ, nói rằng sự yêu thích của khán giả đối với phim “Mười Năm” phản ánh những mối quan tâm của người dân Hồng Kông.
"Sự lôi cuốn chính trị, những thông điệp chính trị, là những thứ làm cho khán giả cảm thấy thích thú, và đó là điều làm cho tôi cảm thấy ngạc nhiên đôi chút, nhưng nó cũng phản ánh sự lo lắng và những mối quan tâm chính trị của người dân Hồng Kông ngày nay."
Phim “Mười Năm” với kinh phí sản xuất chỉ có 64.000 đô la đã thu về gần 800.000 đô la từ tiền bán vé kể từ khi ra mắt công chúng hồi tháng 12.