Philippines đòi Mỹ bồi thường cho việc làm hư rạn san hô

Các giới chức ước tính tàu dọn mìn USS Guardian của Mỹ bị mắc cạn trong 73 ngày tại rạn san hô Tubbataha đã gây hư hại cho hơn 2.200 mét vuông san hô ở đây

Philippines yêu cầu Hoa Kỳ bồi thường hơn một triệu đô la cho những thiệt hại gây ra cách đây một năm rưỡi cho một rạn san hô được quốc tế bảo vệ. Rạn san hô này nằm ở Biển Sulu, đối diện với Biển Đông, là nơi Philippines đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và bốn quốc gia khác.

Hồi đầu năm 2013, tàu dọn mìn USS Guardian của Mỹ đã bị mắc cạn trong 73 ngày tại rạn san hô Tubbataha ở duyên hải phía đông của tỉnh Palawan. Các giới chức ước tính tàu này đã gây hư hại cho hơn 2.200 mét vuông san hô. Tàu này rốt cuộc đã phải tháo rời để đưa về cảng sửa chữa.

Tổng giám thị Khu Bảo tồn San hô Tubbataha, bà Angelique Songco, cho biết toán thẩm định, bao gồm các giới chức địa phương, nhân viên hải quân Mỹ và một nhà sinh vật học hải dương người Mỹ, đã kết luận là thiệt hại lên tới mức 1.5 triệu Mỹ Kim.

Bà Songco nói: “Tất cả chúng tôi đã đồng ý. Chúng tôi có các nhà khoa học làm việc chung. Tất cả chúng tôi đồng ý đó là quy mô của sự thiệt hại sau khi đã tiến hành đo đạc. Và chúng tôi hài lòng với kết luận này và chúng tôi nghĩ rằng đây là một việc công bằng.”

Rạn san hô Tubbataha, rộng 97.000 héc ta được Liên Hiệp Quốc xác định là Di sản Thế giới. Các nhà quản lý công viên biển này cho biết đây là nơi có hơn 70% số chủng loại san hô của thế giới. Khu bảo tồn này là nơi thu hút nhiều người lặn giải trí và nơi sinh sống của nhiều sinh vật biển có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Một tổ chức bảo vệ môi trường ở Philippines, có tên là Kalikasan, nói rằng yêu cầu bồi thường này “chẳng những quá trễ mà còn quá ít.” Điều phối viên quốc gia của Kalikasan, ông Clarance Bautista, cho rằng chính phủ Philippines nên tiến hành những vụ kiện hình sự và dân sự.

Tàu dọn mìn USS Guardian của Mỹ đã bị mắc cạn tại rạn san hô Tubbataha ở duyên hải phía đông của tỉnh Palawan vào đầu năm 2013.


Ông Bautista nói: “Yêu cầu này không giải quyết vấn đề là Hải quân Mỹ hay các sĩ quan chỉ huy tàu USS Guardian phải chịu trách nhiệm như thế nào dưới quyền tài phán của Philippines.”

Tổ chức Kalikasan đã nộp một thỉnh nguyện thư cho Tối cao Pháp viện Philippines để đòi thỏa mãn các điều kiện, bao gồm việc bồi thường ngay 27 triệu đôla, truy tố hình sự dựa theo luật pháp của Philippines và ra lệnh tạm ngưng các cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Philippines, đặc biệt là tại những khu vực bảo tồn trên biển. Ông Bautista nói rằng hồi tháng trước, Tối cao Pháp viện đã bắn tiếng là phía Mỹ chưa nhận được hồ sơ của vụ kiện tụng này.

Hải quân Mỹ đã cho giải ngũ bốn viên sĩ quan, trong đó viên hạm trưởng, sau khi xảy ra vụ mắc cạn.

Vài tuần sau khi chiếc USS Guardian được dời khỏi nơi xảy ra tai nạn, một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc chở những loại hải sản có nguy cơ tuyệt chủng cũng bị mắc cạn ở mỏm phía bắc của rạn san hô này.

Bà Angelique cho biết tàu Trung Quốc gây thiệt hại gấp đôi tàu Mỹ nhưng giới hữu trách gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra người chủ của chiếc tàu.

Vì hai vụ mắc cạn đó, cơ quan quản lý khu bảo tồn hôm nay công bố một kế hoạch hành động để tăng cường việc thực thi những quy định về “khu trái độn.” Khu này bao gồm vùng biển rộng 356.000 hécta xung quanh rạn san hô.