King Kong có thể 'giúp tăng tốc du lịch Việt'

Your browser doesn’t support HTML5

Ngày 10/3, phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) bắt đầu được công chiếu ở 65 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Mỹ.

Bộ phim nói về một nhóm các nhà thám hiểm liều lĩnh khám phá một hòn đảo chưa có dấu chân người ở nam Thái Bình Dương vào năm 1973, giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam. Họ muốn tìm hiểu nhiều điều trước khi người Nga đến đó. Đoàn thám hiểm được một nhóm lính Mỹ hộ tống.

Hòn đảo nơi họ khám phá có phong cảnh hoang sơ, tuyệt đẹp nhưng nó lại ẩn chứa rất nhiều cạm bẫy nguy hiểm. Điều đáng sợ hơn cả là họ không hề hay biết rằng mình đang dấn thân vào lãnh địa của King Kong, chúa tể huyền thoại của loài khỉ. Và đụng độ giữa họ với Kong đã nổ ra rồi leo thang với những diễn biến nghẹt thở.

Hàng loạt các bài điểm phim đang xuất hiện trên các báo và tạp chí quốc tế, ngoài bàn về nội dung phim và diễn xuất, còn nhắc đến việc bộ phim bom tấn của Hollywood này có phần lớn cảnh quay ở những nơi có cảnh đẹp sững sờ của Việt Nam.

Giới chức ngành du lịch và công chúng Việt Nam đều kỳ vọng bộ phim sẽ giúp thu hút thêm nhiều du khách. Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nói với VOA:

“Khi mà phim Kong được 70% nội dung hình ảnh quay ở Việt Nam, đây là cơ hội rất là tốt quảng bá cho du lịch Việt Nam trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Chúng tôi cũng ý thức đây là cơ hội, một điều kiện giúp cho du lịch Việt Nam có thể tăng tốc trong những năm tới, để có thể đạt được những con số đón khách du lịch ấn tượng hơn trong năm 2017”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty du lịch Lửa Việt, cũng chung suy nghĩ:

“Bộ phim rất là nổi tiếng mà quay ở Việt Nam sắp trình chiếu như vậy thì mọi người đang náo nức chờ chuẩn bị cho một lượng khách sẽ đến Việt Nam bởi vì thông qua những cảnh đẹp mà bộ phim quảng cáo như vậy. Cái sự kiện bộ phim sắp chiếu sẽ có tác động lớn đến lượng khách đến Việt Nam và tác động ngược lại đến sự quan tâm của chính quyền, của nhà nước và của người làm ngành du lịch”.

Trong năm 2016, hơn 10 triệu du khách nước ngoài đã đến Việt Nam, tăng 26% so với năm trước đó và gấp 2 lần năm 2010. Ngành du lịch nói đó là con số kỷ lục từ trước đến nay. Nhưng không rõ sự gia tăng này có liên quan như thế nào đến việc phim Kong được quay ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 2/2016.

Poster phim 'Kong: Skull Island'


Những hình ảnh đẹp của Việt Nam đã được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều hồi năm ngoái, khi đoàn làm phim 120 người - gồm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts và các ngôi sao Hollywood - rong ruổi trong nhiều tháng để ghi hình ở các địa điểm du lịch nổi tiểng hay một số nơi có phong cảnh đẹp hoang sơ của Việt Nam.

Ở Quảng Bình, đoàn đã quay tại Hang Chuột và hồ Yên Phú thuộc huyện Minh Hóa. Tiếp đến, danh thắng Tràng An và đầm Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, đã trở thành một phần bối cảnh bộ phim. Điểm dừng chân cuối của đoàn là vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài Việt Nam, các cảnh khác trong phim được quay ở Hawaii và Australia. Đạo diễn Vogt-Roberts nói với báo chí ông đã “lùng sục khắp thế giới” và đã “xiêu lòng” khi đến Việt Nam và nhìn thấy cảnh sắc của đất nước.

Ông nhận xét rằng “phong cảnh Việt Nam vừa lộng lẫy vừa giống một thế giới khác”. Theo lời ông, Việt Nam có “một vẻ đẹp thô mộc, đầy sức mạnh và chưa được biết tới mà khán giả đại chúng chưa từng trải nghiệm trên màn ảnh”.

Nhận thức rằng bộ phim đã, đang và sẽ quảng bá tích cực và hiệu quả về Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã có bước đi nhạy bén là đề cử đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm đại sứ du lịch của đất nước. Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xác nhận điều này với VOA vào chiều 9/3:

“Chiều ngày hôm nay, hội đồng xét bổ nhiệm đại sứ du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã họp và kết quả bỏ phiếu thì xin thông báo là 100% thành viên hội đồng đồng ý đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét bổ nhiệm đạo diễn Jordan làm đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020”.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam dự định chọn một đạo diễn Mỹ nói riêng, nước ngoài nói chung làm đại sứ du lịch.

Báo chí Việt Nam nói hội đồng bình chọn đánh giá rằng với vị thế là đạo diễn nổi tiếng, uy tín tầm cỡ thế giới, tác phẩm của vị đạo diễn người Mỹ cũng như những tương tác của ông với các giới khác sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua ông, các đạo diễn khác trên thế giới sẽ biết đến Việt Nam như một điểm quay phim mới mẻ, cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, con người thân thiện, được nhà chức trách quan tâm, giúp đỡ.

Việc chọn ông Vogt-Roberts cho thấy nhà chức trách mong muốn Việt Nam trở thành điểm quay phim của điện ảnh thế giới, một sự chuyển hướng quan trọng nếu xét đến thực tế là trong quá khứ Việt Nam đã vài lần từ chối các hãng phim lớn đến quay.

Với 22 năm kinh nghiệm làm du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty du lịch Lửa Việt, khẳng định với VOA kết hợp điện ảnh với du lịch là điều hết sức cần thiết:

“Du lịch với điện ảnh phải là một cặp tiền đạo ăn ý. Trước đây, có thể nói rằng người Việt Nam nói chung, du lịch nói riêng chưa quan tâm đến hiệu quả của điện ảnh với du lịch. Có rất nhiều phim dẫn đến du lịch nhưng mà người Việt đã bỏ qua rất nhiều thời cơ. Gần đây, sau khi bộ phim ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ đã làm Phú Yên tăng trưởng ngoạn mục, thì nhiều người nhận ra là du lịch phải gắn bó nhiều hơn với điện ảnh, cả hai cùng có lợi. Và cái việc này thì rất nhiều nước họ đã làm thành công”.

Trong khi sự lạc quan đang tăng lên về triển vọng khách nước ngoài sẽ đến Việt Nam đông đảo hơn, ông Mỹ cũng nhận xét rằng điều đó sẽ tạo ra áp lực với các dịch vụ du lịch có chất lượng bị đánh giá là còn chưa được cao ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, với kinh nghiệm thực tế và hiện là người giảng dạy, tư vấn về du lịch cho nhiều tỉnh, ông Mỹ chỉ ra những việc có thể làm ngay để nâng cao sự thiện cảm, sự hài lòng của du khách:

“Có những vấn đề mà tôi nghĩ có thể làm ngay mà không cần phải tốn kém nhiều tiền đó là thay đổi cái thái độ và tinh thần phục vụ. Chuyện chất lượng dịch vụ phải cần tiền, cần phải có thời gian. Việt Nam chưa thể cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia hay Singapore về chất lượng dịch vụ. Nhưng mà hoàn toàn có thừa khả năng cạnh tranh với họ về tinh thần và thái độ phục vụ. Tôi cho rằng cái điều này cần làm, nên làm và phải làm ngay. Bởi vì có lẽ hơn hết, cái tinh thần thân thiện, thái độ cởi mở là cái chìa khóa mời khách vào, đặc biệt từ các khâu được xem là cửa ngõ quốc gia, như là các cửa khẩu quốc tế, phải làm sao thay đổi được thái độ phục vụ, và lấy nụ cười làm vũ khí cạnh tranh. Cái này phải học từ Nhật Bản”.

Hiện cũng là giám đốc Công ty Tư vấn Dịch vụ và Phát triển Du lịch, ông Mỹ bổ sung thêm rằng những điều khác cần khắc phục để nâng chất lượng dịch vụ Việt Nam là bảo đảm an toàn cho du khách, vệ sinh thực phẩm, giao thông thuận tiện thông suốt, và các chương trình tham quan cũng như hàng lưu niệm phong phú.

Ông cũng lưu ý đến vấn đề thường bị xem nhẹ là cần có đủ nhà vệ sinh sạch sẽ tại các điểm du lịch.

Theo ông, cần phải có lộ trình và những người chịu trách nhiệm cụ thể về các vấn đề này. Ông nói nếu khắc phục được, du lịch Việt Nam có thể tăng trưởng tới 40-50%.