Philippines 'quan tâm sâu sắc' việc TQ cải tạo đất đai ở Biển Đông

  • Simone Orendain

Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động lấp biển lấy đất tại những đảo nhỏ mà Bắc Kinh chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Philippines bày tỏ “quan tâm sâu sắc” đối với những hình ảnh chụp từ vệ tinh mới được phổ biến cho thấy tiến bộ đáng kể trong hoạt động cải tạo đất tại những hòn đảo nhỏ đang có tranh chấp ở Biển Đông. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain tường thuật.

Những hình ảnh mới, do Tuần san Quốc phòng Jane’s đăng tải, cho thấy “một cơ sở lớn” đang được xây dựng tại đảo Gạc Ma (Johnson South Reef; Trung Quốc gọi là Xích Qua). Tháng 5 năm ngoái quân đội Philippines cho biết một chiếc tàu xây dựng của Trung Quốc đang lấy cát, đá bồi vào hòn đảo này.

Những hình ảnh mới nhất cũng cho thấy, từ khi bắt đầu công tác xây dựng tại đảo Ga-Ven (Gaven Reef; Trung Quốc gọi là Nam Huân) hồi tháng 3 cho tới tháng giêng năm nay, những công trình dường như là một bãi đáp trực thăng và một tháp phòng không. Bài tường thuật nói rằng hoạt động tại đảo Geven hầu như hoàn toàn giống với những hoạt động tại một hòn đảo nhỏ ở kế bên là đảo Tư Nghĩa (Hughes Reef; Trung Quốc gọi là Nam Môn), mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói rằng nước ông “quan tâm sâu sắc” đối với những hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc.

"Chúng tôi nhận thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên những hòn đảo nhỏ và những bãi đá đó rõ ràng là có mục đích thay đổi tính chất, qui chế và những quyền lợi phát sinh từ quyền sở hữu của những nơi đó. Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục Trung Quốc ngưng chỉ những hoạt động cải tạo đất mà họ đang làm."

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Charles Jose nói Philippines “quan tâm sâu sắc” đối với những hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc.

Manila đã nhiều lần đưa ra kháng nghị chính thức với Trung Quốc về những hoạt động cải tạo đất tại một số đảo nhỏ và bãi đá mà Philippines đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Ông Jose cho biết phúc đáp của Trung Quốc đối với kháng nghị mới nhất liên quan tới đảo Gạc Ma là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với những hòn đảo ở Biển Đông.

Đó là lập trường của Trung Quốc đối với bất kỳ hành động nào của họ ở trên hoặc xung quanh những hòn đảo nhỏ và những bãi đá có tranh chấp. Hơn thế nữa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói rằng nước họ có quyền thực hiện những hoạt động xây dựng tại những hòn đảo mà họ đang chiếm đóng. Hiện có 6 nước đòi chủ quyền ở Biển Đông là Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan.

Ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam và Đài Loan đã xây dựng những cơ sở quân sự trên một số hòn đảo. Malaysia đã xây một khu du lịch lặn biển quanh một bãi đáp trên một trong những hòn đảo nhỏ mà họ chiếm đóng. Philippines cũng đã thúc đẩy cho việc đưa thường dân ra sống trên hòn đảo lớn nhất mà họ tuyên bố có chủ quyền ở quần đảo này.

Tuy nhiên, theo Biên tập viên James Hardy của Tuần san Quốc phòng Jane’s, Trung Quốc, là nước trước đây chưa chiếm đóng một hòn đảo thật sự nào ở vùng này, đang biến những bãi đá ngầm thành những hòn đảo nhân tạo. Ông nói rằng những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây “tạo thành một sợi xích” quanh quần đảo Trường Sa.

"Những đảo này có tiềm năng lớn và sẽ được gia cố và trên cơ bản sẽ giúp cho Trung Quốc có được một vị thế để khẳng định các yêu sách chủ quyền của họ đối với những hòn đảo khác của quần đảo Trường Sa. Vấn đề là ở đó. Tất cả những việc này thật ra là có tính chất chèn ép. Chúng tôi nghĩ đó chính là sự việc sắp xảy ra. Họ không cần phải phát động một cuộc chiến tranh. Họ chỉ cần làm cho sự hiện diện của những nước khác ở đó trở nên rất khó khăn."

Những bức ảnh của Tuần san Quốc phòng Jane’s và của chính phủ Trung Quốc cho thấy tính cho tới nay Trung Quốc đã bắt đầu xây đảo nhân tạo tại các bãi đá Châu Viên (Cuateron; Trung Quốc gọi là Hoa Dương), Chữ Thập (Fiery Cross; Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử), Ga-Ven, Tư Nghĩa và Gạc Ma. Việt Nam đòi chủ quyền tất cả các bãi đá đó. Philippines cũng có yêu sách chủ quyền đối với tất cả các bãi đá đó, ngoại trừ bãi Tư Nghĩa.